Công nhân truyền tải điện sửa chữa đường dây 230 kV Đa Nhim – Sài Gòn năm 1976.
Giữ điện bằng mọi giá
Trung tuần tháng 4-1975, trước khí thế hừng hực của hàng hàng lớp lớp binh đoàn tiến về Sài Gòn, tại chiến khu miền Đông Nam Bộ, ngày 26-4-1975, Tiểu ban tiếp quản Sài Gòn - Gia Định (phiên hiệu K9) được Ban Công nghiệp R thành lập với bảy thành viên thuộc các ngành: điện - nước - công nghiệp nhẹ - cơ khí - lương thực thực phẩm - hóa chất - địa chất. Trưởng tiểu ban là đồng chí Mười Sơn, đồng chí Lê Thành Phụng giữ chức vụ phó tiểu ban và năm ủy viên. Lúc bấy giờ, đội điện nước gồm 56 người, trong đó, riêng bộ phận điện có 33 thành viên do đồng chí Nguyễn Văn Tiên làm đội trưởng, với nhiệm vụ cực kỳ quan trọng chiến lược là “Điện phải đi trước một bước”.
Ngày 29-4-1975, đoàn xuất phát từ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước tiến về Sài Gòn, với nhiệm vụ quan trọng giữ cho nguồn điện hoạt động ổn định, khi các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Tới ngày 30-4, K9 về trú quân tại trường Cao Thắng. Niềm vui chiến thắng cứ cồn cào trong lòng xen lẫn nỗi lo về nhiệm vụ khá nặng nề trước mắt khiến đoàn cán bộ không ai chợp mắt. Suốt đêm, các đồng chí trong ban vừa phải tiếp đón lớp lớp bà con đến thăm vừa tiếp tục thu nhận tin tức từ những báo cáo của ban công tác và các ban tự vệ thành. Nhận lệnh cấp trên, đồng chí Trần Tự Kỉnh, cán bộ phụ trách kiểm tra của R, chính thức đứng vào hàng ngũ tiếp quản điện lực với chức vụ Trưởng Đoàn tiếp quản Điện miền Nam.
Khi quân giải phóng đã làm chủ tình hình tại Sài Gòn, đúng 8 giờ, sáng 1-5-1975, Đội Quân quản Điện lực của Tiểu ban Quân quản Công nghiệp, trực thuộc Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định, chính thức tiếp quản Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV của chính quyền Sài Gòn), tại Văn phòng Tổng nha 72 Hai Bà Trưng, quận 1. Trước cuộc tiếp quản lịch sử này, đội đã chuẩn bị những thỏa thuận nguyên tắc để từ ngày 2-5-1975, Nha Chuyển vận phân phối (tiền thân của Sở truyền tải Điện 4 sau này) sẽ chính thức chuyển giao chức năng truyền tải và phân phối điện năng cung cấp cho khu vực Sài Gòn và phụ cận.
Buổi tiếp quản diễn ra ngay tại phòng họp trắng của CĐV, với sự hiện diện của hơn 10 cán bộ tiếp quản điện lực miền Nam và gần 70 cán bộ của CĐV, đứng đầu là ông Hồ Tấn Phát, Tổng giám đốc CĐV. Ngay trong buổi họp đầu tiên, sau khi nắm tình hình, Ban Quân quản đề ra nhiệm vụ: Triệu tập tất cả công nhân viên chức trở lại làm việc bình thường; bằng mọi cách phải giữ cho dòng điện hoạt động liên tục, không gây khó khăn cho việc tiếp quản và bảo đảm sinh hoạt của TP; sửa chữa ngay những đường dây bị hư hỏng và đường dây Sài Gòn - Mỹ Tho trước ngày 4-5 (riêng đường dây và nhà máy Đa Nhim sẽ có kế hoạch sau); tổ chức canh gác các vị trí quan trọng đề phòng âm mưu phá hoại của địch.
