Hà Nội phát triển mô hình sử dụng năng lượng mới

Thứ năm, 17/3/2016 | 15:56 GMT+7
Hà Nội sẽ phát triển mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các cơ sở, trong quy mô hộ gia đình như hầm biogas, bình năng lượng mặt trời...

Mô hình hầm biogas quy mô hộ gia đình. Ảnh: TTXVN

 Năm 2016, triển khai thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 2% - 3% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu, góp phần vào mục tiêu phấn đấu hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2020 đạt 0,95%.

Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển mô hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các cơ sở sử dụng năng lượng, trong quy mô hộ gia đình như hầm biogas, thiết bị đun nước nóng, bình năng lượng mặt trời. Thực hiện lồng ghép Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để thúc đẩy các cơ sở sử dụng năng lượng đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế thủ đô theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển trang thiết bị hiệu suất cao về năng lượng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh, sạch thông qua tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế “Công nghệ năng lượng - môi trường Hà Nội”. Đồng thời, phổ biến các giải pháp, công nghệ, kinh nghiệm về hiệu suất năng lượng thông qua hội nghị, diễn đàn và các ấn phẩm thông tin; hỗ trợ thí điểm chợ loại II các giải pháp tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp. Phát triển hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, xây dựng thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả.

Trước mắt, Hà Nội thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Khu Công nghiệp Nội Bài; Cụm công nghiệp Lai Xá - Kim Chung và Trường An (Hoài Đức). Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng các trạm bơm tưới tiêu; vận hành hệ thống đóng mở cống lấy nước, cống điều tiết đảm bảo tiết kiệm điện, hiện đại hóa công trình thủy lợi. Hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp ngành dệt may và các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ khí phục vụ quốc phòng, xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các toà nhà , chiếu sáng công cộng và trong lĩnh vực giao thông vận tải .

Năm 2015, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hà Nội đã tiết kiệm được 325 triệu kWh và trở thành một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Tiến sĩ Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, phong trào “Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng” trong năm vừa qua đã mang lại kết quả khả quan với 241.000 kWh được tiết kiệm thông qua Chiến dịch Giờ Trái đất và 35 triệu kWh điện được tiết kiệm tại các hộ gia đình.

Đặc biệt, năm 2015, Sở Công Thương Hà Nội đang hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 9 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó, đã hoàn thành hỗ trợ tư vấn cho 51 giải pháp, giúp tiết kiệm được 502,9 TOE/năm, giảm phát thải 1.378,4 tấn CO2/năm, tương đương 5,63 tỷ đồng/năm khi thực hiện các giải pháp cụ thể. Các giải pháp đã hướng doanh nghiệp từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp và thay thế bằng các thiết bị có hiệu suất cao.

Thành phố đã hoàn thành hỗ trợ kiểm toán năng lượng trong các tòa nhà, đề xuất 37 giải pháp hiệu quả cho 11 tòa nhà với tổng số tiền tiết kiệm được từ các giải pháp là 170,68 TOE/năm, tương đương 2,11 tỷ đồng/năm.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, chương trình cũng đã thúc đẩy các chủ phương tiện sử dụng xăng sinh học E5, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải công cộng...
Theo: TTXVN