Theo kế hoạch, RWE sẽ đầu tư ít nhất 1 tỷ euro (1,48 tỷ USD) mỗi năm vào năng lượng tái sinh bắt đầu từ năm 2008, trong khi đối thủ đồng hương chủ chốt EON dự định đầu tư tới 6 tỷ euro vào các nguồn năng lượng xanh từ nay đến năm 2010.
Các dự án của RWE sẽ do RWE Innogy, một đơn vị mới của tập đoàn, điều hành. Dự kiến, RWE Innogy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 2/08. Trong khi đó, các dự án mới của EON sẽ được đơn vị EON Climate and Renewables kiểm soát.
Cả hai tập đoàn sản xuất điện nói trên, cùng với hai công ty điện khác của Đức là Vattenfall và EnBW, đã dành ưu tiên cho các tua bin vận hành bằng sức gió, trước cả năng lượng Mặt trời. Bốn công ty này cũng đang tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, trong đó có thủy điện, rác thải sinh học, địa nhiệt và điện thủy lực (được tạo ra điện từ sóng và thủy triều).
Báo cáo nghiên cứu của hãng tư vấn PriceWaterhouseCoopers (Pwc) cho biết RWE là công ty thải nhiều khí CO2 nhất ở châu Âu, do hãng này có cả một tổ hợp các nhà máy phát điện vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, EON đứng thứ ba về thải khí CO2, tiếp đến là Vattenfall.
Theo nhà phân tích Peter Wirtz thuộc hãng WestLB, các công ty điện của Đức không chắc có thể mua được quyền thải khí thải với giá rẻ trên thị trường mua bán và trao đổi khí CO2 châu Âu. Ngoài ra, các công ty điện trong nước cũng phải tính đến việc cấm sử dụng điện hạt nhân đã lên kế hoạch của chính phủ, cho dù kế hoạch này có thể được xem xét lại sau cuộc tổng tuyển cử của Đức vào năm 2009. Đức cho biết nước này sẽ sản xuất khoảng 45% lượng điện từ các nguồn năng lượng xanh vào năm 2030, so với mức 14% hiện nay.
Theo Moi.gov.vn