Lợi ích của điện mặt trời mái nhà

Thứ ba, 26/5/2020 | 14:34 GMT+7
Với đặc điểm khí hậu, thời tiết có cường độ bức xạ năng lượng mặt trời khá lớn nên Đắk Nông là một trong những địa phương sở hữu tiềm năng phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời, trong đó, điện mặt trời mái nhà đang được nhiều khách hàng quan tâm.
Lợi ích của điện mặt trời mái nhà
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Điện lực Đắk Nông trả lời phỏng vấn.

Sau khi đầu tư, lắp hệ thống công tơ hai chiều hòa vào lưới điện, khi thiếu người dân vẫn có thể mua điện của nhà nước, lúc thừa lại có thể bán điện mặt trời thu tiền. Về phía ngành điện hiện đang rất khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời. Để hiểu rõ hơn về thủ tục đầu tư, những ưu đãi khi lắp đặt, phóng viên Đài PT-TH tỉnh Đắk Nông có cuộc trao đổi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Trình, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Điện lực Đắk Nông.
 
PV: Thưa ông, sau gần 10 tháng chờ đợi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định giá mua điện mặt trời mới và sẽ áp dụng từ 22/5. Vậy, cụ thể với Quyết định này, giá mua bán điện mặt trời được tính như thế nào? Với mức giá này thì người dân đầu tư điện mặt trời được hưởng lợi ra sao?
 
Ông Nguyễn Văn Trình:  Ngày 06/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời nổi 1.783 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh. Giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất 1.644 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh. Giá mua điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh (giá mua điện trước đây 9,35 cent/kWh). Mức giá này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
 
Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đang là sự lựa chọn của nhiều hộ gia đình, nhất là trong mùa cao điểm nắng nóng như hiện nay. Không chỉ đem lại lợi ích lâu dài, thân thiện với môi trường, tạo ra dòng năng lượng sạch, người dân còn được hưởng lợi trong việc giảm thiểu đáng kể chi phí điện hằng tháng. Ngoài lượng điện năng sản xuất từ hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái dùng để vận hành các thiết bị điện trong gia đình, thì sản lượng điện còn dư sẽ được tự động hòa vào lưới điện quốc gia, dựa trên chỉ số công tơ điện. Với cách làm này, khách hàng sẽ tiết kiệm điện chi phí tiền điện, bên cạnh đó có thêm thu nhập từ việc bán điện ngược lại cho ngành điện.
 
PV: Vậy thưa ông, đối tượng nào được áp dụng và điều kiện như thế nào để hưởng mức giá trên ?
 
Ông Nguyễn Văn Trình: Theo QĐ 13 của Thủ tướng Chính phủ thì đối tượng áp dụng của Quyết định gồm các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
 
Điều kiện dự án điện mặt trời mặt đất được hưởng mức giá 7,09 UScent/kWh là có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, vận hành thương mại trước 31/12/2020. Các dự án khác được xác định giá mua điện thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh.Với các dự án điện mặt trời mái nhà, để được hưởng mức giá 8,38 Uscent/ kWh (tương đương 1.943 VNĐ/kWh) cao nhất trong các loại hình ĐMT và áp dụng trong 20 năm, dự án phải vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong thời gian từ ngày 1/7/2019 – ngày 31/12/2020.
 
Các mức giá này chưa gồm thuế VAT, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD và áp dụng trong 20 năm từ ngày dự án vận hành thương mại. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/05/2020.
 
PV: Để khách hàng đầu tư lắp đặt thì ngành điện đã có cơ chế khuyến khích phát triển như thế nào?
 
Ông Nguyễn Văn Trình: Để khuyến khích các đơn vị, hộ gia đình đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, ngành điện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, cụ thể như: được Điện lực lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều, cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt (nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đấu nối lưới điện hiện hữu theo quy định). Đối với những hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới và ký hợp đồng trước ngày 1/7/2019 thì được ưu đãi giá mua điện là tiền Việt Nam đồng. Giá điện 9,35 UScents/kWh có giá trị không đổi trong vòng 20 năm. Đối với những hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới từ 1/7/2019, trong khi chờ hướng dẫn của các cơ quan ban ngành về chính sách giá và ký kết hợp đồng, Điện lực vẫn tiến hành lắp đặt công tơ 2 chiều, chốt chỉ số mua bán hàng tháng với khách hàng để có cơ sở thanh toán tiền về sau.
 
