Sự kiện

Đem “nguồn sáng” cho huyện đảo

Thứ năm, 8/8/2013 | 10:29 GMT+7
Chúng tôi đến huyện đảo Lý Sơn khi mặt trời bắt đầu thả những tia nắng hồng rực sáng mặt biển. Mỗi ngày, từ đất liền ra đảo chỉ có một chuyến tàu duy nhất. Chuyến tàu hôm nay có phần đặc biệt hơn bởi nó chở theo cả “ánh sáng” từ đất liền đến huyện đảo bé nhỏ này…



Đại diện ECC HCMC tặng đèn cho người dân Lý Sơn

Thắp sáng Lý Sơn

Ví von là vậy bởi lẽ cả huyện đảo rộng gần 10km2 với 21.000 cư dân mới chỉ có duy nhất 1 nhà máy nhiệt điện chạy dầu. Ông Phạm Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - chia sẻ: Lý Sơn “khát” điện lắm. Điện từ nhà máy chỉ đủ phát vài giờ trong ngày (từ 17 – 23 giờ) với giá điện cao gấp đôi ở đất liền. Thời gian còn lại, để có điện, người dân phải tự túc bằng bình ắc quy, máy phát hoặc dùng đèn dầu để thắp sáng.

Có lẽ vì vậy nên niềm vui mỗi lần có điện của người dân lớn hơn bao giờ hết. “Ở đây, 17 giờ là có điện. Vậy nên cứ 5 giờ là tui bật đèn. Dù trời còn sáng rõ, biết là sớm nhưng tại tui mừng quá, cả ngày chỉ có điện một lúc nên tui cứ bật đèn rồi để vậy thôi!!!” – anh Võ Xuân Thắng (xã An Hải) thật thà kể.

Mong muốn được chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn điện sinh hoạt của người dân, vừa qua, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM  (ECC HCMC) đã tặng 20 đèn năng lượng mặt trời (NLMT)

và 50 đèn led cho 70 hộ dân thuộc 2 xã An Hải và An Vĩnh của huyện đảo Lý Sơn. Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc ECC HCMC bày tỏ chân thành: Với việc làm này, chúng tôi mong góp những phần nhỏ thiết thực cho người dân Lý Sơn – huyện đảo được cả nước hướng về và ghi nhớ là quê hương của hải đội Hoàng Sa anh hùng.

Ông Phạm Hoàng Linh -Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn:

Những món quà của ECC HCMC dù nhỏ bé nhưng có ý nghĩa lớn với bà con Lý Sơn, đặc biệt trong việc giải bài toán “nguồn sáng” cho dân đảo”.
Theo ông Tước, ngoài đèn led đã khá quen thuộc, đèn NLMT rất thích hợp với điều kiện sống của người dân trên đảo. Để sử dụng đèn, mỗi hộ dân được lắp một tấm pin NLMT trên mái nhà, từ đó, điện được sạc vào bóng đèn để chiếu sáng. Nếu trời nắng đều, bóng đèn có thể sáng được từ 2-3 ngày… Cầm trên tay chiếc đèn NLMT, anh Võ Xuân Thắng cười thật tươi, nói: “Có đèn này rồi, chắc tui bớt thắp đèn kia để tiết kiệm điện thôi”. Còn Chị Bùi Thị Vân – xã An Vĩnh - vui mừng: “Ngày trước, cứ hết điện là sắp nhỏ nhà tui phải dùng đèn dầu học bài, tội lắm!. Giờ có đèn này rồi, sắp nhỏ có điều kiện để học, sẽ học tốt hơn…”.

Tận mắt chứng kiến mới thấy niềm vui lớn lao của người dân trên đảo khi có thêm ánh sáng. Để rồi khi có đèn, ai cũng mừng rỡ, xôn xao - “Cái này bật tắt sao đây chú ơi? Cái này sáng suốt ngày hả, phí quá, có cách nào tắt bớt đi cho khỏi tốn điện không?” Cứ thế, anh Cường- nhân viên kỹ thuật ECC HCMC quay ra, quay vào với những câu hỏi không ngớt của người dân.

Rồi đây, mỗi khi đêm xuống, huyện đảo bé nhỏ hiền hòa sẽ bừng sáng. Rồi đây, dưới mỗi tiếng ê a học bài không còn dưới ánh đèn dầu leo lét mà thay vào sẽ là ánh sáng mạnh mẽ tỏa ra từ những ngọn đèn NLMT. Từ nguồn sáng ấy, người dân đang mơ tiếp về những điều tốt đẹp hơn nữa khi dự kiến, trong tương lai gần, dự án “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm” sẽ được triển khai. Điện rồi sẽ “phủ” khắp Lý Sơn 24/24 giờ và những câu chuyện “khát” ánh sáng ở đây sẽ chìm vào quá khứ.

