Phát triển điện hạt nhân: Truyền thông phải công khai, minh bạch

Thứ ba, 29/12/2015 | 10:43 GMT+7
Một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển điện hạt nhân (ĐHN) thành công chính là sự ủng hộ của công chúng. Do vậy, công tác truyền thông, vận động cộng đồng cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

Phát triển điện hạt nhân cần sự đồng thuận cao của người dân.

ĐHN là một ngành kinh tế kỹ thuật với công nghệ cao, phức tạp và nhạy cảm về mặt an toàn. Do vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền cần phải được tiến hành hết sức bài bản, sâu rộng, có tính chiến lược lâu dài, hướng đến một cách phù hợp với từng đối tượng công chúng cụ thể.

Theo Trung tâm Thông tin của Nhà máy ĐHN Rostov (Nga), nước Nga luôn luôn quan tâm đến công tác truyền thông, quan hệ cộng đồng, đặc biệt là tại những địa điểm đặt các nhà máy ĐHN. Ở đó, những chuyên gia làm công tác truyền thông luôn khẳng định tính minh bạch và sự kiểm soát độc lập của ngành công nghiệp hạt nhân.

Ngoài việc in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền cho mọi lứa tuổi, trình độ văn hóa khác nhau, ở Nga luôn công khai tất cả những hoạt động của nhà máy ĐHN, từ công suất phát điện, đại tu, sữa chữa, đến các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền của Nga và quốc tế… Mọi người dân đều có thể đến tham quan các nhà máy ĐHN cũng có thể theo dõi chế độ đang vận hành, môi trường, bức xạ ở xung quanh khu vực nhà máy, từ đó có sự so sánh với môi trường, bức xạ tự nhiên.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng không kém đó là giải thích cho người dân hiểu ngành công nghiệp hạt nhân còn tạo ra một động lực kinh tế to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng lân cận của dự án ĐHN được xây dựng. Chẳng hạn, ngân sách địa phương tăng lên từ tiền thuế thu được tại các nhà máy ĐHN. Từ đó tạo điều kiện cho các địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường, cơ sở y tế, trường học, các công trình văn hóa, thể thao… Đây chính là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ của người dân và chính quyền các địa phương về ĐHN.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của ĐHN trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cũng như góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công dự án ĐHN Ninh Thuận.

Định hướng quy hoạch phát triển ĐHN Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định 906/QĐ-TTg) cũng nêu rõ: Xây dựng chương trình thông tin đại chúng về ĐHN đồng bộ với chương trình phát triển ĐHN, đảm bảo thông tin kịp thời và minh bạch nhằm duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với tất cả các khâu của dự án.

Theo Cục An toàn bức xạ hạt nhân, sự minh bạch thông tin còn được hiểu là sự tham gia của công chúng vào hoạch định chính sách. Tại Việt Nam, điều này đã được quy định trong luật. Trước khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN đã có sự tham vấn của cộng đồng. Chính phủ cũng đã có thời gian dài lấy ý kiến các cấp, ngành về vấn đề này…
Theo: Báo Công thương