Sự kiện

Không thể bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh tế vì thiếu điện

Thứ năm, 18/10/2007 | 00:00 GMT+7
Ngày 21/9/2007, lần đầu tiên kể từ sau khi nhận chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có buổi thăm và làm việc với Ban lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại cơ quan của EVN. Cùng đi với Phó Thủ tướng còn có Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng, đại diện Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

           

Báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình cung ứng điện trong 9 tháng đầu năm 2007, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh khẳng định: Năm 2007 là một năm khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những nguyên nhân cơ bản là: Tình trạng một số nhà máy nhiệt điện mới đi vào vận hành chậm tiến độ, vận hành thiếu ổn định như Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn (2x58 MW), Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1, TBK Cà Mau. Các nhà máy BOT Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 phải ngừng hoạt động nhiều ngày trong thời điểm mùa khô 2007. Nhiệt điện gặp khó khăn trong khi thời tiết lại không thuận lợi khiến trong suốt 4 tháng đầu năm, tất cả các hồ chứa thủy điện mực nước đều thấp hơn so với cùng kỳ 2006 (hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà lượng nước về hồ ít nhất trong vòng 100 năm trở lại đây, lượng nước về hồ Ialy từ đầu năm đến nay cũng chỉ đạt 19% so với năm 2006). Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan và nỗ lực của CBCNV trong toàn EVN, thời điểm được đánh giá là khó khăn nhất trong mùa khô 2007 đã qua. EVN đã cơ bản đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Với dự báo mức độ tăng trưởng điện năng trong quý IV năm nay sẽ đạt trên 16%, EVN đang tích cực triển khai các giải pháp cung ứng điện như: Khai thác tối ưu các nhà máy thủy điện đồng thời chuẩn bị tích nước cho mùa khô 2008; tăng cường lượng điện mua từ Trung Quốc qua các đường dây 220 kV và 110 kV, đôn đốc các nhà máy mới như Uông Bí Mở rộng, Cà Mau, Quảng Trị vào vận hành ổn định; tính toán xả nước hồ Pleikrông để tăng hiệu quả khai thác Nhà máy Thủy điện Ialy, Sê san 3 và Sê san 3A; tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.   

Với các giải pháp trên, EVN sẽ đảm bảo chủ động nguồn cung ứng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng trong quý IV, phấn đấu đạt lượng điện thương phẩm trong năm 2007 trên 58 tỷ kwh. Xoay quanh những vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Quy hoạch điện VI mà trọng tâm lớn nhất vẫn là đảm bảo các dự án nguồn điện được triển khai đúng tiến độ và hiệu quả. Đây cũng là vấn đề thu hút được sự quan tâm đặc biệt của Phó thủ tướng, đại diện các bộ hữu quan và Ban lãnh đạo EVN.

Trong thời gian qua, việc các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung ứng nguồn điện. Theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù EVN đã rất nỗ lực nhưng hầu hết 18 dự án nguồn điện phải hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến 2010 đều có nguy cơ chậm từ 3-6 tháng so với kế hoạch. Những lý giải mà EVN đưa ra đã nhận được sự đồng tình của Phó Thủ tướng, đại diện các Bộ, ngành. Thực tế, các nguyên nhân khách quan như điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết bất thường, hoặc do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm nằm ngoài khả năng kiểm soát của EVN. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như: Năng lực tư vấn, năng lực điều hành của các ban quản lý dự án, của nhà thầu thi công còn hạn chế. Vì thế, theo kiến nghị của EVN, cần được đánh giá và rút kinh nghiệm nghiêm túc, các cơ quan hữu quan có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đây nhanh tiến độ các dự án.

Với các dự án nhiệt điện than sẽ được triển khai theo Quy hoạch VI cũng nảy sinh các vấn đề cần phải nhanh chóng giải quyết, đó là nguồn than cung cấp cho phát điện. Theo ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì việc hình thành nên các trung tâm nhiệt điện tại khu vực miền Trung và miền Nam trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu (dự kiến sẽ được nhập khẩu từ Oxtraylia và Indonêxia). Tuy nhiên, ngay thời điển hiện tại, khi EVN mới đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để nhập khẩu than từ 2 quốc gia này thì đã vướng phải sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc và ấn Độ (do nhu cầu dự trữ than của các quốc gia này rất lớn). Vì thế, nếu không chủ động, quyết liệt đàm phán ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ chậm chân trong việc giành được các nguồn nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng.

