Nhà máy Điện mặt trời Sê San 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 937 tỷ đồng. Ảnh: EVN
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, địa phương đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn để lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực.
Về điện gió, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung 2 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất 153,5 MW (vào tháng 6/2020 gồm Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật - Đăk Glei công suất 50 MW, Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông công suất 103,5 MW). Tiềm năng phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh Kon Tum là khoảng 6.287,40 MW (tại Đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050).
Về điện mặt trời, Thủ tướng cũng đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII vào cuối năm 2020 đối với Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy Kon Tum (200 MWp); Bộ Công thương bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực vào tháng 9/2017 đối với Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 (49 MWp).
Trong đó, Dự án Điện mặt trời Sê San 4 (tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) đã đưa vào vận hành thương mại vào cuối tháng 11/2020. Dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy Kon Tum (xã Ya Tăng và xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) do Công ty cổ phần Điện mặt trời Ialy Kon Tum làm chủ đầu tư với quy mô vốn đầu tư 4.121 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 2/4/2021 (tại thời điểm tháng 4/2023 đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng).
Tương tự, tiềm năng phát triển điện mặt trời của tỉnh Kon Tum là 18.702,4 MW.
Về tình hình xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng trên địa bàn, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum cũng xây dựng, duy trì thường xuyên các kênh đối thoại để giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của tỉnh.
Cùng với đó, Các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các dự án năng lượng; đã ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về thu hồi đất, đơn giá bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trong đó, có dự án năng lượng.
Link gốc