Công ty Điện lực Điện Biên đã chuẩn bị 7 máy phát điện Diezel dự phòng để cấp điện ưu tiên trong các sự kiện chính trị, lễ hội tại địa phương. Ảnh: Ngọc Hà.
56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn. Có lẽ không còn ngôn từ nào để nói hết niềm vui của người dân Việt Nam yêu nước khi nghe tin chiến thắng này.
Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế tăng cường kiểm tra thiết bị trạm biến áp 110kV Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Hà.
Đến nay, 70 năm đã trôi qua, niềm vui tuy đã lặng sâu, nhưng tất cả chúng ta vẫn còn luôn ghi nhớ tới công lao, cùng sự hy sinh to lớn của một thế hệ, của một lớp người “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Họ đã điểm tô những nét son chói lọi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Cứ mỗi độ tháng 5 về, những người cựu chiến binh ngày ấy lại bồi hồi nhớ tới các đồng chí đồng đội của mình ai còn, ai mất và hồi tưởng lại những trận chiến đấu trên vùng đất lửa vùng lòng chảo Điện Biên với bao cảm xúc dâng trào.
Trạm biến áp 110kV Tuần Giáo - trạm biến áp đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Ngọc Hà.
Công nhân Điện lực thành phố Điện Biên kiểm tra hệ thống điện khu vực hầm Đờ - Cát . Ảnh: Ngọc Hà.
Nhìn lên bản đồ Tổ quốc, tôi hình dung vùng đất Lai Châu cũ giống như một bàn chân tảo tần đang bám vững vào núi mà Điện Biên Phủ chính là cái gót chân đang nhẫn nại gánh toàn bộ sức nặng của cơ thể Đất nước.
Nhà bác học Lê Quý Đôn đã có một nhận xét về Điện Biên trong Kiến văn tiểu lục: “Châu này thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ, bốn bề đến chân núi phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc châu khác, mà hoa lợi lại thu hoạch gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống. Có một quả núi nước rất mặn, thú rừng thời thường đến uống, người địa phương dùng nỏ bắn được rất nhiều, tục gọi là mỏ thịt”. Thế núi vòng quanh ấy chính là dãy Pú Hồng Mèo phía Đông và dãy Pú Tà Cọ phía Tây quay mặt vào nhau, chung thủy sóng đôi cùng chảy dài rồi rủ nhau hút dần theo hướng Bắc - Nam. Đó là hai cánh tay gân guốc khổng lồ của người anh hùng thần thoại Ải Lậc Cậc trải nghìn đời chở che, ôm ấp vì sự bình yên cho mảnh đất tiền đồn.
Công ty Điện lực Điện Biên phối hợp với Ban Tổ chức kiểm tra hệ thống đảm bảo điện cho khu vực sân vận động nơi sẽ diễn ra Lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Hà.
Từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ bây giờ chỉ không đầy một giờ bay nhưng chúng tôi chọn đi bằng đường bộ. Bởi nói đến Điện Biên Phủ thì không thể không biết đến đèo Pha Đin. Ngược dòng lịch sử, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin đóng vai trò hết sức trọng yếu, bởi nằm trên tuyến đường huyết mạch, độc đạo, vận chuyển lương thực, bảo đảm giao thông trên tuyến đường từ Hòa Bình, Yên Bái qua Sơn La lên Điện Biên. Đặc biệt, đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên - Nơi cửa ngõ của chiến dịch Điện Biên phủ nên quân Pháp luôn tìm cách để cắt đứt việc tiếp lương, tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận, chúng cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, điên cuồng thả hàng trăm quả bom phá, nổ chậm, bom bi... xuống đèo, nên nơi này được ví như “túi bom” bởi có ngày, địch ném xuống đây hơn 100 quả bom các loại... đã khiến đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Phối hợp với Đội sửa chữa điện Hotline của Công ty Điện lực Sơn La để kiểm tra, xử lý phát nhiệt, thay dầu cốt lèo... Ảnh: Ngọc Hà.
Từ năm 2009, nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La-Tuần Giáo, tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái quốc lộ 6 cũ, có độ cao thấp hơn đèo Pha Đin từ 200m đến 400m. Như vậy, con đường lên Điện Biên đã không còn phải là nỗi ám ảnh với đường đèo Pha Đin dài 32 km và có khoảng gần 130 khúc cua hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô-tô đi qua. Cung đường mới mở như dải lụa nối những dãy núi, như gắn kết 2 vùng đất Sơn La - Điện Biên, cũng là nối Điện Biên với miền xuôi.
Không phải ngẫu nhiên mà trong 4 tiêu chí: Điện, đường, trường, trạm thì tiêu chí Điện đứng hàng đầu. Hiện nay, số hộ dân trong tỉnh Điện Biên được dùng điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 93%; trong đó, khu vực nông thôn đạt tỷ lệ 91,37%. Đây là con số không nhỏ đối với một tỉnh có địa hình hiểm trở như Điện Biên. Tuy nhiên, dù khó vẫn phải làm, hiện Điện Biên đang triển khai Dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2021-2025, với quy mô dự án xây dựng hệ thống lưới điện cấp điện cho hơn 9.000 hộ dân thuộc 181 thôn, bản trên địa bàn 8 huyện (Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ) bao gồm xây dựng mới 570km đường dây trung áp; 175 trạm biến áp (với tổng công suất 9.435 kVA); 264km đường dây hạ áp. Lưới điện nông thôn ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống vật chất cũng như văn hóa, tinh thần cho nhân dân các dân tộc; góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, phòng chuyên môn tổng lực ra quân kiểm tra, vệ sinh thiết bị, củng cố nguồn lưới, hệ thống thông tin liên lạc, mạng máy tính… để vận hành an toàn hệ thống điện. Ảnh: Ngọc Hà.
Điện Biên phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bắt đầu với những quyết tâm đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bằng nhiều nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Điện đi trước một bước đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nhân dân. Thông qua việc sử dụng ti vi, đài đã tạo thêm một kênh thông tin quan trọng tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp người dân nâng cao trình độ dân trí, tiếp cận khoa học kỹ thuật, cách làm ăn mới…Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế xuất hiện, số hộ nghèo giảm qua từng năm.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2024); 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên (01/01/2004 - 01/01/2024) và 270 năm ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh, Đảng bộ, tỉnh Điện Biên tâm phát động nhiều phong trào thi đua phát triển sản suất, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư … với kỳ vọng đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tỉnh Điện Biên. Công ty Điện lực Điện Biên đã luôn đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, có chất lượng ổn định góp một phần vào công cuộc phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sát cánh cùng tỉnh Điện Biên thực hiện thành công các lễ kỷ niệm lớn trong những năm trước, cũng như các Đại lễ kỷ niệm trong giai đoạn 2022-2024.
Thực hiện đề án Đề án kỷ 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên đã được trình Bộ chính trị, ban Bí thư. Đặc biệt với nội dung chính trong đề án là "Bừng sáng Điện Biên". Công ty Điện lực Điện Biên xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên trong công cuộc phát triển cũng như tổ chức thành công đại lễ kỷ niệm 70 giải phóng Điện Biên Phủ.
Tất cả đã sẵn sàng phục vụ cấp điện cho các hoạt động, sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Hà.
Đại lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên Phủ được tổ chức với nghi lễ cấp nhà nước. Có sự góp mặt của các đồng chí lão thành cách mạng, các Anh hùng đã tham gia chiến trường Điện Biên, cùng với đó sẽ là khách mời các lãnh đạo nguyên thủ quốc gia các nước, lãnh đạo Đảng và chính phủ. Chuỗi sự kiện sẽ được tổ chức từ ngày 10/3/2024 đến hết ngày 7/5/2024. Thời gian tổ chức Đại lễ kéo dài, diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh việc cấp điện an toàn liên tục trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ là cực kỳ cấp thiết và quan trọng.
