Sự kiện

25 năm xây dựng và vận hành lưới điện 500kV: Ý chí, khí chất của những người lính truyền tải

Thứ năm, 16/5/2019 | 13:43 GMT+7
Đã có nhiều bài viết xúc động về muôn vàn khó khăn vất vả của những người thợ xây dựng đường dây và công tác vận hành của người lính truyền tải điện đường dây 500kV. 

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 2 làm vệ sinh sứ Hotline trên đường dây 500kV đang mang điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hai mươi lăm năm đã trôi qua, bụi thời gian không phủ mờ được ký ức của những tháng năm ấy, khiến cho mỗi lần nhắc lại những người trong cuộc vẫn cảm thấy rưng rưng.
 
Sức mạnh của ý chí
 
Tết Tân Mùi năm 1991 Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp lãnh đạo Bộ Năng lượng, trong đó có Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, Thủ tướng đặt vấn đề miền Nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam. Những năm 1990, 1991 bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, lúc đó miền Trung chỉ có một số điểm phát điện bằng diezel như Đồng Hới, Liên Trì, và các thị trấn, thị xã khác, đến năm 1990 miền Trung nhận được điện từ miền Bắc chuyển vào qua đường dây Đồng Hới-Huế-Đà Nẵng. Còn miền Nam ngoài nhà máy thủy điện Trị An công suất 440MW, thủy điện Đa Nhim 100MW và một số cơ sở phát điện bằng diezel như Trà Nóc, Thủ Đức… Tổng công suất điện cả miền Trung và miền Nam hồi đó chỉ khoảng trên 1.000 MW điện.
 
Nhận được chủ trương của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã nhanh chóng cho triển khai ngay các thủ tục để xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Nhưng thách thức lớn nhất chính là do địa hình đất nước trải dài hình chữ S đòi hỏi đường dây siêu cao áp 500kV khi thi công sẽ phải lên tới 1.500km, vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, trong lúc đó trên thế giới đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700-800km và phải xây dựng trong 7-8 năm. Thế nhưng, trong bối cảnh hai miền đang cao điểm “khát điện”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thành được trong khoảng thời gian chỉ bằng ¼ thời gian mà thông lệ quốc tế vẫn làm. 
 
Đó là một mệnh lệnh của thời cuộc, có người đã ví như để xây dựng được đại công trình này cần có tinh thần của người lính trên chiến trường, chỉ có ý chí, sự quả cảm, hy sinh để tiến lên phía trước. Cả guồng máy chạy đua với thời gian ngay từ những bước tính toán ban đầu, Bộ trưởng Bộ Năng lượng lập tức giao cho Viện Năng lượng lập báo cáo khả thi, giao Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 chọn phương án thiết kế đường dây và cử cán bộ đi kiểm tra xác định khảo sát địa chất, địa hình kết hợp với Công ty Khảo sát thiết kế Điện 2 và Phân viện thiết kế Điện Nha Trang để tập trung việc khảo sát và xác định tuyến đường dây. Có nhiều phương án lựa chọn, nhưng phương án đường dây đi theo dọc dãy núi Trường Sơn là phương án tối ưu nhất. Bộ Năng lượng mời Công ty Tư vấn PPI (Úc) làm tư vấn cho công trình này. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý để triển khai xây dựng đường dây 500kV. Trong một thời gian ngắn, mọi công việc đã được chuẩn bị một cách khẩn trương và từng bước hoàn thiện.
 
Nhưng thách thức không chỉ nằm ở hạn lệnh 2 năm phải hoàn thành đường dây cao áp 500kV Bắc- Nam, mà điểm gây nhiều tranh luận nhất, cân não nhất chính là yếu tố kỹ thuật. Khi có chủ trương xây dựng đường dây này, một số cán bộ cao cấp và một số nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm không đồng tình, xoáy vào những quan ngại về mặt kỹ thuật giao động ¼ bước sóng (với đường dây dài như vậy thì cuối đường dây điện áp sẽ tăng và không vận hành được); đường dây dài, chủ yếu đi theo đồi núi do vậy vấn đề đảm bảo an toàn không tốt… 
 
Nhưng với tư tưởng và quyết tâm lớn, sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng với đội ngũ chuyên gia hàng đầu, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn kiên định với việc phải triển khai xây dựng bằng được. Trong một cuộc họp Thủ tướng còn phát biểu: “Ai đồng tình thì đứng vào hàng ngũ để cùng đi, ai không đồng tình thì đứng ra ngoài, không được gây cản trở”. 
 
