Phóng sự

Khi Tổ quốc cần

Thứ tư, 12/6/2024 | 08:31 GMT+7
“Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” – hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng lời nguyện ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim mỗi người thợ điện Việt Nam. Tổ quốc, sự thiêng liêng và yêu dấu không chỉ nói một lần là đủ và hôm nay, những ngày tháng 6 đi vào lịch sử ngành Điện lực Việt Nam khi hàng ngàn kỹ sư, công nhân điện tham gia hỗ trợ cho công trình xây dựng đường dây tải điện trọng điểm quốc gia đang vào giai đoạn nước rút. Tổ quốc đang cần họ ở những nơi đó, những vị trí đó.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Nam Định đồng lòng, đồng sức vượt qua mọi khó khăn. Ảnh: Ngọc Hà.

Năm nay, mới bước vào tháng 6, trời đã mưa tầm tã, chúng tôi tìm đến các vị trí thi công đường dây 500kV mạch qua đi qua địa phận tỉnh Nam Định và Thái Bình. Mỗi cột điện của đường dây 500kV là một “ốc đảo”, chúng tôi chợt nhận ra, khó khăn, vất vả càng tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của những người công nhân điện đang nỗ lực hỗ trợ cho các đơn vị thi công mạch 3 đường dây 500kV. Đi qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, phần lớn các vị trí cột nằm giữa cánh đồng, từ đầu tháng 6, những cơn mưa bất chợt sau ngày nắng nóng đã để lại những dấu vết sình lầy còn hằn trên mặt ruộng, khiến cho công việc vận chuyển vật tư càng thêm khó khăn, khiến cho sự lo lắng đọng lại trên từng khuôn mặt những người lính xung kích đến từ các đơn vị Điện lực và Truyền tải. Vị trí nào thi công có sự hỗ trợ của thiết bị thì may mắn hơn, những vị trí thủ công hoàn toàn thì “lấy sức người vượt sức thiên nhiên” như một mặc định. 

Không có sự hỗ trợ thiết bị, những người thợ thuộc Công ty Điện lực Bắc Kạn phải dùng sức người để kéo những thanh xà lên cao vài chục mét. Ảnh: Ngọc Hà.

Là những tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng hay còn gọi là Châu thổ Bắc Bộ, tỉnh Nam Định và Thái Bình có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mùa hạ thường có bão. Thông thường mưa bắt đầu từ tháng 4 và tháng 5 và lượng mưa đạt đỉnh điểm vào tháng 7 và 8, nhưng năm nay mưa khá sớm nên từ đầu tháng 6, lượng mưa đã tương đối cao. Do đặc điểm của vùng khí hậu nhiệt đới nên mặc dù mưa lớn, khí hậu vẫn nóng. Đây là những khó khăn đối với những anh em đến từ miền Trung, miền Nam và Tây Bắc.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Điện Biên hỗ trợ thi công tại vị trí 109. Ảnh: Ngọc Hà.

Ngày 6-6, tại vị trí 32 nằm trên địa phần huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, Tổ xung kích Công ty Điện lực Ninh Bình đang hỗ trợ thi công. Tổ Trưởng Tạ Hữu Sơn cho biết, do là vị trí néo nên tại đây sẽ thi công 2 cột có chiều cao 74m và trọng lượng 220 tấn, vì vậy, Tổ xung kích tăng cường 24 người, đều là những tinh nhuệ từ các đơn vị của Công ty. Tổ xung kích nhận lệnh ngày 31-5 và ngày 1-6 bắt tay vào công việc vận chuyển vật tư vào chân công trình. Từ ngày 5-6, bắt đầu có mưa, do địa phương thi công cống thoát nước bên ngoài nên vị trí tập trung vật tư bị ngập nước, không thoát nước được, việc lắp ráp các thiết bị gặp nhiều khó khăn.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Bắc Giang neo giữ, hỗ trợ lắp đặt thiết bị cột. Ảnh: Ngọc Hà.

Tại vị trí 30 cũng nằm trên địa bàn huyện Trực Ninh, có chiều cao 72m và trọng lượng 132 tấn cũng đang được Tổ xung kích Công ty Điện lực Nam Định vận chuyển vật tư vào vị trí thi công. Do vị trí không đưa được xe cẩu vào nên việc vận chuyển thiết bị cũng như thi công hoàn toàn bằng thủ công.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Lạng Sơn tổ hợp các cánh xà. Ảnh: Ngọc Hà.

