Cùng với tiếng rú inh ỏi của xe cứu hoả, ngay lập tức, “đội quân” áo cam của Điện lực Đống Đa cũng xuất hiện. Đám cháy được dập tắt. Tuy nhiên, cả một đoạn phố đã mất điện. Lờ mờ trong ánh sáng của bóng đèn đường từ xa hắt lại, của phương tiện giao thông lướt qua và ánh đèn pin lấp loáng, là đội quân thợ điện, thợ viễn thông khẩn trương vào việc. Tốp thợ của một công ty viễn thông đang xoay sở để cắt dây bị cháy chỉ với những “phương tiện” hết sức thô sơ – một cái thang, một cái kìm cắt, không găng tay, không mũ, không dây bảo hiểm,…
Người dân xúm lại bàn tán, xem xét “hiện trường” và họ quan tâm đến công việc của những người thợ điện hơn cả. Vì có thể mất internet, điện thoại cả đêm, chứ mất điện trong buổi tối oi bức này là cả một vấn đề. Mỗi chốc lại có người ra hỏi: “Bao giờ mới có điện ạ?”. Một bác đứng tuổi nhà gần đó cầm đèn pin xăng xái “phụ việc” soi đèn cho tốp thợ điện đang khẩn trương nối dây, thỉnh thoảng lại trả lời thay: “Cũng không thể có ngay được, cháy thế này, sốt ruột cũng không được đâu”. Mồ hôi túa ra trên những gương mặt người thợ đầy nét âu lo. Dù đám cháy đã tắt, nhưng mùi khét lẹt vẫn đầy trong không khí đến khó thở.
Trong sự tất tả, căng thẳng, thoăn thoắt tháo, lắp, kéo dây, leo cột… của những người thợ điện, tôi chỉ có thể vác máy ảnh chạy theo sau, rồi thỉnh thoảng lựa thời điểm thích hợp để xen vào giữa công việc của các anh, hỏi một vài câu. Anh Hoàng Văn Mười – nhân viên của Đội sửa chữa lưới điện Đống Đa chia sẻ: “Vất vả lắm. Có hôm, đang chuẩn bị ăn cơm chiều thì lại nhận được lệnh, phải vội vã lên đường sửa điện. Thế là nhịn đói đến đêm mới về đến nhà”. “Từ đầu hè đến nay, các anh có thường xuyên phải xử lý những sự cố cháy nổ như thế này không?” – Tôi hỏi. “Thường xuyên. Nhiều hôm phải đi giữa đêm. Mùa hè nóng bức. Thiếu ngủ, mệt mỏi, lại phải làm trong các ngõ nhỏ nữa thì càng vất vả hơn”.
Vừa quệt mồ hôi, một người thợ khác nói với tôi: “Có hôm phải đi sửa chữa điện, mà chính nhà mình cũng bị mất điện. Người dân hiểu cho thì cũng đỡ thấy vất vả hơn. Nhưng giá như mọi người có ý thức tiết kiệm điện và không sử dụng quá nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm, thì đường dây hạ áp cũng không đến nỗi bị quá tải liên tục như vậy. Có một ngõ nhỏ mà trong 1 tháng, cả 20 nhà đều cùng lắp điều hòa thì ngành Điện đầu tư sao kịp. Mặc dù cũng quen việc rồi, nhưng quả là mỗi lần đi xử lý sự cố thế này, nhọc nhằn lắm. Chỉ mong xong việc sớm để còn được về nhà”. Anh rọi đèn pin lên đỉnh cột điện, mấy đường dây điện cháy trơ cả lõi nhôm. Toàn bộ “tài sản” của cột điện còn lại là một đống dây rợ lằng nhằng, nham nhở và khét lẹt.
Đến 12h đêm, đội thợ sửa chữa lưới điện mới hoàn thành khôi phục để Điện lực Đống Đa nhanh chóng cấp điện lại cho nhánh 0,4 kV bị đứt. Chân tay ai cũng lấm lem, mồ hôi ướt đầm, nét mặt mệt mỏi. Đường phố vắng hoe, chỉ còn lại những bóng áo cam lặng lẽ thu dọn dụng cụ và “bãi chiến trường”. Tiếp theo vẫn là rất nhiều việc phải làm của đội quản lý điện phường: Mắc lại công tơ và đường dây hạ áp. Công việc còn bộn bề…
|
|
7h30 tối, lửa đột ngột tóe lên từ những chiếc công tơ quá tải...
|
Búi dây viễn thông loằng ngoằng “góp thêm mồi” cho ngọn lửa bùng lên |
|
|
Thợ điện khẩn trương khắc phục ngay sau khi lửa được dập tắt |
Xử lý dây viễn thông, có cần bảo hộ lao động? |
|
|
|
Tích cực xử lý khắc phục ngay trong đêm |
Kéo dây để kịp thời cấp điện trở lại |
Chỉ đến 12h đêm, nhánh 0,4 kV bị đứt đã được khôi phục cấp điện trở lại. Song, thiệt hại vẫn còn đó và những người thợ điện còn nhiều việc phải làm |