Học tập Bác Hồ tiết kiệm điện

Thứ ba, 7/8/2012 | 14:09 GMT+7
Là nguyên thủ quốc gia, Bác Hồ của chúng ta được ưu tiên cấp điện trong sinh hoặt hằng ngày, nhưng tinh thần dùng điện tiết kiệm của Bác đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập.
 


Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ

Tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi

Tiết kiệm theo Bác là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng "không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”.

Các chiến sĩ cảnh vệ của Bác cho biết, nói đến điện là Bác Hồ nói đến tiết kiệm điện. Về việc này thì Bác là một tấm gương lớn. Bác thường nhắc nhở: Nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp đều tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ có đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất. Ý thức và hành vi tiết kiệm điện của Bác đã “ngấm” sang tất cả mọi người, vì thế, không cần ai nhắc nhở, thời ấy, ai cũng có ý thức và thói quen tiết kiệm điện.

Ông Phạm Ngọc Toản, đại tá Công an về hưu tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam), người đã từng là chiến sỹ cận vệ trung thành bên cạnh Hồ Chủ tịch trong suốt 15 năm cho đến khi Bác đi xa, kể rằng: "Bác vẫn thường dặn anh em cận vệ tắt điện khi ra khỏi phòng". Theo ông Toản, vào những ngày hè oi bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ và rất ít khi dùng quạt điện.

Hồi ký của các đồng chí cán bộ lão thành cảnh vệ kể lại nhiều mẫu chuyện hay. Thời gian đầu về thủ đô, Bác ở trong ngôi nhà của người thợ điện phục vụ trong Phủ Toàn quyền cũ. Phòng ở hẹp nên mùa hè rất nóng, Bác thường dùng chiếc quạt làm bằng lá cọ.

Có lúc thấy Bác ở chật chội, nóng nôi, Bộ Ngoại giao đã mua cho Bác chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Nhân lúc Bác đi công tác, anh em phục vụ đã lắp máy điều hòa. Vừa về đến nhà, Bác hỏi cảnh vệ: "Này chú! Hôm nay nhà mình có mùi gì "hôi" quá" (khi lắp máy điều hòa, nhân viên phục vụ dùng lọ nước hoa khô cho thơm phòng). Biết không giấu được Bác, các đồng chí phục vụ phải trình bày lý do về chiếc máy điều hòa.

Không thấy Bác nói gì, nhưng đến chiều thì Bác bảo: "Các chú hãy mang chiếc máy điều hòa này cho anh em thương binh ở Hàng Bột. Hôm Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần". Thế là ngay chiều hôm ấy anh em phục vụ phải chuyển chiếc máy điều hòa cho anh em thương binh theo yêu cầu của Bác…

Các đồng chí cảnh vệ còn cho biết, Bác thường tự tay tắt những bóng đèn, cái quạt, và cả cái đài nữa khi không có người dùng. Ở trong Phủ Chủ tịch, nhìn thấy ở xa có những chiếc bóng đèn sáng là Bác bảo anh em cảnh vệ đến xem ở đó có cần không, nếu không thì tắt đi cho đỡ lãng phí.

Một đồng chí phục vụ kể: Những năm được ở gần Bác, tôi được mệnh danh là "cán bộ tắt đèn!". Một lần, Bác đi thăm đồng bào ở một tỉnh xa. Bảy giờ sáng, xe đang chạy trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) thì thấy một cơ quan còn ba bóng điện sáng ở cổng. Tuy đang vội, nhưng Bác vẫn bảo lái xe dừng lại. Bác cử một đồng chí vào nhắc nhở: Bác Hồ đi công tác qua, bảy giờ rồi vẫn thấy các đồng chí để ba ngọn đèn sáng ở cổng. Bác nhắc các đồng chí tắt đi. Thế là ba ngọn đèn được tắt ngay. Sau đó, cơ quan ấy tính lại thấy không cần thiết để đèn ở cổng nữa, bèn tháo luôn để tiết kiệm điện.

