Bừng sáng làng xa
Bao năm qua, người dân các làng Krong Tu, Krong Hra, Muôn và làng Kloe lao động, sinh hoạt bên bếp lửa được đốt lên từ củi rừng, cả lũ trẻ khi đọc sách, học bài. Mong ước “làng mình sẽ có điện” luôn là câu cửa miệng của người dân mỗi khi có ai hỏi đến. Cho đến gần đây, niềm mơ ước đó mới biến thành hiện thực, các làng đều có điện nhờ vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư, khảo sát, xây dựng đường điện, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về với nhân dân.
Điện về làng Krong Tu. Ảnh: Nguyễn Giác
Trong niềm vui khó tả, bok Pah- già làng Krong Tu, cũng là nghệ nhân hát kể sử thi giỏi nhất của xã, đang loay hoay bên thiết bị điện tại nhà, nói: Sau bao năm chờ đợi nay làng mình đã có điện rồi. Từ ngày có công nhân về đo vẽ, chọn vị trí chôn trụ điện, đến khi đường dây dẫn đến từng hộ dân, người dân đều chăm chú dõi theo. Nay thì nhà nhà đều có điện để phục vụ cuộc sống và sản xuất. Chính quyền địa phương quan tâm cấp cho mỗi làng một bộ tivi cùng thiết bị thu phát sóng truyền hình để phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng mỗi khi đêm về tại nhà rông của làng.
Chung với niềm vui lớn của làng, ông Đinh Đoàn, 60 tuổi, phấn khởi cho biết: Ông vừa mua máy bơm để tưới cho ruộng mía và lúa giúp cải thiện thu nhập cho gia đình.
Và mơ ước mới
|
Sử dụng điện an toàn phải là ý thức thường trực của người dân. Ảnh: Nguyễn Giác |
Là người sớm đưa ra đề xuất triển khai dự án xóa làng “trắng” điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, ông Đinh Mên- Chủ tịch UBND xã Yang Bắc tâm sự: Năm nào cũng vậy, mỗi khi thấy người dân ở đây vượt qua suối Xà Huồng đến trụ sở UBND xã để nhận dầu hỏa hay tiền trợ cấp là bấy nhiêu lần ông nghe người làng hỏi: “Làng mình bao giờ có điện, cầu bắc qua suối có được xây không?”. Tôi thấy mình cần phải làm gì để giúp dân được thụ hưởng thành quả khoa học kỹ thuật, tiến bộ của đất nước trong thời gian sớm nhất. Và đến nay, một phần mong ước đó đã thành hiện thực.
Còn việc xây dựng cầu bắc qua suối Xà Huồng để người dân không còn vất vả, không phải giúp nhau khiêng từng chiếc xe, gói hàng vượt suối hay nguy hiểm hơn là các học sinh phải tự mình hàng ngày vượt suối để đến trường, rất nguy hiểm mỗi khi nước lớn kéo về, có em đã từng bị cuốn trôi, trường đã bị nước cuốn ngã, trôi xa hàng chục mét, theo ông Mên thì đó là công việc đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kinh phí. Nhưng tin chắc rằng, một cây cầu kiên cố sẽ được xây dựng và hoàn thành để việc giao thương thuận tiện trong việc đi lại mùa nước lớn sẽ được thực hiện trong một tương lai không xa.
Điện về làng, một phần mơ ước của gần 200 hộ dân tại 4 làng thuộc xã Yang Bắc đã trở thành hiện thực. Nhưng vấn đề sử dụng như thế nào cho an toàn gắn liền với cách phòng- chống cháy, nổ do chập điện gây ra thì cũng rất cần hướng dẫn cho người dân.