Thông tin đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình điện lên tới 832.063 tỷ đồng

Thứ tư, 2/7/2008 | 09:59 GMT+7

Đó là con số mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra trong giai đoạn 2008-2015. Với số vốn này, EVN tập trung đầu tư 34.765 MW nguồn điện, chiếm 57% tổng công suất lắp đặt mới của cả nước, kể cả một số công trình gối đầu sẽ vào vận hành sau năm 2015 nhưng phải khởi công trong giai đoạn này như điện hạt nhân, thuỷ điện tích năng và một số công trình nhiệt điện khác. Tuy nhiên, các tính toán về nhu cầu vốn đầu tư của EVN mới tính trên cơ sở suất đầu tư thông thường (thuỷ điện 1.600 USD/kW, nhiệt điện 1.100 USD/kW) chưa tính đến yếu tố trượt giá trong chi phí đầu tư, mặt bằng lãi suất vay tăng lên.

Qua việc cân đối nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2015, EVN cho rằng Tập đoàn còn thiếu 58.566 tỷ đồng vốn tự có, còn phải thu xếp vay 437.000 tỷ đồng và huy động từ các cổ đông 63.473 tỷ đồng. Như vậy, với lượng vốn quá lớn này, EVN đang kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành ưu tiên tối đa nguồn vốn ODA và nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các dự án điện. Trong trường hợp không thu xếp được và lãi suất tiếp tục tăng cao, có nguy cơ EVN không thể triển khai được đầy đủ các công trình như Quy hoạch điện VI đã duyệt.

EVN cho biết, tất cả các công trình nguồn điện dự kiến sẽ được triển khai theo mô hình công ty cổ phần; trong đó với những dự án đăng ký vốn ODA, EVN chiếm 51% vốn điều lệ của công ty, các dự án khác vay vốn thương mại, EVN sẽ chỉ chiếm tối đa 30% vốn điều lệ và mời thêm các doanh nghiệp nhà nước khác chiếm 21% vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước 51%. Tỷ lệ phần vốn của EVN tại tất cả các công ty cổ phần nguồn điện hiện đã thành lập sẽ được rút xuống mức 51%. Các dự án lưới điện truyền tải từ 220kV trở lên dự kiến sau này sẽ giao Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm thu xếp vốn và đầu tư. Các dự án lưới điện 110kV trở xuống do các công ty điện lực chịu trách nhiệm./.

 

 

 

Mai Phương