Từ chiếc đèn năng lượng mặt trời tại Lý Sơn, với những dự kiến về cáp ngầm, năng lượng gió, mặt trời… đây được xem là giải pháp có thể cân nhắc để giải bài toán “khát” điện cho các huyện đảo.



Đảo Lý Sơn có ưu thế lớn về tiềm năng gió và mặt trời

“Chìa khóa” cho điện vùng đảo

Hiện nay, còn rất nhiều huyện đảo đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế và đời sống vì thiếu điện,vậy đâu là những phương án cấp điện tối ưu nhất cho các địa phương này?. Ông Huỳnh Kim Tước- Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh- cho rằng, không dễ để đầu tư các dạng năng lượng truyền thống như nhiệt điện chạy than, dầu ở các đảo này. Lý do lớn nhất là vì các đảo tương đối xa đất liền nên việc vận chuyển nhiên liệu như dầu, than ra đảo để phát điện rất tốn kém. Điều này đẩy giá thành sản xuất điện lên cao, trong khi đó, người dân ở các đảo không có điều kiện về kinh tế, việc đầu tư kinh doanh dễ thua lỗ. Nhưng bên cạnh đó, các đảo có ưu thế về tiềm năng gió và mặt trời khá tốt. Suất đầu tư điện gió và điện mặt trời cũng đang ngày càng có xu hướng giảm và tiệm cận dần với các nguồn đầu tư khác. Do vậy, với những nơi này, đầu tư điện gió và điện mặt trời là hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề cần phải bàn đến là giá điện. Hiện ở một số đảo, giá điện bán thấp (từ 2.000 – 3.000 đồng/kWh) nên đầu tư điện gió và điện mặt trời chưa phải là giải pháp hiệu quả với các nhà đầu tư. Vì vậy, cần phải có những chính sách riêng về cấp điện cho các đảo này. Chính sách đó phải phụ thuộc vào vị trí, đặc thù của từng đảo. Ví dụ như đảo Lý Sơn hiện rất “khát” điện, trong khi đảo có ưu thế là không quá xa đất liền. Vậy rõ ràng kéo cáp ngầm là phương án tối ưu...

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM:

Với các đảo đã có điều kiện phát triển kinh tế, du lịch, có tính khả thi trong đầu tư thì phải cân nhắc để phát triển điện theo hướng kinh tế thị trường. Hiện Chính phủ đã có những ưu đãi về công nghệ cao, về phát triển năng lượng tái tạo mà chúng ta có thể tận dụng để phát triển những dự án này.
Trên thực tế, ở một số huyện đảo, mặc dù đã có các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ nhưng lại chưa phát huy được hiệu quả tối ưu. Theo ông Tước, nguyên nhân chính là việc bảo hành cho công nghệ này đòi hỏi sự hiểu biết nhất định và thói quen sử dụng hợp lý. Nếu không biết cách, sau khi sử dụng một thời gian, các thiết bị này thường xảy ra hai tình huống, hoặc xuống cấp hoặc công suất ngày một suy giảm. Do vậy, khi lựa chọn phương án cấp điện ở quy mô này, mỗi xã phải có 2 – 3 cán bộ chuyên trách. Các cán bộ này cần được huấn luyện về kỹ năng bảo trì, sửa chữa hệ thống khi có tình huống và phải thường xuyên xuống các hộ gia đình để kiểm tra và hướng dẫn người dân sử dụng.

Đồng thời, hệ thống này về nguyên tắc vẫn là tạo ra điện và tích trữ vào ắc quy. Trong khi đó, hệ thống ắc quy và bộ điều khiển chuyển đổi sẽ suy giảm và hỏng theo thời gian. Theo đó, việc đầu tư hệ thống ắc quy mới cần phải được hỗ trợ vì hệ thống này tương đối đắt tiền. Đối với các dự án năng lượng tái tạo, chúng ta không thể đầu tư ngay một dự án xong là thôi mà phải nghĩ đến một dự án lâu dài, duy trì và có một nguồn tài chính ổn định cho dự án đó trong nhiều năm.
 
Theo: Công Thương Online