Tầm nhìn thời đại, ý chí kiên định của người đứng đầu Chính phủ chính là yếu tố tiên quyết giúp đặt nền móng, dựng hình hài cho “xương sống” của cả hệ thống điện Việt Nam. 
 
Sự trưởng thành vượt bậc
 

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 sử dụng thiết bị đo phát nhiệt phòng ngừa sự cố tại trạm biến áp 500kV Pleiku. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong lao động, trong gian khó thử thách, sức sáng tạo của người Việt Nam lại bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, như một phép của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Quá trình thi công, xây lắp đòi hỏi phải mua sắm nhiều xe máy thiết bị chuyên dùng. Chỉ mua một bộ thiết bị kéo dây của Nhật Bản đã lên đến khoảng 10 triệu USD, nếu mua sắm đủ để phục vụ cho các cung đường thì khoản tiền đầu tư sẽ đội lên rất lớn. 4 Công ty Xây lắp được giao nghiên cứu tự chế tạo ra hàng loạt thiết bị tương tự với thiết bị nhập của Nhật, với chất lượng tốt để phục vụ công tác thi công kéo dây sau này, tùy chiều dài và mức độ khó khăn của từng cung đoạn để mỗi Công ty Xây lắp tự sáng chế lấy số lượng thiết bị cho mình. Sáng kiến này đã giúp rút ngắn thời gian thi công và tiết kiệm cho ngân sách khoản tiền lớn. Thêm một dẫn chứng nữa cho sức sáng tạo của người lao động Việt Nam. Rồi việc 4 Công ty Xây lắp tự chế tạo trong nước được 40% cột thép cũng cho thấy những nỗ lực trong việc tự chủ, nâng cao năng lực của sản xuất của các các công ty trong nước… 
 
Xét trên bình diện chung, việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công hệ thống đường dây 500kV là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.
 
Trong lĩnh vực nghiên cứu, nhiều vấn đề kinh tế, kỹ thuật rất đặc thù của đường dây đã được xem xét và tranh luận khá sôi nổi, đôi khi gay gắt không những chỉ trong giới chuyên gia kỹ thuật mà cả trong nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Trong số những vấn đề được đề cập cần kể đến là tính thực thi và hiệu quả của công trình; cấp điện áp và loại dòng điện truyền tải; ảnh hưởng của chiều dài đường dây (1487km- gần ¼ bước sóng); tính ổn định và độ tin cậy của hệ thống; bảo vệ đường dây chống các hư hỏng và sự cố về điện; an toàn về mặt xã hội đối với tuyến đường dây mang điện xuyên dọc đất nước qua rất nhiều vùng hiểm trở, hoang vắng…
 
Trong lĩnh vực khảo sát thiết kế, phải thấy rằng đây là lần đầu tiên các kỹ sư và chuyên gia Việt Nam tự lực tính toán, thiết kế phần lớn các hạng mục trọng yếu của một công trình tải điện siêu cao áp từ việc lựa chọn năng lực truyền tải tính toán của hệ thống, kết cấu các loại cột và dây dẫn, tham số các thiết bị bù, nguyên lý và chủng loại các thiết bị bảo vệ cho từng đối tượng trong hệ thống. Mọi chế độ đặc trưng của hệ thống đều được tính toán rà soát nhiều lần và so sánh đối chiếu với kết quả tính toán của chuyên gia tư vấn nước ngoài.
 