Chuyện bây giờ mới kể
Những ngày sau tiếp quản, để cải thiện đời sống cho người lao động, lãnh đạo ngành Điện tổ chức xe đi Cần Thơ mua gạo về cải thiện đời sống cho anh em. Theo ông Trần Tự Kỉnh, “Lúc bấy giờ, thấy nhà ăn tập thể của anh em ở 72 Hai Bà Trưng chỉ là những mái tôn che tạm bên lề đường Nguyễn Siêu, chúng tôi đề nghị di chuyển nhà xe vào Chợ Quán lấy chỗ làm nhà ăn tập thể. Anh em rất hoan nghênh. Thấy nhiều gia đình anh em công nhân điện quá nhếch nhác, có nhà không cột, chỉ là một tấm bạt che tạm phủ thêm ni lông, lá chằm… cột nhờ vào hai nhà bên cạnh… Chúng tôi đã cho thống kê số nhà quá ọp ẹp và trực tiếp lên gặp đồng chí Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản TP xin giúp đỡ. Chỉ năm ngày sau, Quân quản Điện lực đã nhận được văn bản cấp cho 295 gian nhà tại khu Thương phế binh cũ ở Thủ Đức, vừa đủ cho các đơn vị lo cấp cho anh em khó khăn và chủ động di chuyển nhà cho anh em về nơi ở mới.
Theo hồi ký của ông Trần Tự Kỉnh, những ngày đầu tiếp quản còn có biết bao chuyện đáng nhớ. Bên cạnh khôi phục nhưng cơ sở vật chất bị phá hoại, Ban Quân quản còn ngày đêm phải đấu tranh với nhiều kẻ muốn âm mưu phá hoại. Chính nhờ tổ chức được các tổ tự vệ canh gác và phát động được tư tưởng công nhân luôn cảnh giác bảo vệ đơn vị mà anh em đã góp phần phát hiện được một phụ nữ mang mìn vào định phá trạm Minh Phụng, phát hiện một tên thợ xấu dùng nguyên liệu giả để sửa máy phát SACM ở Bà Quẹo, với ý đồ phá hoại. Cũng nhờ liên hệ chặt chẽ với Công an TP và quần chúng, Ban Quân quản đã bắt gọn một tên gián điệp được cài lại ở Nhà máy đèn Chợ Quán với âm mưu phá hoại nhà máy.
40 năm, quãng thời gian gần nửa một đời người nhưng những kỷ niệm của Nguyễn Văn Thiên, bí danh là Hai Nhứt, người công nhân tổ điều hành Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức cách đây 40 năm vẫn không hề phai nhạt. Vốn là dân cách mạng nòi, năm Năm 1965, ông được cấp trên điều về làm việc tại nhà máy với nhiệm vụ gầy dựng cơ sở cách mạng trong nhà máy để chờ thời cơ. Đến cuối tháng 4-1975, khi tình hình chiến sự diễn ra sôi động trên chiến trường miền nam, trong nhà máy, ông cùng các đồng nghiệp của mình cũng đã trong tư thế sẵn sang bảo vệ nhà máy khi có biến cố, âm mưu phá hoại của kẻ xấu. Ông nhớ lại: “Lúc 19 giờ ngày 29-4-1975, nhà máy chỉ còn một tổ điều hành với 20 người, thì tôi và mọi người được thông báo, nếu tình hình Sài Gòn không cứu vãn được thì có lệnh được phá hủy nhà máy, sau đó sẽ có trực thăng đón anh em bỏ trốn. Nghe như thế, tôi đứng phắt dậy dõng dạc: “Tôi Nguyễn Văn Thiên, hôm nay là người thừa lệnh của Mặt trận giải phóng Miền nam Việt Nam, không cho phép bất cứ ai phá hỏng nhà máy vì nó là nguồn sáng cần thiết cho nhân dân”. Đến tận bây giờ, cảm xúc của thời khắc ấy vẫn nóng hổi mỗi khi có dịp nhắc lại”, ông Thiên tâm sự. Đúng 8 giờ, ngày 30-4, việc chiếm giữ Nhà máy điện Thủ Đức đã hoàn toàn thắng lợi, cờ giải phóng tung bay trên cột cờ nhà máy và đến 11 giờ trưa, tổ của ông Thiên đã bàn giao nguyên vẹn nhà máy cho ông đoàn cán bộ tiếp quản.