Ảnh minh họa.
Cùng với tốc độ phát triển của Hải Phòng, sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn thành phố tăng đều từ 8-10%/năm, dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao trong thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ quá tải, gây sự cố mất điện. Một trong những giải pháp được ngành Công Thương Hải Phòng chú trọng để tạo sự ổn định cung ứng điện năng là thực thi các phương án khuyến nghị sử dụng điện tiết kiệm.
Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (Sở Công Thương), vẫn thường xuyên tổ chức tuyên truyền các hình thức sử dụng năng lượng hiệu quả trong nhiều trường học thông qua các hội nghị nâng cao hiệu quả chiếu sáng. Cùng với đó là kết quả khả quan trong phong trào “Gia đình tiết kiệm điện” do Công ty Điện lực Hải Phòng phối hợp với Hội LHPN thành phố, Thành đoàn và Sở Công Thương thực hiện, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chỉ trong 3 năm đầu triển khai phong trào “Gia đình tiết kiệm điện”, bình quân có khoảng 50 nghìn gia đình hưởng ứng mỗi năm, tiết kiệm được gần 205 triệu kW/h, tương đương 316 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phong trào “Thắp sáng niềm tin”, “Mùa hè thanh niên tình nguyện chung tay tiết kiệm điện”, “Trường học chung tay tiết kiệm điện”… cũng đem lại kết quả thiết thực.
Riêng trong năm 2016, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn đã tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng cho 7 doanh nghiệp như cải tạo hệ thống chiếu sáng, thực hiện quản lý nội vi, lắp đặt biến tần, hạn chế rò rỉ đường ống… có thể tiết kiệm 3.087.056 kWh/năm, giảm lượng khí CO2 phát thải 483,546 tấn CO2/năm, tương đương lượng tiết kiệm trên 8,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung tâm đã thực hiện biện pháp tương tự đối với trụ sở một số cơ quan như UBND huyện Tiên Lãng, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Lê Chân, Kho bạc nhà nước thành phố… mục tiêu để tiết kiệm 194.245 kWh/năm, giảm lượng khí CO2 phát thải 76,81 tấn CO2/năm.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Hải Phòng, dù đã đạt được một số kết quả khả quan trong việc thực thi các biện pháp đảm bảo, an toàn và ổn định cung cấp điện trong các mùa nắng nóng trong nhiều năm qua, trên thực tế, hạ tầng kỹ thuật cung ứng điện hiện tại vẫn trong quá trình vừa cải tạo vừa sản xuất nên chưa thực sự đồng bộ, nguy cơ quá tải trong mùa nắng nóng, mưa, bão vẫn luôn tiềm ẩn. Chính vì vậy, yêu cầu về tiết kiệm điện đòi hỏi sự tham gia không riêng các hộ gia đình, các doanh nghiệp, mà còn cần sự thống nhất của các cấp, ngành thuộc hệ thống quản lý nhà nước.
Theo: Báo Công thương