Hệ thống truyền tải điện 500kV của Việt Nam đã được tính toán thiết kế trong những ràng buộc rất ngặt nghèo về chiều dài đường dây, về phân bố và dao động điện áp từ chế độ không tải đến đầy tải và mất tải đột ngột, mức độ bù công suất phản kháng và thông số của đường dây, tổn thất công suất và điện năng trên đường dây, dung lượng dòng ngắn mạch và độ nhạy cảm của các thiết bị bảo vệ… Những tính toán này đã được nhiều chuyên gia và tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện kiểm tra lại cũng như thực tế vận hành trong hai năm đầu đưa vào vận hành.
 
Về mặt tổ chức xây dựng phải nói đây là một thành công lớn của ngành điện Việt Nam. Thành công này đã được dư luận trong nước và ngoài nước khẳng định và ca ngợi. Bởi, thông thường ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển đã thực hiện các dự án tải điện xoay chiều 500kV với chiều dài trung bình khoảng 300-500km phải mất khoảng 3-5 năm.
 
Mô hình tổ chức thi công song song trên toàn tuyến với hàng trăm công trường xây dựng làm việc đồng thời đã đặt ra rất nhiều vấn đề khó khăn về cung cấp vật tư thiết bị, giám sát ký thuật, phối hợp tiến độ… Những người chỉ đạo công trình cùng với đội ngũ những người thợ đường dây và xây lắp điện Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ trong hơn 2 năm với khối lượng thi công xây lắp 1.487km đường dây kích cỡ chưa hề có trước đây ở nước ta, 5 trạm biến áp 500kV với 18 máy biến áp tự ngẫu 1 pha cỡ lớn, các dàn tụ bù dọc, các cuộn kháng bù ngang, rơle và thiết bị điều khiển dùng kỹ thuật số, khoảng 1.500km cáp quang với 20 trạm lặp trên toàn tuyến đường dây…. tất cả đều là những thiết bị hiện đại lần đầu tiên được lắp đặt và sử dụng ở Việt Nam.
 
Việc ghép nối với các lưới điện 220kV hiện có, thử nghiệm và chuẩn bị hòa điện vào hệ thống để hợp nhất toàn quốc cũng đã được tính toán và kiểm tra rất chi tiết trước khi “xông điện” đường dây. Nhiều tính toán đã được thực hiện để xác định mức điện áp và trào lưu công suất phản kháng thời gian “chờ” hòa đồng bộ cho từng phương án hòa tại các trạm biến áp 500kV khác nhau. Những lần hòa đồng bộ đầu tiên cho thấy những tính toán này là hoàn toàn chuẩn xác.
 
Để chuẩn bị cho công tác vận hành, Bộ Năng lượng đã hợp tác với khoa Hệ thống điện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở hai lớp chuyên đề dài ngày cho các kỹ sư truyền tải và điều độ tương lai trước khi gửi các kỹ sư này đi tu nghiệp tại Bỉ và Úc. Bộ Năng lượng cũng phối hợp với Hội Điện lực Việt Nam biên soạn các qui trình vận hành cho từng loại thiết bị cũng như điều độ toàn bộ HTTĐ 500kV. Những qui trình này là cẩm nang của các nhân viên vận hành.
 
Hàng chục Hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đã cung cấp một lượng thông tin rất lớn về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực truyền tải điện năng cho các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Việt Nam.
 
Lớn mạnh không ngừng
 
Hai mươi lăm năm qua, kể từ ngày đóng điện vận hành tuyến đường dây mạch 1 dài gần 1.500 km với 5 trạm biến áp và trạm cắt 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, đến nay, đã có 62 đường dây 500kV và 30 TBA 500kV, trong đó, đã khép kín mạch vòng  tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, các dự án đường dây 500kV mạch 3, gồm: NĐ Quảng Trạch - Vũng Áng và SPP 500 kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch; Quảng Trạch - Dốc Sỏi và Dốc Sỏi - Pleiku 2  đang được thi công. Theo kế hoạch, vào giữa năm 2020 sẽ hoàn thành đi vào vận hành, khu vực miền Trung sẽ có 1 mạch khép vòng. Hệ thống điện Việt Nam sẽ có 65 đường dây 500kV.
 
