Tin trong nước

Khi ánh điện tỏa sáng vùng cao

Thứ sáu, 19/2/2016 | 14:47 GMT+7
Với địa hình phức tạp, hiểm trở, mật độ dân cư thưa thớt… công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới điện ở Lai Châu lại càng gặp nhiều khó khăn hơn gấp bội nhưng Công ty điện lực Lai Châu và các đơn vị thi công đã không quản ngại gian nan, đưa ánh điện đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.


Hướng dẫn sử dụng điện an toàn cho đồng bào.

Trong những ngày đầu xuân giá rét, sương mù dày đặc, bản Hoàng Chù Sào, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ chìm trong ánh xế chiều. Khi màn đêm buông xuống, ngôi nhà sàn của gia đình anh Chẻo Pao Đo, dân tộc Dao lại được thắp sáng, không phải từ ánh đèn dầu, ánh lửa bếp như trước đây mà từ bóng đèn điện lưới quốc gia.

“Có điện, gia đình tôi đã mua thêm nhiều đồ dùng mới như: Nồi cơm điện, ti vi… Bọn trẻ đi học về, chỉ cần 15 phút để cắm nồi cơm là chín, thay vì hàng tiếng đồng hồ phải ngồi trông nồi cơm trên bếp củi. Tôi lắp thêm bóng điện cho nhà sáng hơn, mua thêm ti vi, lắp ăng ten chảo để xem thông tin, chính sách của Nhà nước, xem các kiến thức về nông nghiệp để gia đình vận dụng vào chăn nuôi, trồng trọt”, anh Đo vui mừng cho biết.

Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoàng Chù Sào, những ngày không có điện là quãng thời gian khó khăn không thể quên được. Không có điện, muốn mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho gia đình cũng chịu. Không có điện, trẻ con đi học về là bỏ sách, bỏ vở để lên giường đi ngủ. Không có điện, việc tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật hầu như bằng số không…

Có điện, máy xay xát bằng dầu đã được thay thế bằng máy điện.

Anh Hoàng A Khi, dân tộc Dao ở bản Hoàng Chù Sào tâm sự: “Những ngày xưa, cả bản sống trong tăm tối, một hai nhà có máy phát điện, nhưng cũng chỉ đủ cho vài cái bóng điện sáng leo lét. Gia đình tôi mua một máy xay xát gạo để phục vụ gia đình và bà con trong bản, nhưng do chạy bằng máy nổ nên tốn dầu lắm. Đấy là không kể, máy nổ thường xuyên hỏng hóc, sửa chữa nhiều”.

Ông Tần A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ cho biết, hiện 23/23 bản của xã đã được sử dụng điện. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Nhà nào cũng được xem thời sự, thông tin trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, người dân hiểu rõ hơn về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của xã và của tỉnh…

Có điện, các bản làng vùng cao ở Lai Châu bừng sáng và sôi động hơn với những âm thanh của đầu đĩa, loa đài. Người dân được nghe, được xem những tin tức, thông báo kịp thời của chính quyền địa phương qua hệ thống loa phát thanh, ti vi. Có điện, bà con được tiếp cận với khoa học, công nghệ mới. Trẻ em được học bài dưới ánh điện mà quên đi những ngày dài cặm cụi dò tìm chữ dưới ngọn đèn dầu leo lét và từ những ánh lửa bếp củi bập bùng.

Nhờ có khoa học, tri thức, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Lai Châu trong năm 2015 đạt 18,2 triệu đồng (tăng gấp 5 lần so với năm 2004). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60,75% (năm 2004) xuống còn hơn 20%... Những con số ấn tượng này có phần đóng góp không nhỏ của điện lưới quốc gia.

Xuân qua đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa ở Lai Châu có ý nghĩa hơn rất nhiều, niềm vui được nhân lên khi ánh sáng của điện lưới quốc gia góp phần thắp sáng những bản làng vùng cao Tây Bắc.

Tháng 8/2015, 100% xã vùng cao, xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu đã có điện lưới để sử dụng, vượt kế hoạch 6 tháng.
Theo: Báo Tin tức