Ra nước ngoài cũng vậy, đi qua một hành lang, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng điện sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Trong chuyến thăm Ba Lan năm 1957, Bác được đón tiếp tại phòng lễ tân lúc 9 giờ sáng. Lúc này 3 chùm đèn vẫn bật sáng trưng. Bác Hồ đã yêu cầu gặp Vụ trưởng Vụ lễ tân, và hỏi: "Chỗ tắt điện ở đâu?". Lập tức mấy chiến sĩ bảo vệ đi tắt điện. Chủ tịch Ba Lan lúc ấy là Zawasdzki nói giọng nghiêm trang: "Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi thành thật nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện tiết kiệm".

Tiết kiệm điện công xưởng qua tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên đang được áp dụng đại trà tại các doanh nghiệp ở Quảng Nam

Học tập Bác, phải làm gì?

Để tiết kiệm điện, từ nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp nhằm kêu gọi và khuyến cáo khách hàng và người dân sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.

Thông điệp do Chủ tịch HĐQT EVN đưa ra có lý, có tình: “Tiết kiệm điện là tiết kiệm ngân quỹ cho mỗi gia đình và tài nguyên quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước”. Tuy nhiên, làm thế nào để tiết kiệm điện thì lại là một bài toán nan giải, bởi nó còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như công nghệ, giá điện, khả năng tài chính, tâm lý tiêu dùng cũng như ý thức của khách hàng dùng điện…

Thông điệp, chương trình, kế hoạch và biện pháp tiết kiệm điện đã được chuyển tải đến nhân dân cả nước thông qua công tác tuyên truyền và thông qua hoạt động của CBCNV đang công tác trong ngành điện bằng những việc làm cụ thể để cái đó không phải là chuyện hô hào suông. Thực tế, mỗi năm cả nước tiết kiệm hàng tỷ kWh do triển khai mạnh mẽ các chương trình giảm tổn thất điện năng, sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, như tiết kiệm chi phí thường xuyên, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm trong SCL, XDCB, thực hiện tiết kiệm điện mỗi năm xấp xỉ 10 triệu kWh. Kế hoạch năm 2012, Công ty phấn đấu tiết kiệm hơn 10,3 tỷ đồng (5% chi phí thường xuyên; giảm 0,2% tỷ lệ tổn thất điện năng; tiết kiệm điện 1% và tiết kiệm chi phí sửa chữa lớn 1,33 tỷ đồng).

Để thực hiện được nhiệm vụ đó, trước hết, bản thân mỗi CBCNV chấp hành và quán triệt sâu sắc quy định tiết kiệm điện nội bộ của đơn vị nơi công tác; mỗi người  động viên gia đình, người thân và các hộ dân ở nơi cư trú sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.

Mặt khác, mỗi người tuỳ theo nhiệm vụ, công việc cụ thể hàng ngày trở thành một tuyên truyền viên hướng dẫn các doanh nghiệp, khách hàng áp dụng các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, với những nội dung như ngành điện đã khuyến cáo; làm cho khách hàng thấy được rằng, nếu mỗi hộ gia đình chỉ tiết kiệm 1 số điện mỗi tháng, thì hàng chục triệu hộ gia đình cả nước mỗi năm sẽ giảm tiêu dùng một lượng điện không nhỏ, và việc làm này có liên quan trực tiếp đến túi tiền của họ. Đối với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiết kiệm điện sẽ giảm chi phí về điện trong giá thành, giá bán sản phẩm, giá dịch vụ sẽ giảm xuống, từ đó mới tăng được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó, trong toàn tỉnh đã dấy lên phong trào toàn dân vào cuộc tiết kiệm điện, với nhiều mẫu hình doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tiết kiệm 15-20% lượng điện cần dùng.

Thay lời kết

Cho dù mai này khi việc cung ứng điện đã dồi dào thì việc tiết kiệm điện cũng phải được coi trọng, phải xem tiết kiệm điện thực sự là “quốc sách”. Vậy thì không phải chỉ có thiếu điện mới tiết kiệm điện!

Tiết kiệm điện là một chiến lược và là một khoa học. Biện pháp của tất cả các biện pháp là tăng cường tuyên truyền giáo dục để mọi người ý thức được khó khăn của đất nước, của đơn vị và bản thân mình để cùng góp sức tiết kiệm điện. Nhưng, có lẽ biện pháp tích cực, hữu hiệu nhất vẫn là việc định ra giá điện đúng với bản chất của nó. Điều này hiện vẫn đang còn ở phía trước./.
 
Nhị Triều - Công ty Điện lực Quảng Nam