Phóng sự

Ký sự điện: Làm dâu trăm họ

Thứ hai, 29/6/2020 | 09:18 GMT+7
Những lúc điện được cung cấp ổn định, chất lượng tốt thì mọi việc được coi là lẽ dĩ nhiên, ít người nghĩ rằng đằng sau ánh điện lung linh kia là những nỗi vất vả, trăn trở của những người là ra điện.

Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra chì niêm phong công tơ khách hàng sử dụng điện tại Công ty Điện lực Mê Linh. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Còn những khi có trục trặc trong việc cung cấp điện hoặc hóa đơn tiền điện thì lập tức có ý kiến ngay, bất kể trục trặc vì nguyên nhân gì, chủ quan hay khách quan: Do nguồn, do lưới, do máy biến áp, do thiên tai, hay do chính người dùng điện gây ra…nhẹ thì gọi điện yêu cầu đến giải quyết, nặng thì gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thông tin đại chúng để kiến nghị, phê phán…Thôi thì, âu cũng là lẽ thường tình của ngành “làm dâu trăm họ”. 
 
Phúc tra sản lượng tiêu thụ điện của 1,5 triệu khách hàng
 
Năm nào vào cao điểm mùa hè, hóa đơn tiền điện của khách hàng cũng có sự tăng đột biến, nhưng năm nay, trên địa bàn Hà Nội, số khách hàng có sản lượng tiêu thụ tăng từ 1,3 lần trở lên chiếm đến 66% tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mà nguyên nhân chính thì hầu như cũng dễ để nhận ra, đó là do nắng nóng gay gắt kéo dài. Theo như bên khí tượng thủy văn thì 27 năm nay mới xuất hiện. 
 
Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), tháng 5, Hà Nội có một đợt nóng nắng kỷ lục trong 2 ngày là 20 và 21, đã nâng sản lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh). Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C, khiến sản lượng điện tiêu thụ điện liên tục tăng cao, đặc biệt ngày 9-6-2020 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh. Đây là sản lượng điện tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh sản lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, có thể nhận thấy, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội trong tháng 6 đã tăng rất cao. Tính đến ngày 22-6-2020, sản lượng điện tiêu thụ trung bình 76,423 triệu kWh/ngày tăng 21,9% so với tháng 5 và tăng 77,8% so với tháng 4. 
 
Một nguyên nhân nữa phải kể đến là kỳ hóa đơn tiền điện sinh hoạt tháng 5 tại Hà Nội được kết thúc vào ngày 21-5, trong đó, lượng hóa đơn lập đến hết ngày 19-5 là 2.289.496 hóa đơn, chiếm tỷ lệ 99,3% hóa đơn cả tháng 5. Như vậy, gần như toàn bộ hóa đơn tiền điện sinh hoạt của tháng 6-2020 “ôm trọn” những ngày nắng nóng gay gắt của cuối tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài 22 ngày của tháng 6, vì thế hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng đột biến so với hóa đơn tiền điện tháng 5.
 
Theo phân tích số liệu hóa đơn và các đợt nắng nóng trong tháng 4,5 và 22 ngày đầu tháng 6, nhận thấy rất rõ rệt tiền điện tăng theo thời tiết nắng nóng. Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có sản lượng tăng từ 30% trở lên chiếm tỷ lệ 66% tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có phát sinh hóa đơn trong tháng 6, trong đó: 324.798 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 30%-50%; 596.188 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 51%-100%; 389.679 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 101%-200%; 97.287 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 201% - 300% và 110.039 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 301% trở lên.
 
Trong tháng 4 và 5-2020, khách hàng tiêu thụ sản lượng điện từ 100kWh đến 200kWh chiếm tỷ lệ cao, xấp xỉ 30% tổng số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, nhưng sang đến tháng 6-2020, khách hàng tiêu thụ sản lượng từ 200kWh đến 300kWh lại cao nhất trong các nhóm sản lượng và khách hàng tiêu thụ sản lượng điện trên 1000kWh tăng từ 1,06% của tháng 5 lên 4,7% tính đến 22-6-2020.
 
Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI  Lê Ánh Dương cho biết, 100% khách hàng có sản lượng tăng giảm 1,3 lần đều đã được phúc tra trước khi phát hành hóa đơn và 100% đơn kiến nghị của khách hàng đã được giải quyết.
 
Không phải là câu chuyện công tơ
 

Đoàn công tác làm việc tại Công ty Điện lực Thanh Xuân.
 
Khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến, khách hàng thường hay đưa ra những nghi ngờ về độ chính xác của công tơ, về nhầm lẫn khi thao tác nhập số, thậm chí còn nghi ngờ có sự gian lận của …ngành điện.
 
Câu chuyện về chiếc công tơ - thiết bị “công lý” trong mua bán điện - khi nào cũng là nghi vấn đầu tiên khi xảy ra hóa đơn tiền điện tăng giảm đột biến, đã từng có thời kỳ, chỉ riêng việc đặt ở đâu, trong nhà hộ tiêu thụ hay bên ngoài mà cũng phải mất hơn 30 tranh luận. Đưa công tơ ra ngoài đường có nhiều điểm tiện lợi cho cơ quan kinh doanh điện (đỡ mất thời gian ghi chỉ số, hạn chế nạn ăn cắp điện), nhưng đa phần các hộ tiêu thụ điện lại muốn đặt công tơ trong nhà mình để có thể biết và theo dõi sát mức tiêu thụ, kiểm tra công tơ có quay đúng hay không, so sánh công suất các đồ điện…Một số hộ tiêu thụ điện khác, do điều kiện không có người lớn thường xuyên ở nhà thì lại rất ngại có ai đó ngộ nhỡ không phải là nhân viên chi nhánh điện lại giả danh để vào nhà khi người lớn đi vắng nên lại muốn để công tơ ngoài đường. 
 
