Tin trong nước

Lao động ngành Điện vùng cao: Cần được quan tâm nhiều hơn

Thứ năm, 9/7/2009 | 09:47 GMT+7

Đối với những người làm điện ở vùng cao, thật khó nói hết được những gian truân, vất vả trên hành trình mang dòng điện tới thắp sáng những bản làng, góp sức giúp đồng bào các dân tộc đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu. Trong các chuyến đi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, chúng tôi đã nhiều lần được những người thợ “áo cam” nơi đây tâm sự, giãi bày về nghề, nhất là sự nhọc nhằn, chông gai trong quá trình công tác.

 

Cần sớm bổ sung chế độ đãi ngộ cho người lao động ngành Điện ở vùng cao  (Ảnh: Ngọc Hà)

Trong công tác vận hành, do bán kính cấp điện lớn, khí hậu, thiên tai khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nên lưới điện nhanh xuống cấp, sự cố xảy ra nhiều trên lưới, do đó những người thợ điện thường phải luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, bất kể ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghỉ lễ. Nhiều khi việc khắc phục sự cố, sửa chữa kéo dài nhiều ngày, vị trí sửa chữa ở khu vực hẻo lánh, anh em thợ điện phải ăn ở tại chỗ hoặc tá túc nhờ nhà dân. Trong công tác kinh doanh điện khu vực này, gian nan nhất là công việc thu tiền điện. Nhân viên thu tiền điện thường phải đi hàng chục cây số đường rừng núi mới tới được hộ tiêu thụ. Nhưng nhiều khi tới nơi lại không được việc, thậm chí phải đi lại vài lần mới thu được tiền điện. Lý do là đồng bào dân tộc thường đi làm nương rẫy cả tuần, có khi cả tháng mới về nhà. Đó là chưa kể đồng bào thường chỉ dùng điện để chiếu sáng, nên số tiền điện thu được có khi quá ít, không bù đắp được chi phí xăng dầu, hao mòn phương tiện của nhân viên điện lực. Chưa kể trình độ dân trí cũng như hiểu biết về an toàn điện của đồng bào dân tộc còn hạn chế, nên nhiều khi anh em điện lực gặp phải những chuyện dở khóc dở cười. Chẳng hạn như họ gọi điện báo cho chi nhánh điện tới “xử lý sự cố gấp”, tức tốc đi một quãng đường dài, tới nơi, anh em mới “ngã ngửa” vì “sự cố” chỉ là cái bóng điện dùng lâu ngày nên bị cháy hay hỏng cái công tắc điện…

Gian nan, vất vả là thế, nhưng có một thực tế là chế độ đãi ngộ cho người lao động vùng cao còn hạn chế. Ở nhiều đơn vị vùng cao hiện nay, công nhân vận hành và nhân viên thu tiền điện là những đối tượng thường xuyên phải đi công tác xa, phải tự túc phương tiện và bỏ hầu bao ra để trang trải chi phí đi lại, ăn ở. Trong khi đó, phụ cấp lưu động, lưu trú dành cho họ còn rất thấp. Thực tế này gây thiệt thòi và ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần người lao động. Để giảm bớt khó khăn, đồng thời khích lệ, động viên và tạo động lực cho người lao động vùng cao gắn bó với nghề, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp trong việc bổ sung chế độ đãi ngộ, đặc biệt là tiền phụ cấp lưu động, lưu trú đối với khu vực này. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi số lượng lao động ngành Điện ở vùng nông thôn, vùng cao đang tăng lên xuất phát từ quá trình ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp tới hộ dân nông thôn.

Theo: Tạp chí Điện lực