Tỉnh Điện Biên được cung cấp điện chính từ nguồn lưới điện Quốc gia qua hệ thống các đường dây 110kV Sơn La - Tuần Giáo – Điện Biên và Lai Châu- Tuần Giáo. Hòa vào lưới điện 110kV có 11 nhà máy thủy điện (Nậm He, Nậm Mức, Trung Thu, Nậm Núa, Nậm Mu 2, Nậm Hóa, Mường Luân 1, Sông Mã 3, Huổi Vang, Huổi Chan 1 (Long Tạo) với tổng công suất phát 235.4MW; hòa vào lưới điện 35kV có 09 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất phát 50MW. Điện năng lượng mặt trời có công suất lắp đặt 28,896 MWp; có 07 máy phát điện Diezel dự phòng, trong đó có 3 máy 400kVA đặt tại trung tâm hội nghị, 02 máy 220kVA và 02 máy 110kVA điều động vận hành luân chuyển cho các đơn vị để cấp điện ưu tiên trong các sự kiện chính trị, lễ hội tại địa phương.
Công ty Điện lực Điện Biên cho biết, nhu cầu phụ tải cho các hoạt động kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2024 dự kiến khoảng 17.235kW. Khu vực nội thị trung tâm thành phố hiện đang được cấp điện từ Trạm biến áp 110kV Điện Biên, với nguồn duy nhất là đường dây 110kV Tuần Giáo – Điện Biên – Điện Biên2 nên khi xảy ra sự cố trên trục này thì toàn bộ khu vực phụ tải Thành phố Điện Biên Phủ sẽ được huy động công suất phát tối đa từ các Nhà máy Thủy điện, điện năng lượng mặt trời trên địa bàn để duy trì cấp điện, đảm bảo cho các phụ tải quan trọng.
Phương án đảm bảo cung cấp điện các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã được Công ty Điện lực Điện Biên đưa ra các tình huống xấu nhất, như: Sự cố mất điện lưới 110kV Sơn La - Tuần Giáo, sự cố mất điện đồng thời cả đường dây 110kV Sơn La - Tuần Giáo và đường dây 110kV T500 Lai Châu - Tuần Giáo, sự cố mất điện lưới 110kV Quốc gia đồng thời sự cố mạch vòng 35kV trạm E29.3 Lai Châu - Điện Biên. Danh sách chỉ huy, điều hành lưới điện và danh sách ứng trực 24/24 được thông báo rộng rãi kèm theo số điện thoại của từng cá nhân.
Khi chúng tôi có mặt tại Điện Biên, chỉ còn ít ngày là diễn ra các sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến Thắng Điện Biên Phủ. Các đơn vị, phòng chuyên môn tổng lực ra quân tăng cường công tác kiểm tra, vệ sinh thiết bị, củng cố nguồn lưới đảm bảo hoạt động tốt; kiểm tra, đảm bảo hệ thống đường truyền để vận hành an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc phục vụ điều hành hệ thống điện và mạng máy tính; phối hợp với Đội sửa chữa điện Hotline của Công ty Điện lực Sơn La để kiểm tra lưới điện, xử lý phát nhiệt, thay dầu cốt lèo... ; kiểm tra, vệ sinh máy móc, thiết bị đảm bảo hoạt động tốt đối với Nhà máy Thủy điện Thác Bay, Nậm Pay, đối với các nhà máy thủy điện đấu nối vào lưới điện trung áp...
Điện Biên hôm nay có rượu chít, măng đắng, thổ cẩm đủ sắc màu và đặc biệt là gạo thơm Điện Biên, thứ gạo vừa dẻo vừa bùi và một nhu cầu không thể thiếu để Điện Biên cất cánh đó là điện. Khuôn mặt ửng hồng của cô gái Thái trong bộ váy áo truyền thống dưới ánh đèn càng tôn thêm sự say nồng.
Có một Điện Biên luôn giăng mắc ở bên lòng. Lần này, tuy không được gặp hoa ban nhưng trong ký ức của tôi vẫn có những cánh ban mỏng tang, trắng muốt đón mình như người bạn cũ, bền bỉ thủy chung gắn bó với đất đai sông núi nơi này... Buổi sáng xe chúng tôi lên đường, những chiếc máy bay diễn tập đang bay lượn trên bầu trời. Trong tôi bỗng nghĩ đến một Điện Biên huyền thoại đang cất cánh bay lên từ trầm tích lịch sử.