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2005, đường dây 500kV mạch 2 (dài gần 1.200km) đã đồng thời giúp nâng gấp 2 lần năng lực truyền tải điện, góp phần đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện quốc gia.
 
Tiếp đó, gần 450 km đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng đã được xây dựng và hoàn thành vào năm 2014, kịp thời đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam với nhu cầu điện tăng cao liên tục trong những năm gần đây, và theo kế hoạch sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới. 
 
Nếu như tuyến đường dây mạch 1 là bản hùng ca của ý chí và khí chất của con người Việt, thì tiếp nối kỳ tích của mạch 1, mạch 2, rồi mạch 3 đã thể hiện được sự tiếp nối thành công của các thế hệ của những con người đi nối kết mạch điện trên toàn quốc. Đó là sự trưởng thành vượt bậc khi cả hai công trình mạch 2 và mạch 3 đều do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu. Chính câu trả lời từ thực tế đã khẳng định đội ngũ cán bộ kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao. 
 
Nhưng áp lực và đòi hỏi của công việc phải bảo đảm cho hệ thống điện thông suốt, an toàn, ổn định chưa bao giờ dừng lại. Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, gia tăng vị thế chính trị trên trường quốc tế là cơ sở để những kế hoạch tăng trưởng kinh tế cao và sự gia tăng luồng vốn đầu tư trở thành hiện thực. Nhưng điều kiện cần và đủ cho thúc đẩy tăng trưởng không thể thiếu được vấn đề điện năng. Điện cần phải đi trước. 
 
Xác định tầm quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn hệ thống điện quốc gia, lưới điện 500kV đang được tiếp tục đầu tư đồng bộ và hiện đại, có khả năng liên kết với lưới điện của một số nước trong khu vực ASEAN. Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, cho biết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVNNPT là đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của đất nước, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam, sẵn sàng truyền tải điện năng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam đáp ứng yêu cầu. Điều đó đồng nghĩa, đội ngũ cán bộ công nhân viên của EVNNPT trên khắp mọi miền Tổ quốc phải luôn luôn nỗ lực về mọi mặt để vượt qua khó khăn, thách thức về tình trạng quá tải, về nguy cơ sự cố, về điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế để đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống truyền tải điện Quốc gia đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
 
Tại khu vực miền Bắc có 3 mạch khép vòng là: 
 
Mạch 1: Thủy điện Sơn La- TBA 500kV Hòa Bình- TBA 500kV Nho Quan- TBA 500kV Thường Tín- TBA 500kV Phố Nối- TBA 500kV Quảng Ninh- TBA 500kV Hiệp Hòa- Thủy điện Sơn La.
 
Mạch 2: Thủy điện Sơn La- TBA 500kV Hòa Bình- TBA 500kV Nho Quan- TBA 500kV Thường Tín-TBA 500kV Phố Nối- TBA 500kV Đông Anh- TBA 500kV Hiệp Hòa- Thủy điện Sơn La.
 
Mạch 3: TBA 500kV Hiệp Hòa- TBA 500kV Đông Anh- TBA 500kV Phố Nối- TBA 500kV Quảng Ninh- TBA 500kV Hiệp Hòa. 
 
Tại khu vực miền Nam có 1 mạch khép vòng : TBA 500 KV Tân Định- TBA 500kV Cầu Bông- TBA 500kV Phú Lâm- TBA 500kV Nhà Bè- TBA 500kV Phú Mỹ- TBA 500kV Sông Mây- TBA 500kV Tân Định. 
 
Tại khu vực miền Trung sẽ có 1 mạch khép vòng: TBA 500kV Vũng Áng- TBA 500kV Dốc Sỏi- TBA 500kV Pleiku 2- TBA 500kV Thạnh Mỹ- TBA 500kV Đà Nẵng- TBA 500kV Vũng Áng.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn