Tin trong nước

Kỹ sư Trần Mạnh Quang: Một đam mê, một tấm lòng

Thứ năm, 11/10/2007 | 00:00 GMT+7

Là thế hệ đầu tiên của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, anh Trần Mạnh Quang thuộc vị trí từng tảng đá ngầm, từng chỗ nông sâu ở mỗi khúc sông, lòng hồ. Anh đã từng lội qua sông Đà ở độ sau -23m khi nó chỉ như con suối vào mùa khô. Anh cũng từng tham gia cùng các chuyên gia Nga lắp đặt cả 8 tổ máy Thuỷ điện Hoà Bình nên anh hiểu cấu trúc các tổ máy như lòng bàn tay. Ở nhà máy, anh được mọi người nhắc đến không chỉ như một “chuyên gia sáng kiến” mà còn vì anh là người thầy hết lòng với các công nhân trẻ.

“Tôi vốn là thợ nhiệt điện, vì vậy khi được giao tham gia lắp tổ máy thuỷ điện tôi gần như mù tịt. Tất cả đều phải học lỏm" - anh Quang mở đầu câu chuyện như vậy.

Từ anh thợ học lỏm

Theo anh, điều khó nhất khi lắp máy thuỷ điện là cân bằng tải trọng, bởi vì tổ hợp rô to (bao gồm bánh xe công tác, trục tuốt bin, máy phát điện, trục phụ) nặng tới 650 tấn, khi vận hành tải trọng có thể lên 740 tấn. Nếu chỉ đặt lệch một chút, khi máy vận hành sẽ tạo độ rung rất lớn khó tránh khỏi gãy trục. Biết vậy nhưng học được cách căn chỉnh cho khỏi lệch là vô cùng khó khăn. Các chuyên gia lại toàn làm việc ban đêm, họ xem bản vẽ rất nhanh, theo dõi không kịp. Vài lần như vậy, anh nghĩ ra cách nhìn nhanh đáp số ở bản vẽ rồi dùng những phép thuật toán đã học, tính toán ngược lại để tìm ra các thông số cần thiết (có lẽ đây là sáng kiến đầu tiên trong đời làm thợ của anh). Nhờ quá trình học lỏm đó mà sau khi tham gia lắp đặt tổ máy đầu tiên, anh đã cơ bản mường tượng được quy trình công nghệ tháo lắp, sửa chữa cho tổ máy hoàn chỉnh. Đến khi lắp tổ máy thứ 2 anh đã có thể phát hiện những điều bất hợp lý trong khi tháo lắp. Thế nhưng khi anh kiến nghị bộ chèn trục có vấn đề thì các chuyên gia bạn không nghe vì họ không tin vào khả năng của kỹ sư Việt Nam. Khi máy chạy thử quả nhiên bốc khói ở bộ chèn trục, lúc đó các chuyên gia Liên Xô thực sự cảm phục và khắc phục sự cố theo ý kiến của anh. Từ đó, anh có thể trao đổi bình đẳng với họ. Khi thấy bộ làm mát của máy nặng tới 297 kg, công nhân vận chuyển rất vất vả, anh đã thiết kế đường vận chuyển riêng và 1 chuyến xe chuyên dùng để tháo lắp bộ làm mát. Hiệu quả thật bất ngờ, trước đây cứ 5 người mỗi ngày chỉ vận chuyển được 4-5 bộ làm mát từ ổ máy ra vị trí sửa chữa, nay chỉ cần 2 người mỗi ngày cũng vận chuyển được 16 bộ, lại còn đảm bảo an toàn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mặc dù phần thưởng chỉ có 100.000 đồng (năm 1989) nhưng điều làm anh phấn khởi nhất là niềm vui của anh em khi không còn phải làm việc nặng nhọc nữa.

Đến người thầy tâm huyết

Anh vẫn tự gọi đùa mình là thầy dạy thuê vì ngoài nhiệm vụ chính là làm đốc công ở bộ phận kỹ thuật, anh Quang còn được giao nhiệm vụ đào tạo thợ sửa chữa tuốt bin thuỷ lực. Theo anh Quang, người thợ giỏi ngoài việc sửa chữa máy tốt còn phải có khả năng phát hiện những bất hợp lý trong quá trình vận hành, dự báo chính xác thời gian cần sửa chữa vì nếu sửa chữa muộn sẽ gây sự cố, thay thế quá sớm sẽ lãng phí thiết bị. Tuy nhiên, phát hiện để xử lý là một chuyện, còn dạy cho người khác biết cách phát hiện lại không hề đơn giản. Bởi vì, ngoài năng lực chuyên môn, người thầy phải có cái tâm, không giấu nghề. Khó nhất của công việc này là thầy không có sách tham khảo mà chỉ truyền nghề dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của chính mình. Bởi vì cho đến nay nghề sửa chữa tuốt bin thuỷ lực chưa hề có tài liệu tham khảo. Ở mọi nơi mọi lúc, anh đều tranh thủ truyền nghề cho cánh thợ trẻ. Ví dụ: Vào mùa nồm trục tuốc bin bị đổ mồ hôi chảy vào dầu máy làm giảm sự bôi trơn, nếu không khắc phục sẽ phá vỡ thiết bị rất nguy hiểm. Anh hướng dẫn thợ dùng máy điều hoà làm khô máy. Vào mùa hè, nhiệt độ dầu và nhiệt độ séc măng tăng cao làm nóng máy rất nhanh. Ban đầu, các anh phải dùng nước phun bên ngoài để làm giảm nhiệt độ của dầu nhưng cách này rất tốn thời gian và hiệu quả không cao.

Sau khi nghiên cứu, anh thấy bộ làm mát của Nga có hình trụ, bên trong ống đồng đựng dầu, bên ngoài là nước. Anh đã hướng dẫn thợ thiết kế bộ làm mát hình hộp để tăng diện tích truyền nhiệt. Đồng thời cho nước vào trong ống đồng, còn dầu đi bên ngoài để tăng khả năng hấp thụ nhiệt. Nhờ đó, hiệu suất làm mát tăng gấp 3 lần, nhiệt độ đầu giảm 5 - 8 độ C. Đề tài của anh đã được Trường Đại học Bách khoa kiểm chứng và chế tạo theo thiết kế của anh. Tổ máy đầu tiên của Nhà máy sau khi sử dụng bộ làm mát theo thiết kế của anh đã được đánh giá rất cao. Những ca hỏng hóc khó, anh vừa làm vừa hướng dẫn cho anh em có bậc thợ thấp hơn. Tất cả những kinh nghiệm của anh đều được ghi chép lại và anh đã viết thành tài liệu để phục vụ đào tạo công nhân mỗi kỳ thi nâng bậc: Tới nay, anh đã viết xong 4 bộ tài liệu áp dụng cho nâng bậc nghề sửa chữa tuốc bin thuỷ lực. Đặc biệt, anh mới hoàn thành cuốn "Cẩm nang kỹ thuật nghề sửa chữa tuốt bin thuỷ lực" dày 167 trang viết về kỹ thuật sửa chữa tuốc bin để đào tạo từ thợ bậc 1 đến thợ bậc 7. Cuốn sách đã được thầy trò các trường: Đại học Điện lực và Trung học Dạy nghề Điện của EVN dùng làm tài liệu giảng dạy và đánh giá rất cao.
Theo Báo CNVN Số 41