Trước đây, việc sửa chữa, bảo dưỡng máy biến áp (MBA) 500 kV đều do chuyên gia nước ngoài thực hiện, hoặc phải tháo dỡ, vận chuyển đưa máy về hãng chế tạo ở nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng. Gần đây, kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 và các cộng sự đã nghiên cứu thành công kỹ thuật mới cho phép sửa chữa, bảo dưỡng MBA ngay tại hiện trường.
Các kỹ sư của Công ty Truyền tải điện 2 đang đang bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500kV tại hiện trường. (Ảnh: Đoàn Nguyên)
Giải pháp chính của đề tài là dùng chất lỏng là dầu biến áp được làm nóng đến 85 độ C ở ngoài để đưa vào, bơm hút tuần hoàn và gia nhiệt cho toàn bộ các phần tử bên trong máy biến áp. Khi đó, toàn bộ các tạp chất, các loại khí, nước sẽ bị hút, đào thải ra ngoài và làm tinh khiết tuyệt đối chất cách điện trong MBA. “Phương pháp này an toàn, không bị nóng cục bộ nên không làm hư hỏng các phần tử trong MBA, thời gian bảo dưỡng cho một MBA cũng rút ngắn từ 15 tháng xuống còn 15 ngày”, KS Dũng cho biết.
Ở Việt Nam hiện có 78 MBA 550kV. Theo tính toán, để vận chuyển máy về hãng chế tạo nước ngoài bảo dưỡng, mỗi năm mất tổng chi phí khoảng 1.080 tỷ đồng (chưa kể phải mất thời gian khoảng 15 tháng). Nếu dùng phương pháp mua MBA để dự phòng thay thế khi bảo dưỡng sẽ mất tổng chi phí khoảng 508 tỷ đồng. Trong khi bảo dưỡng theo kỹ thuật mới do kỹ sư Việt Nam thực hiện ngay trong nước mỗi năm chỉ mất khoảng 9,8 tỷ đồng.
Nếu tiếp tục áp dụng kỹ thuật mới cho các MBA 220kv, 110kv, 35kv và 22kV… thì mỗi năm sẽ tiết kiệm cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Hiện đã có cả 4 công ty truyền tải điện trong cả nước áp dụng kỹ thuật mới nói trên. Dự kiến trong năm 2012, ngành điện sẽ áp dụng đại trà kỹ thuật này trong việc bảo dưỡng, sửa chữa MBA.
Báo Đất Việt