Sự kiện

Khi ngành điện đi xóa đói, giảm nghèo

Thứ sáu, 23/8/2013 | 10:06 GMT+7
Được xác định là một trong những nguồn năng lượng chủ yếu “nuôi sống” nền kinh tế, chính vì vậy, để xóa đói, giảm nghèo ở đâu thì điện phải đi trước một bước. Và để làm được điều này, Đảng và Chính phủ đã có rất nhiều chính sách khuyến khích các nguồn lực xã hội vào cuộc nhưng có một thực tế, phần lớn các dự án khó khăn nhất đều do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện.

Trong định hướng xây dựng đất nước, Đảng và Chính phủ luôn khẳng định, muốn kinh tế phát triển, thu hút được các nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước, qua đó nâng cao đời sống của nhân dân thì hạ tầng xã hội phải đi trước. Quán triệt tinh thần đó, trong những năm qua, hàng trăm công trình trọng điểm quốc gia đã được các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đầu tư xây dựng, qua đó tạo nền tảng cho kinh tế vùng - miền đi lên, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Chuyện EVN thực hiện các dự án phát triển lưới điện ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo không hề mới mà đã được nói tới từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề là những đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội, vào các công trình, dự án phúc lợi xã hội có giá trị đầu tư lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng đã không được ghi nhận một cách đúng mực.
 


Đưa điện về vùng cao Sơn La

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các dự án phát triển hệ thống điện của ngành điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo hoàn toàn không mang tính chất kinh doanh mà là phục vụ các mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cứ thử hình dung thế này, cùng bỏ ra 100 tỉ đồng để đầu tư lưới điện truyền tải, đưa điện đến với người tiêu dùng nhưng số tiền mà ngành điện thu về ở từng khu vực, từng vùng miền cũng khác nhau. Chẳng hạn, nếu đầu tư lưới điện ở Hà Nội, nơi khách hàng tiêu thụ một lượng điện rất lớn thì ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, con số này là rất nhỏ bé. Đây là chưa kể đến chuyện nếu là đầu tư lưới điện lên miền núi, thay vì phải làm đường dây truyền tải điện 10km, EVN phải làm đường dây truyền tải dài đến cả 100km. Vốn đầu tư tăng đến hàng chục lần nhưng giá điện không được bán cao hơn, thậm chí còn thấp hơn giá điện thực tế theo chương trình hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo và dù khoản này đã được ngân sách Nhà nước bù lỗ nhưng cũng không thể đủ bù đắp cho ngành điện được.

Đó là một câu chuyện rất thực tế mà EVN đã và đang triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Vì hầu như chẳng có lợi nhuận nên các công trình, các dự án kiểu như phát triển lưới điện vốn mang tính chất phúc lợi, an sinh xã hội chỉ được triển khai và thực hiện bởi các DNNN. Điều này cũng được ông Lê Quang Chuyển - Phó trưởng ban Kinh doanh EVN khẳng định: Đặc điểm của đầu tư điện nông thôn là loại đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng không mang lại hiệu quả tài chính kinh doanh cho các doanh nghiệp quản lý kinh doanh điện nông thôn.

Ví như Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại Bạc Liêu chẳng hạn. Mục tiêu đề ra của dự án là đưa tỷ lệ hộ gia đình có điện trên toàn tỉnh Bạc Liêu tăng từ 76,3% lên 81,9%, trong đó riêng hộ đồng bào Khmer có điện tăng từ 56,1% lên 92,8%. Tổng mức đầu tư của dự án là 88,116 tỉ đồng. Hay như Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La với tổng vốn đầu tư lên tới 557,831 tỉ đồng cũng vậy… Đây có thể xem là những con số rất lớn trong bối cảnh EVN luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu vốn từ nhiều năm nay.

Ngành điện đang cố gắng làm tất cả để “điện đi trước một bước” và thực tế, ngành điện cũng đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương khi mà lưới điện quốc gia đi tới đâu, đời sống của người dân được nâng cao tới đó. Thống kê của Công ty Điện lực Lai Châu cho thấy, sau khi chia tách và thành lập, số xã có điện trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 40%, còn số hộ sử dụng điện cũng chỉ đạt 30%. Nhưng từ sau khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, EVN được giao hỗ trợ cho 3 huyện là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên. Sau gần 4 năm triển khai (từ năm 2009 đến nay), hàng ngàn km đường dây, hàng trăm trạm biến áp lớn nhỏ và hơn 20.000 công tơ điện đã được EVN đầu tư. Ngoài ra, EVN cũng ưu tiên ghi vốn cho tỉnh đầu tư mới các công trình hạ tầng lưới điện, cải tạo và nâng cấp các công trình hạ tầng lưới điện… đưa điện tới người dân.

Theo ghi nhận của ông Nguyễn Ngọc Lạc - Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu thì, tại các bản làng có lưới điện quốc gia, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao rõ rệt. Nhiều địa phương, người dân sử dụng điện lưới để phát triển kinh tế gia đình như: mở cơ sở sản xuất cơ khí, chế biến nông sản, cửa hàng điện tử, điện lạnh... Không những thế, điện lưới quốc gia còn giúp bà con nông dân có điều kiện phát huy tiềm năng đất đai trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nhất là thúc đẩy nhanh việc góp đất với các công ty cao su triển khai thành công dự án trồng cây cao su đại điền tại các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Than Uyên và chuẩn bị tiếp cận với công nghiệp hóa khi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mủ cao su.

EVN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn trong đầu tư phát triển hệ thống điện quốc gia nhưng EVN cũng không quên trách nhiệm xã hội - trách nhiệm của một trong những Tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước phải làm. Tuy còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án lưới điện nông thôn, trong đó có các dự án đưa điện đến với các đồng bào dân tộc thiểu số nhưng theo ông Chuyển: Mặc dù đang phải tập trung vốn đầu tư rất lớn cho nguồn điện và lưới điện truyền tải, lại không được ngân sách cấp vốn nhưng EVN luôn coi việc đầu tư, phát triển cũng như quản lý lưới điện ở nông thôn là một nhiệm vụ chính trị - xã hội hàng đầu của Tập đoàn. Hằng năm, EVN đã bố trí hàng chục ngàn tỉ đồng đầu tư phát triển và hoàn trả vốn cho lưới điện nông thôn. Đến nay số xã có điện đã đạt 98,91% (9.018/9.117 xã), số hộ nông thôn có điện đã đạt 96,88% (15,71/16,214 triệu hộ nông thôn).

Ngoài ra, cũng theo vị đại diện của EVN thì bên cạnh việc đầu tư, cải tạo phát triển đưa điện về nông thôn, để nâng cao chất lượng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cư dân nông thôn, người dân nông thôn được hưởng đúng giá điện theo quy định của Chính phủ... Từ năm 2008 đến nay, EVN đẩy mạnh việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, thực hiện bán điện trực tiếp đến các hộ nông thôn cả nước để thực hiện giá bán điện sinh hoạt toàn quốc theo đúng chính sách giá điện cho người nghèo của Chính phủ. Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn là công tác trọng tâm của EVN, trong giai đoạn 2008 đến nay đã thực hiện tiếp nhận 4.237 xã, với 5,56 triệu hộ nông thôn; khối lượng tiếp nhận: 930km đường dây trung áp; 1.033 trạm biến áp và 62.546 đường dây hạ áp.
 
Theo: (PetroTimes)