Những tranh luận trên đã đi được đến hồi kết khi ngành điện từng bước hiện đại hóa lưới điện và bây giờ thì việc công tơ đặt ở đâu không còn quan trọng và không ai còn tranh luận nữa. Nhưng chiếc “nó” vẫn luôn là đề tài tranh cãi. Mỗi khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến vào cao điểm mùa hè là người ta lại “lôi” nó ra để đặt câu hỏi nghi vấn. Mà cũng đúng thôi, bởi công tơ đo đếm điện chính là chiếc cân định lượng sản phẩm giữa người bán và người mua, mà cụ thể ở đây là giữa ngành điện và khách hàng tiêu thụ điện. Vì vậy, công tơ đo đếm điện không chỉ là mỗi quan tâm đối với khách hàng tiêu thụ điện mà cả đối với cơ quan kinh doanh điện.
 
Cũng vì tầm quan trọng của chiếc công tơ, nên trong quy trình kinh doanh điện năng đã quy định các đơn vị điện lực phải thay định kỳ công tơ đo đếm điện đối với công tơ có thời hạn sử dụng trên lưới từ 3 - 5 năm, tùy vào thời tiết từng khu vực; trong ttrường hợp công tơ chế cháy, hỏng, khi phát hiện… Đội kiểm tra phải  lập biên bản kiểm có sự chứng kiến của khách hàng, xác định nguyên nhân, làm thủ tục thay thế công tơ khác đảm bảo tiêu chuẩn kinh doanh.
 
Bây giờ, công tơ điện đã hiện đại rất nhiều. Với các hộ lắp đặt công tơ điện tử, khách hàng có thể đặt ngưỡng cảnh báo sản lượng điện tiêu thụ của gia đình mình,  có thể kiểm tra sản lượng tiêu thụ điện của gia đình mình hàng ngày…Trong trường hợp, khách hàng muốn kiểm định công tơ của gia đình mình thì cũng được đáp ứng rất nhanh chóng. Chưa hài lòng về kết quả thì có thể yêu cầu một đơn vị ngoài ngành điện kiểm định. Vì vậy, với con số 66% khách hàng trên địa bàn Hà Nội có sản lượng tiêu thụ điện tăng từ 30% trở lên mà nghi ngờ cho công tơ đo đếm là điều có thể loại bỏ.
 
Ông Hà Văn Dũng ở A3 khu tập thể  Bệnh viện Nội tiết (Thanh Xuân- Hà Nội) thấy tiêu thụ điện tháng 6 của gia đình ông tăng cao bất thường, từ 470kWh (tháng 5) lên 900kWh (tháng 6) nên đã đề nghị Công ty Điện lực Thanh Xuân kiểm định công tơ. Kết quả, công tơ hoạt động bình thường. 
 
Hỏi: Ông có tin vào kết quả kiểm định của ngành điện không và tại sao ông không đưa đi kiểm định cơ quan ngoài ngành điện? 
 
Trả lời: Tôi tin vào kết quả kiểm định, dù đơn vị kiểm định đó thuộc ngành điện quản lý. Bởi, không có lý do gì để họ phải làm sai. Sau khi có kết quả kiểm định công tơ hoạt động bình thường, tôi thấy không còn điều gì băn khoăn nữa. Chắc là do vào thời điểm quá nắng nóng nên sản lượng điện tiêu thụ tăng cao hơn.
 
Gia đình anh Trịnh Trường Thành ở số 62/64 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân – Hà Nội) có hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng gấp đôi so với tháng 5 từ 1,2 triệu lên 2,2 triệu nên đã có đơn đề nghị Công ty Điện lực Thanh Xuân kiểm tra. Do công tơ của gia đình anh Trịnh Trường Thành thuộc khu vực thay công tơ điện định kỳ từ tháng 3-2020, nên anh em công nhân phải thực hiện kiểm tra theo quy trình từ điểm đấu ngoài cột, aptomat để xác định không có sự nhầm lẫn khi đấu nối với công tơ; bước tiếp theo là tra cứu để so sánh sản lượng điện tiêu thụ với thời điểm nóng nhất của năm trước. Kết quả cho thấy, hóa đơn tiền điện tháng 6-2020 của gia đình anh  tương đương số tiền thời điểm nắng nóng năm 2019.
 
Mặc dù công tác kinh doanh điện năng vẫn còn hoạt động trong điều kiện cơ chế chưa hoàn toàn thuận lợi, do đang phải hoạt động sản xuất kinh doanh còn mang tính chất lưỡng tính: vừa công ích, vừa thương mại, nhưng EVNHANOI đã xác định đến tất cả CBCNV và người lao động về công tác kinh doanh không chỉ đơn thuần là ghi chỉ số đồng hồ rồi thu tiền bán điện là xong, mà phải xác định rõ vị trí của công tác này để có cách nghĩ, cách làm đổi mới phù hợp với tình hình phát triển xã hội theo cơ chế thị trường, phù hợp với nhiệm vụ là một ngành dịch vụ khách hàng – làm dâu trăm họ.
Thanh Mai