Khó khăn về mặt bằng thi công dự án 110kV giải phóng năng lượng điện gió tỉnh Cà Mau

Thứ sáu, 15/10/2021 | 13:29 GMT+7
Đường dây 110kV nhà máy điện gió (NMĐG) Khai Long - Trạm 110kV Năm Căn (đoạn Ngọc Hiển – Rạch Gốc) và Trạm 110kV Rạch Gốc cùng đường dây đấu nối, tỉnh Cà Mau nằm trong Quy hoạch điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
 

 
Đây là 02 Công trình nhằm mục đích tăng cường cung cấp điện cho khu vực thị trấn Rạch Gốc huyện Ngọc Hiển và khu vực lân cận tỉnh Cà Mau. Dự án sau khi khai thác nhằm giảm bán kính cấp điện 22kV, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo chất lượng điện áp, nâng cao độ tin cậy cho khu vực và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Ngọc Hiển – tỉnh Cà Mau.
 
Công trình đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011 đến 2015 có xét đến 2020 do Bộ Công Thương phê duyệt và có ý nghĩa rất quan trọng để đưa điện về vùng xa nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo chủ trương của Đảng và Chính Phủ. Ngoài ra, còn góp phần giải toả công suất cho 02 nhà máy điện gió Tân Ân và Viên An.
 
Công trình có chiều dài 13km và 47 vị trí móng trụ, khởi công xây dựng từ năm 2020, có tổng mức đầu từ là 213.964.430.000 đồng, do Tổng công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư. 
 
Hiện nay, đơn vị tri công đã thi công hoàn tất 47/47 vị trí móng, đã dựng 35/47 trụ, đã kéo dây 2/9 khoảng néo và sẽ dự kiến đóng điện công trình đưa vào sử dụng trước ngày 20/10/2021.
 
Trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID 19 đợt 2-3 xảy ra nên công tác giải phóng mặt bằng bị gián đoạn liên tục. Đến đợt dịch lần thứ 4 từ tháng 5/2021 tỉnh Cà Mau thực hiện giãn cách xã hội, từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2021 trên địa bàn tỉnh Cà Mau công tác tổ chức hội họp với địa phương, đối thoại với người dân cũng bị gián đoạn, đến tháng 6/2021 mới duyệt được phương án bồi thường. Từ tháng 7, tháng 8, dịch bắt đầu bùng phát dữ dội trong tỉnh Cà Mau và 19 tỉnh thành phía Nam nên công tác vận động chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng từ mức thỏa thuận bồi thường của chủ dự án điện gió cho người dân cao hơn mức quy định của tỉnh nên khâu mặt bằng cho dự án càng căng thẳng. Nhờ thông qua các đối tác tại địa phương vận động tích cực đến ngày 15/8, địa phương mới bàn giao được mặt bằng toàn tuyến 47/47 vị trí trụ.
 
Công trình đã có đầy đủ tính pháp lý và chủ trương của các cấp có thẩm quyền về công tác bồi thường đất móng trụ; về công tác bồi thường hành lang tuyến. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công triển khai công tác dựng trụ, kéo dây thì nhiều hộ dân vẫn gây trở ngại và yêu cầu hỗ trợ bồi thường với chi phí rất cao và việc này có thể gây chậm trễ tiến độ công trình không đúng như kế hoạch đề ra.
 
Cụ thể, tại vị trí trụ số 03 con trai chủ hộ yêu cầu hỗ trợ 60 triệu đồng; vị trí trụ số 23 chủ hộ yêu cầu hỗ trợ 70 triệu đồng; vị trí trụ số 30 chủ hộ yêu cầu hỗ trợ 50 triệu đồng mới cho dựng trụ.
 
Tại khoảng néo dây (trụ 17 đến trụ 34) có 09 hộ không đồng ý cho thi công kéo dây; 03 hộ không đồng ý cho thi công kéo dây yêu cầu hỗ trợ tiền (01 hộ 15 triệu, 02 hộ 100 triệu); 04 hộ không đồng ý cho thi công kéo dây do không thống nhất giá bồi thường cây; 01 hộ không đồng ý cho thi công kéo dây yêu cầu bồi thường thiệt hại tôm giống.
 
Do tính chất cấp bách của công trình đóng điện hòa lưới cho nhà máy điện gió Tân Ân và Viên An vào ngày 20/10/2021, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã có văn bản số 9042/EVNSPC-ĐT ngày 11 tháng 10 năm 2021 gửi UBND tỉnh Cà Mau đề nghị hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trước đó UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Nam chỉ đạo các đơn vị hoàn thành tiến độ dự án đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất, cũng như giao UBND huyện Ngọc Hiển hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. 
 
Tổng công ty Điện lực miền Nam đang rất quyết tâm hoàn thành dự án,để có thể đóng điện đúng tiến độ đề ra.
 
Lê Văn Tám