Hiệu quả từ ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành tại Trạm biến áp 500kV Pleiku

Thứ sáu, 17/11/2023 | 10:08 GMT+7
Là một trong 05 trạm biến áp của Công trình đường dây 500kV Bắc – Nam đầu tiên của nước ta được đưa vào vận hành cùng thời điểm tháng 5 năm 1994, Trạm biến áp 500kV Pleiku, thuộc Truyền tải điện Gia Lai (Công ty Truyền tải điện 3), đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, giúp nâng cao độ tin cậy trong công tác quản lý vận hành (QLVH) thiết bị, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. 

Trong ca trực vận hành tại Trạm biến áp 500kV Pleiku.

Lãnh đạo Truyền tải điện Gia Lai cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Trạm biến áp 500kV Pleiku đã triển khai ứng dụng và khai thác hiệu quả nhiều phần mềm như: Hệ thống định vị sự cố (FL); Phần mềm quản lý thí nghiệm; Hệ thống quản lý dữ liệu đo đếm MDMS; Phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS); Phần mềm quản lý công văn trực tuyến (EDOC); Phần mềm phân tích tình trạng để đánh giá trạng thái của thiết bị (CBM); Phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS); Phần mềm quản lý sửa chữa lớn (E-SCL),… góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, QLVH, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và các nhiệm vụ công tác của đơn vị. Trước đây, những công việc này được thực hiện thủ công mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng độ chính xác và hiệu quả không cao.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, Trạm biến áp 500kV Pleiku đã hoàn thành cập nhật chính xác thông tin, thông số kỹ thuật, lịch sử vận hành, đưa 1352 đầu mục thiết bị trong Trạm từ không gian thực vào không gian số. Bao gồm các máy biến áp, kháng điện, máy cắt, dao cách ly, tụ bù, TU, TI, hệ thống Rơ le bảo vệ, tủ bảng, các trang thiết bị phụ trợ khác vào cơ sở dữ liệu của phần mềm PMIS - phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Qua đó, vừa giúp cho việc tra cứu thông tin, lý lịch, lịch sử vận hành của các thiết bị thực hiện dễ dàng, kịp thời và chính xác ở mọi lúc mọi nơi, vừa đảm bảo tính bảo mật an toàn thông tin theo quy định hiện hành. Việc quản lý và lập kế hoạch sản xuất, thí nghiệm, đại tu, bảo dưỡng nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm được rất nhiều nhân lực so với cách quản lý kỹ thuật truyền thống trước đây.   

Kiểm tra thí nghiệm tăng cường TU 220kV ngăn xuất tuyến 272 nối đến Trạm 500kV Pleiku 2.

Song song với việc cập nhật dữ liệu, từ đầu năm 2023 Trạm cũng đã ứng dụng “Phần mềm Quản lý Trạm biến áp” vào công tác kiểm tra, quản lý thiết bị. Việc kiểm tra định kỳ thiết bị vận hành được thực hiện thông qua thiết bị thông minh như điện thoại thông minh, máy tính bảng thay thế cho phương pháp kiểm tra thủ công trước đây. Các số liệu kiểm tra được lưu tự động trên trên máy tính chủ, vừa thuận tiện cho khai thác cũng như vừa để xây dựng Big data (dữ liệu lớn) phục vụ phát triển lưới điện thông minh sau này.  

Nhờ áp dụng chuyển đổi số, việc theo dõi, quản lý, đánh giá chất lượng thiết bị điện được thực hiện mang tính hệ thống, tổng thể, nâng cao về chất lượng, đảm bảo tính chính xác, khoa học, giúp cho đơn vị kiểm soát tốt tình trạng toàn bộ thiết bị trong vận hành, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời nhiều tồn tại khiếm khuyết của thiết bị để ngăn ngừa xảy ra sự cố, hư hỏng làm gián đoạn cung cấp điện. Từ đầu năm 2023 đến nay, Trạm đã phát hiện và tổ chức xử lý kịp thời được 19 trường hợp hư hỏng bất thường của thiết bị, tránh được nguy cơ xảy ra sự cố.

Kiểm tra xử lý TI 500 bị rỉ dầu tại Trạm biến áp 500kV Pleiku.

Trong công tác bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, Trạm biến áp 500kV Pleiku đã đưa vào ứng dụng phần mềm CBM và thực hiện việc chấm điểm CHI (Condition Health Index - Chỉ số sức khỏe của thiết bị) giúp cho việc theo dõi, đánh giá tình trạng của thiết bị vận hành được kịp thời, chính xác. Đội ngũ kỹ thuật lập kế hoạch để bảo dưỡng, thay thế hoặc đề ra các giải pháp quản lý kỹ thuật, QLVH phù hợp để nâng cao chất lượng làm việc của thiết bị, chủ động ngăn ngừa, phòng tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra do sự suy giảm về chất lượng của thiết bị trong vận hành. 

Lãnh đạo Truyền tải điện Gia Lai cho biết thêm, năm 2023, trong điều kiện số lượng nhân lực giảm (17 so với 20 người trước đây), Trạm biến áp 500kV Pleiku tiếp tục triển khải mạnh mẽ chuyển đổi số, sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm thực hiện tốt các kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất được giao trong điều kiện Trạm vừa đảm bảo công tác quản lý vận hành an toàn vừa tổ chức phối hợp, giám sát thi công các hạng mục sửa chữa lớn, các dự án đầu tư xây dựng triển khai tại trạm. 

Lấy thông tin định vị sự cố tại Phòng điều khiển Trạm biến áp 500kV Pleiku.

Trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, lực lượng QLVH tại Trạm thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật các kiến thức mới, từng bước làm chủ công nghệ, nghiên cứu chuyên sâu để khai thác tối đa chức năng của ứng dụng, các phần mềm chuyên dụng, đề xuất áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào công tác kiểm tra kiểm soát tình trạng làm việc của thiết bị điện để đáp ứng yêu cầu vận hành tốt các phần mềm, từng bước nâng cao chất lượng của công tác QLVH.

Hiện nay Trạm biến áp 500kV Pleiku đang được thi công gấp rút Dự án nâng cấp hệ thống điều khiển bảo vệ tại TBA 500kV Pleiku (dự án Smart Gird) và Dự án trang bị đồng bộ các thiết bị trên lưới điện để chuyển đổi từ trạm biến áp truyền thống thành trạm biến áp điều khiển tích hợp tự động. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần nâng cao độ tin cậy và đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục của lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Nhờ tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ, trong thời gian qua Trạm biến áp 500kV Pleiku đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành trạm. Thiết bị được giám sát chặt chẽ, khoa học mọi bất thường sẽ được phát hiện và xử lý kịp thời giữ cho thiết bị làm việc ổn định và tin cậy; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả làm việc của CBCNV được nâng lên đáp ứng điều kiện làm việc với môi trường số cũng như yêu cầu trong tình hình mới.
 

Vũ Ngọc Hưng