Trên công trường Xêkaman
Đứng ở độ cao gần 1.300m, nhìn xuống là dòng sông Nậm Păknou (nhánh chính của sông Xêkaman)- nguồn nước sẽ cung cấp cho các tổ máy Nhà máy TĐ Xêkaman 3 phát điện vào năm tới đang ào ạt cuộn chảy nốt một mùa lũ cuối cùng trả lại mùa khô của năm 2007.
Từ đây, các nhà quản lý thi công có thể bao quát được tất cả các hạng mục đang khẩn trương xây dựng phía dưới.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà, ông Dương Khánh Toàn sang kiểm tra công tác thi công tại công trình nhằm chuẩn bị tốt cho sự kiện ngăn sông đợt 1. Theo ông Toàn, thời gian tiến hành ngăn sông sẽ được triển khai theo dự án vào khoảng từ 15 – 20/12/2007.
Đây cũng là cam kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào. Vì mục tiêu ấy mà nhịp độ công trường lúc nào cũng khẩn trương, hối hả. Những hạng mục chính phục vụ cho ngăn sông gồm khoan đào, khai thông hầm dẫn dòng, thi công tuyến kênh dẫn vào và kênh dẫn ra; lắp đặt các cánh van và tiến hành thử tải an toàn.
Công ty Sông Đà 6 đã tập trung nhân lực, tăng cường thêm ca xe, máy để khoan nổ 60.000m3 đất đá bản chân, đang tiến hành khoan néo và đổ 30.000m3 bê tông nền hầm.
Hiện tại lực lượng Cơ khí – Lắp máy số 2 đã chế tạo và đưa vào vị trí lắp đặt, thử tải an toàn các cánh van ở hai đầu kênh dẫn nước ra và kênh dẫn vào.
Đây là đường hầm dẫn nước của dòng sông Nậm Păknou chảy ra sông Xêkaman khi toàn bộ dòng sông bị ngăn lại. Mọi việc đang được triển khai tích cực để hoàn thành vào đầu tháng 12.
Ông Vũ Tuấn Hùng – Phó Tổng GĐ Tổng Công ty Sông Đà thường xuyên có mặt tại công trình ngay từ ngày đầu khởi công kể lại:
Địa bàn xây dựng nhà máy là nơi hẻo lánh, chưa khi nào có đường điện nước và mạng thông tin, chỉ dăm ba bản làng bộ tộc người Cà Tu, người K’Ho sinh sống thưa thớt, dãy Trường Sơn sừng sững gần kề vừa là nơi hứng gió của cả phía Nam Việt Nam lẫn phía Tây nước Lào.
Nóng thì bỏng rát, mà rét thì lạnh thấu xương. Nhưng điều gây khó cho người làm thuỷ điện hơn cả là một xứ sở mưa nhiều hơn nắng.
Mưa liên tiếp làm sụt lở nhiều đoạn đường, khiến cho giao thông tắc nghẽn không thể vận chuyển thiết bị, vật tư, máy móc thi công cũng như lương thực thực phẩm từ Việt Nam đi từ cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) sang ĐăkTà oóc (Lào) về công trình.
Điều mà Ban Điều hành Dự án đang phải lo lắng hiện nay là đối mặt với sự cố sạt lở do những đợt mưa lũ liên tiếp giữa biên giới Quảng Nam giáp với tỉnh Sê Kông đã khiến nhiều đoạn đường ùn tắc, ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật tư thiết bị từ Việt Nam sang công trình.
Kỹ sư Phạm Văn Kiểm– Giám đốc BĐH công trình cho biết: Hầm dẫn dòng dài 400m do Công ty Sông Đà 10, Sông Đà 9 đã hoàn tất công tác khoan, nổ, đào, xúc và vận chuyển hơn 1,4 triệu m3 bằng thiết bị hiện đại và xe cơ giới nặng từ trong lòng núi đá, đào đất vai trái đập dâng, đập bờ phải.
Theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc, nhóm thiết kế (Cty Tư vấn Sông Đà) thường xuyên bám hiện trường để thực tế lập các biện pháp hữu hiệu nhất nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thi công giảm được kinh phí, nhân công và rút ngắn thời gian.
Ban Quản lý Dự án (Cty CP Điện Việt Lào) là nhà đầu tư cần tập trung thu thập và tiếp nhận, xử lý kịp thời vướng mắc về kinh tế - kỹ thuật, xem xét và hoàn thiện nhanh chóng các hồ sơ nghiệm thu, cải tiến các bước thanh toán nguồn vốn tối đa cho các nhà thầu.
Trong suốt cả tháng 11 các lực lượng công nhân, kỹ thuật, xe cơ giới của các Cty Sông Đà 9 và Sông Đà 19 thường xuyên túc trực tranh thủ lúc thời tiết tạnh ráo để bốc xúc, trang gạt bùn đất khai thông hoặc tăng bo vận chuyển hàng hoá qua từng đoạn đường nhanh chóng đưa thiết bị, vật tư, lương thực thực phẩm lên chân công trình.
Nhiều việc khẩn thiết phục vụ cho ngăn sông như khai thác vận chuyển 1 triệu m3 đá hộc từ mỏ đá đến bờ đập hoàn thành các đường công vụ, bắc xong 1 cây cầu thép trên đường vào công trình, làm đoạn đường mới và tổ chức địa điểm bãi mít tinh gần nơi ngăn sông đã được ký kết và giao ước giữa Ban Điều hành Dự án với các nhà thầu bảo đảm hoàn tất, nghiệm thu vào đầu tháng 12.
Việc chặn dòng chảy của sông Xêkaman thành công sẽ tạo thuận lợi cho công tác nạo vét 1 triệu 300 nghìn m3 bùn đất dưới lòng sông, triển khai đào và đổ bê tông hố móng tiến hành công tác đắp đập chính, bảo đảm chống lũ năm 2008 thắng lợi.
Dự án Xêkaman 3 có công suất 250 MW, tổng vốn đầu tư 273 triệu USD do Công ty Cổ phần Điện Việt-Lào (Tổng Công ty Sông Đà giữ quyền chi phối) làm chủ đầu tư.
Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất ra khoảng 1 tỷ kWh điện/năm, trong đó, 90% sản lượng điện của nhà máy đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký hợp đồng mua.