Quản lý năng lượng

Hà Nội - 5 lĩnh vực trọng tâm trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính

Thứ ba, 3/12/2019 | 14:43 GMT+7
Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu. (Ảnh: Khánh Linh)

Để làm được điều đó trong những năm qua, Hà Nội đã tích cực xây dựng các quy định, kế hoạch và hướng dẫn cho các cấp, các sở, ban, ngành, quận, huyện nhằm chủ động quản lý cũng như thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Xác định 5 lĩnh vực trọng tâm
 
Căn cứ nguồn gốc phát sinh, mức độ phát thải tuyệt đối và xu hướng phát thải cũng như mức độ ảnh hưởng, theo hướng dẫn của IPCC (Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã xác định được kết quả tính toán phát thải khí nhà kính cho 5 cơ sở của 5 lĩnh vực phát thải trên địa bàn thành phố. Trong đó, tổng phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng của TP. Hà Nội trong năm 2015 là hơn 12.167.000 tấn CO2 tương đương, trong đó, tiểu lĩnh vực dân cư chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 55,85%), tiếp đến tiểu lĩnh vực công nghiệp sản xuất và xây dựng (28,77%). Tiếp theo là lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp và chất thải trên địa bàn thành phố mà nguồn phát thải chủ yếu đến từ ác bãi chôn lấp rác thải.
 
Kết quả phân tích cho thấy, tiêu thụ điện ở khu vực dân cư là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm hơn một nửa tổng phát thải của toàn thành phố trong lĩnh vực năng lượng (khoảng 52%). Đây là khu vực quan trọng nhất mà thành phố cần tập trung nỗ lực cho các công tác tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Nguồn phát thải lớn thứ hai đến từ tiêu thụ điện trong công nghiệp sản xuất và xây dựng, chiếm tỷ lệ khoảng 29%. Còn tổng 2 nguồn phát thải liên quan đến tiêu thụ than tổ ong (thương mại dịch vụ và dân sinh) là 5%.
 
ha noi 5 linh vuc trong tam trong muc tieu giam phat thai khi nha kinh
 
Tổng phát thải khí nhà kính của Hà Nội năm 2015 của cả 5 lĩnh vực là 18.181.091 tấn CO2 tương đương, chiếm 7% tổng phát thải của quốc gia năm 2013 - là năm có kết quả tính toán kiểm kê khí nhà kính mới nhất hiện nay. Trong đó, lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực có tỷ lệ phát thải lớn nhất, chiếm 67%; tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp, chất thải; lĩnh vực các quá trình công nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất, chỉ 1% trong tổng phát thải khí nhà kính. Như vậy, việc xây dựng các hành động giảm nhẹ khí nhà kính cho TP. Hà Nội tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và chất thải.
 
Ngành Công Thương nỗ lực giảm thiểu
 
Trước những nghiên cứu và phân tích trên, trong những năm qua ngành Công Thương Hà Nội đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong đó Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung công tác kiểm toán năng lượng tại các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm của TP. Hà Nội (247 đơn vị theo Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời Sở Công Thương cũng triển khai các hoạt động tư vấn và tập trung cho cải tiến công nghệ, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu trong sản xuất, nhằm giảm tiêu hao năng lượng/1 đơn vị sản phẩm.
 
Đặc biệt, ngành Công Thương Hà Nội đã lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về hành động “thích ứng” và “giảm nhẹ” cùng các nội dung của kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành Công Thương vào các hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất năm 2018”. Chiến dịch đã diễn ra sôi động trên khắp các địa bàn của 30 quận, huyện, thị xã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
 
Đối với các hộ gia đình, Sở Công Thương đã phối hợp với các quận, huyện, ban, ngành của Hà Nội, cùng với Tổng công ty Điện lực Hà Nội tổ chức các chương trình tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện trong các hộ gia đình, đồng thời phát động các phong trào gia đình tiết kiệm điện, hàng năm tổng kết, đánh giá và tuyên dương những gia đình tiết kiệm điện, chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
 
Giai đoạn 2016-2020, cùng với mục tiêu xây dựng thêm 25 công viên và 25 hồ mà UBND TP. Hà Nội đề ra, ngành Công Thương Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp, tòa nhà, hộ gia đình phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời, các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng… đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành Công Thương thủ đô.

Link gốc
Theo: Kinh tế Việt Nam