Tổ xung kích PC Ninh Bình. Ảnh: Ngọc Hà.

Ngày 7-6,  tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, mưa đã ngớt, nhưng thời tiết khá oi ả, các vị trí 16 do Tổ xung kích Công ty Điện lực Hải Phòng tham gia hỗ trợ; vị trí 216 do Tổ xung kích Công ty Điện lực Hải Dương tham gia hỗ trợ; vị trí 206 do Tổ xung kích Công ty Điện lực Hưng Yên tham gia hỗ trợ và vị trí 207 do Tổ xung kích Công ty Điện lực Bắc Kạn tham gia hỗ trợ đều đang thi công ở độ cao đốt thứ 2 hoặc 3. Công việc của các Tổ xung kích là vận chuyển thiết bị vào chân công trình và xếp theo tổ hợp để khi lắp ráp tiến độ sẽ nhanh hơn. 

Chủ tịch HĐTV EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh trao tặng lính xung kích chiếc khăn chống nắng, thấm mồ hôi và cũng là đồ vật kỷ niệm 55 năm thành lập Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Ảnh: Ngọc Hà.

Những người công nhân điện tham gia tổ xung kích hỗ trợ cho công trình xây dựng đường dây 500kV vào giai đoạn nước rút, phần lớn họ là những người làm công tác quản lý vận hành, song mỗi công trình là mỗi gợi nhớ, đau đáu nỗi đau của một thời đã qua. Nếu năm 1965, thành quả của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã đưa tổng công suất tại các nhà máy điện miền Bắc đạt 161MW, gấp 2,5 lần so với năm 1955, thì sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964-1968) chỉ còn 68MW, tức là gần như trở lại điểm xuất phát khi mới tiếp nhận (1955). Qua cả hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, các cơ sở của Công ty Điện lực (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) phải đương đầu với 1.634 trận đánh, nhưng với tinh thần “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”, cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực vừa chiến đấu, vừa tổ chức sản xuất, khôi phục các cơ sở điện lực bị tàn phá, đảm bảo dòng điện vận hành liên tục. Vì mục tiêu “Giữ vững dòng điện trong mọi tình huống”, 123 cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Chiến tranh và những tổn thất do chiến tranh gây nên không ngăn cản được sức sống và sự vươn lên của CBCNV Công ty Điện lực, không bao giờ buông lơi nhận thức “điện phải đi trước một bước”. 

Những người thợ xung kích Công ty Điện lực Ninh Bình làm sạch bùn đất mọi chi tiết trước khi lắp đặt để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ của thiết bị. Ảnh: Ngọc Hà.

Mưa vừa ngớt, từng người ở từng vị trí cần mẫn với việc vận chuyển thiết bị, họ lội qua sình lầy mà đi. Không ai nói với ai nhưng trong sâu thẳm đều hiểu rằng, cần phải tăng tốc hơn nữa, công trình hoàn thành có một phần góp sức của lực lượng xung kích. Nhìn cách họ làm việc, tôi hiểu được, họ đang thực hiện công việc bằng niềm tin, ý chí, sức mạnh có được từ sự lo lắng cho tiến độ công trình đang ở giai đoạn nước rút. 

Công việc mới, ban đầu còn bỡ ngỡ nên việc đọc bản vẽ được các tổ xung kích hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. Ảnh: Ngọc Hà.

Ngày 8-6, tại địa bàn tỉnh Nam Định. Mưa nhỏ dần và trời bắt đầu có nắng. Thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt. Mưa xối xả đấy và nắng gắt ngay được. Điểm dừng chân của chúng tôi ở các vị trí 22 của Tổ xung kích Công ty Điện lực Hà Nam, vị trí 109 của Tổ xung kích Công ty Điện lực Điện Biên, vị trí 21 của Tổ xung kích Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, vị trí 15 của Tổ xung kích Công ty Điện lực Quảng Ninh, vị trí 14 của Tổ xung kích Công ty Điện lực Lạng Sơn, vị trí 17 của Tổ xung kích Công ty Điện lực Thái Nguyên. Với những người công nhân điện, họ chờ bão hàng năm như chờ một người quen, nên đối với họ, đó là lẽ thường tình của vạn vật. Chứng kiến những người công nhân điện mang sắc màu vàng cam bất chấp thời tiết nơi công trường để lắp thêm từng đốt cột, tôi bỗng nhận ra một điều, mưa bão là thuộc thiên nhiên, nhưng cũng đem cho người ta nhiều tâm trạng: Phải đi qua bão giông mới thấy được an nhiên trong cuộc đời.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Hòa Bình hỗ trợ thi công tại vị trí 370 trên địa bàn huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Hà.

