Trước thực tế đa số các dự án thuỷ điện nhỏ chậm tiến độ, tỉnh Cao Bằng yêu cầu các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện, nhất là trong các khâu: thẩm định dự án, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính về thuê đất, thuê mặt nước, tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi... Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2010, ít nhất phải hoàn thành 5 nhà máy thuỷ điện: Bản Rạ, Pác Khuổi, Hoà Thuận, Khuổi Ru, Bản Ngà; từng bước đưa sản xuất điện năng chiếm tỷ trọng đáng kể trong sản xuất công nghiệp.
Thực hiện chương trình phát triển thuỷ điện trên địa bàn, từ năm 2006 đến nay, Cao Bằng đã cấp giấy phép đầu tư và chủ trương đầu tư cho 14 dự án thuỷ điện nhỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các dự án thuỷ điện đều triển khai rất chậm, thậm chí 5 dự án thuỷ điện dự kiến khởi công từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Một số dự án thuỷ điện khác như: Thoong Cót II (Trùng Khánh), Khuổi Luông ( Phục Hoà), Bản Chiếu (Nguyên Bình), Bản Riển (Bảo Lạc)... đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, khởi động các hạng mục phụ trợ nhưng hiện cũng thi công cầm chừng hoặc giãn tiến độ thi công.
Theo các chủ đầu tư, việc đa số các dự án thuỷ điện không đảm bảo tiến độ như kế hoạch đề ra do trong gần 1 năm qua, giá vật liệu xây dựng, nhân công biến động mạnh phải điều chỉnh lại mức đầu tư. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư thuỷ điện ở Cao Bằng là doanh nghiệp nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, trong khi đó việc vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại rất lớn doanh nghiệp khó "kham" nổi... Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc các doanh nghiệp ở Cao Bằng đua nhau lập dự án xin đầu tư thuỷ điện nhỏ còn mang tính tự phát, phong trào. Có doanh nghiệp khi thực hiện mới biết tại vị trí xây dựng thuỷ điện rất khó đấu nối vào lưới điện do không nằm trong khu vực có quy hoạch điểm đấu nối bán điện, không nắm được quy hoạch sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông.
Xuân Mai