Thực hiện Quy hoạch điện VI, theo tính toán từ 2006 - 2015, EVN sẽ phải đảm đương một khối lượng công việc “khổng lồ”. Đó là gấp rút triển khai từ 44 đến 48 dự án công trình nguồn điện với tổng công suất từ 24 đến 33 nghìn MW. Trung bình mỗi năm, EVN cần nguồn vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD cho các dự án nguồn điện. Mặc dù, có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thu xếp nguồn vốn từ phía Chính phủ, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, nhưng với một lượng vốn lớn như vậy, công tác thu xếp, và giải ngân sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ. Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện năng vẫn còn nhiều khó khăn do vướng về chính sách về giá điện, cơ chế công ích, các chính sách ưu đãi về phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng mới...

Bên cạnh đó, những vấn đề về thúc đẩy triển khai điện nguyên tử, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển các công trình điện… cũng được bàn thảo trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đại diện các bộ, ngành liên quan với Ban lãnh đạo EVN.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển. Vì vậy mỗi bộ ngành, mỗi cấp, đơn vị mà đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm như ngành Điện càng phải nỗ lực hơn. Không thể vì thiếu điện mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh tế “ngàn vàng” này. Chia sẻ những khó khăn của ngành Điện trong năm 2007, Phó Thủ tướng đồng nhất ý kiến về những giải pháp đảm bảo cung cấp điện ổn định trong những tháng cuối năm 2007 do EVN đề xuất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý EVN cần khẩn trương chuẩn bị các phương án dự phòng cho các trạm biến áp công suất lớn và trọng điểm sau những sự cố hỏng máy biến áp thời gian qua.

Xoay quanh những vấn đề liên quan đến giá điện, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện năng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc cải cách giá điện, công tác cổ phần hóa, xã hội hóa lĩnh vực điện năng được Chính phủ rất quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành triển khai cần phải căn cứ vào các yếu tố vận hành của nền kinh tế xã hội, nên mỗi bước đi cũng phải thận trọng và cân nhắc giữa các lợi ích. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của EVN và các cơ quan liên quan đã có rất nhiều cố gắng để tiến thành thí điểm thị trường điện. Việc tiến hành xây dựng thị trường điện sẽ là yếu tố tích cực để thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội vào lĩnh vực điện năng nhằm giảm tối đa đầu tư từ ngân sách (hiện Việt Nam đã phải dành từ 41 - 42% GDP (khoảng 28 tỷ USD) tổng đầu tư cho toàn xã hội).  

Theo Quy hoạch VI từ 2006 đến 2015 đã có gần 100 công trình nguồn điện lớn được đầu tư xây dựng. Xoay quanh vấn đề đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN và các chủ đầu tư khác phải lưu ý đến năng lực thực tế của các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và của nhà thầu để kịp thời đôn đôc, chỉ đạo. Trong trung hạn phải tính đến việc nếu đơn vị tư vấn, nhà thầu trong nước không đủ năng lực thì sẽ bị loại để các đơn vị khác (có thể thuê tư vấn, nhà thầu thi công nước ngoài) có đủ năng lực thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

Về nguồn nhiên liệu cho nhiệt điện, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) phải tích cực đàm phán theo nguyên tắc chủ đầu tư các công trình điện phải có được hợp đồng cung cấp nguồn than dài hạn từ phía TKV. Nếu trong đàm phán nảy sinh vấn đề không thống nhất được về giá thì Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ liên quan tìm hướng giải quyết. Với nguồn than nhập khẩu, EVN cần chủ động tìm biện pháp lựa chọn chủng loại và thương thảo hợp đồng, nơi nhập khẩu, giao Bộ Công thương trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan vì nhập khẩu than là đảm bảo cung ứng năng lượng cho phát triển quốc gia.

Về điện hạt nhân, Phó Thủ tướng đề nghị Ban chuẩn bị đầu tư sớm hoàn tất hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo và hoàn chỉnh nội dung để trình Hội đồng thẩm định nhà nước. Ban chuẩn bị cần tích cực hơn trong việc đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho chương trình này. Ngoài ra, tại buổi làm việc Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu thu xếp dành nguồn vốn ODA ưu tiên cho các dự án nguồn điện. Các cơ quan liên quan cần tập trung xây dựng phương án cấp điện cho đảo Phú Quốc; giao Bộ Công thương xây dựng cơ chế giá cho nhiệt điện…

Lượng điện thương phẩm 9 tháng đầu năm ước đạt trên 43 tỷ kWh, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2006. Tỷ trọng điện dùng trong công nghiệp đã chiếm 49,06% tổng lượng điện thương phẩm (tỷ lệ này trong năm 2006 là 46,76%). 

Những vấn đề được cân nhắc và thảo luận là các giải pháp cấp bách nhằm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008 và những biện pháp quyết liệt để triển khai tốt Quy hoạch điện VI vừa được Chính phủ phê duyệt.

Theo TC Điện lực số 9 - 2007