Làn da sạm mưa nắng không thể làm cho nụ cười người thợ bớt tươi tắn. Ảnh: Ngọc Hà.

Câu chuyện hôm nay của những Đội xung kích tham gia xây dựng Đường dây 500kV Mạch 3 khiến tôi nhớ đến một câu thơ trong bài thơ nổi tiếng "Cuộc chia ly màu đỏ" của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Đó là những cuộc chia ly trong chiến tranh, khi người chồng lên đường ra trận, người vợ trẻ ở lại hậu phương làm việc và đợi chờ, sự chia ly ấy là lời đáp cho mệnh lệnh: “Khi Tổ quốc cần”. Biết sống xa nhau khi ấy cũng là biết hy sinh vì Tổ quốc.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Hải Dương lắp đặt thiết bị cột vị trí 216. Ảnh: Ngọc Hà.

Chúng ta đang sống trong thời hòa bình, vẫn có những cuộc chia ly, vẫn có những kỹ sư, công nhân ngành Điện lực Việt Nam xa nhà để xây dựng những công trình điện đáp ứng cho sự phát triển của nền kinh tế, để mang lại sự phồn vinh cho đất nước. Trong cuộc sống hằng ngày, không phải lúc nào chúng ta cũng nghe vang lên những lời kêu gọi của Tổ quốc, nhưng khi Tổ quốc ở trong ta, thì Tổ quốc vẫn không ngừng kêu gọi chúng ta, nó như phát xuất từ trái tim mỗi người. Lời kêu gọi ấy có khi thầm thì, có khi giục giã, và không chỉ nghe được trong những thời khắc Tổ quốc lâm nguy trước họa xâm lăng, mà cả trong những ngày tháng hòa bình yên lành, lời kêu gọi của Tổ quốc vẫn đồng hành cùng lý tưởng sống mỗi người của ngành Điện lực Việt Nam. Trong chiến tranh, lý tưởng sống ngời lên sự hy sinh, thì trong hòa bình, những hiến dâng trong sáng toàn bộ tinh lực cho mục đích cao đẹp vẫn là nét đặc trưng của ngành Điện Việt Nam.

Những ngày tháng 6, hàng ngàn kỹ sư, công nhân ngành Điện đang trần mình trong nắng, trong mưa để tham gia xây dựng công trình Đường dây 500kV, bởi Tổ quốc đang cần họ ở những nơi đó, những vị trí đó.

Tổ xung kích PC Hưng Yên tham gia hỗ trợ lắp đặt tại vị trí cột 206. Ảnh: Ngọc Hà.

Tổ hợp, lắp ráp thiết bị cột vị trí 16 do Tổ xung kích Công ty Điện lực Hải Phòng tham gia hỗ trợ. Ảnh: Ngọc Hà.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Hà Nam hỗ trợ thi công tại vị trí 22. Ảnh: Ngọc Hà.

Tham gia hỗ trợ lắp đặt vị trí 15 do Tổ xung kích Công ty Điện lực Quảng Ninh đảm nhiệm. Ảnh: Ngọc Hà.

Mỗi vị trí cột điện của đường dây 500kV là một “ốc đảo”. Ảnh: Ngọc Hà.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Thái Nguyên tham gia hỗ trợ thi công tại vị trí 17. Ảnh: Ngọc Hà.

Tổ xung kích Công ty Điện lực Vĩnh Phúc hết sức cẩn thận và tỉ mỉ trong khâu đọc bản vẽ thiết kế. Ảnh: Ngọc Hà.

Cột đôi vị trí 109 do Tổ xung kích Công ty Điện lực Điện Biên tham gia hỗ trợ lắp đặt đang dần được hình thành. Ảnh: Ngọc Hà.

 

Thanh Mai. Ảnh: Ngọc Hà