Ngoài ra, PC Đắk Nông còn tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp pin mặt trời và có chính sách giảm giá sản phẩm pin mặt trời cho khách hàng lắp đặt; cung cấp thông tin về pin mặt trời và đơn vị cung cấp trên website, facebook,... để khách hàng quyết định có đầu tư điện mặt trời áp mái hay không. Công ty minh bạch thông tin số liệu công tơ 2 chiều được đo xa để khách hàng nắm được sản lượng điện tiêu thụ, điện mặt trời phát lên lưới điện và số tiền ngành điện sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện đã phát lên lưới điện….
 
PV: Ngoài những ưu đãi về giá thì việc đầu tư điện mặt trời áp mái đem lại những lợi ích nào cho người dân cũng như ngành điện?
 
Ông Nguyễn Văn Trình: Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho việc sản xuất điện năng từ ánh sáng mặt trời, Đắk Nông là một trong những tỉnh có cường độ bức xạ mặt trời khá cao, số giờ nắng lên đến 2.600 giờ/năm. Giải pháp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ mang lại một số hiệu quả sau:
 
Thứ nhất, hiện nay, giá điện theo quy định của Chính phủ lũy tiến theo bậc thang, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ góp phần cắt giảm sản lượng điện sử dụng ở các khung giá bậc cao nên sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng rất đáng kể.

Thứ hai, sản lượng điện sản xuất dư, phát lên lưới sẽ được ngành điện mua lại với giá ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Thứ ba, việc lắp đặt các tấm pin trên mái nhà góp phần làm mát và bảo vệ công trình.

Thứ tư, sử dụng nguồn điện mặt trời mái nhà góp phần giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, góp phần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, chung tay bảo vệ, gìn giữ môi trường sống xanh, sạch.
 
Đối với Nhà nước là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao. Mặt khác nếu được khuyến khích phát triển điện mặt trời đồng nghĩa với việc giảm tối đa ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. ĐMTMN có tính chất phân tán và tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát điện mặt trời trùng với cao điểm trưa, điều này giúp giảm tổn thất điện năng do truyền tải và phân phối, nhất là khu đông dân cứ ở cách xa các nguồn phát truyền thống.
 
PV: Tại Đắk Nông việc triển khai lắp đặt điện mặt trời được Công ty Điện lực Đắk Nông triển khai ra sao, đạt kết quả như thế nào?
 
Ông Nguyễn Văn Trình: Đối với tỉnh Đắk Nông, từ khi triển khai chủ trương của ngành điện về việc khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời, đến nay toàn tỉnh đã có 79 hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp tiến hành lắp đặt điện mặt trời (tính riêng các dự án trên 50kWp), ngoài ra còn hơn 60 đơn đề nghị thỏa thuận đấu nối.

Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, Công ty đã phát triển mới hơn 34 khách hàng với công suất lắp đặt là 18,2 MWp, sản lượng điện năng các hệ thống ĐMTMN đã phát lên lưới là hơn 6,7 triệu kWh.

Theo thống kê của PC Đắk Nông, như trường hợp của Công ty TNHH MTV Hà Sơn Đắk Nông ở tổ 04, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô đã hòa lưới ngày 31/12/2019 với công suất 100 kWp, sản lượng điện bán cho ngành điện 03 tháng đầu năm 2020 là 26.070 kWh. Với chi phí ban đầu là 1 tỷ 400 triệu đồng theo giá dự thảo thì hàng tháng thì Công ty thu về được là hơn 26 triệu đồng/tháng từ việc bán điện cho ngành điện.
 
PV: Ngành điện đã làm gì để khuyến khích khách hàng tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà? Trình tự, thủ tục đấu nối và mua điện được thực hiện như thế nào?
 
Ông Nguyễn Văn Trình: Để khuyến khích khách hàng tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà: Công ty Điện lực Đăk Nông luôn đồng hành cùng với quý khách hàng tiến hành khảo sát hiện trường, tư vấn cho khách hàng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thỏa thuận đấu nối cho các khách hàng đủ điều kiện thỏa thuận theo các quy định hiện hành.
 
Khi nhận được đề nghị bán điện từ dự án ĐMTMN, Công ty Điện lực Đăk Nông tiến hành lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều, thực hiện hỗ trợ kiểm tra chất lượng điện năng miễn phí, kiểm tra dự án theo quy định của EVN, EVNCPC.
 
Về các quy trình thủ tục đấu nối bán điện:
 
- Đăng ký nhu cầu lắp đặt dự án MTMN
 
- Điện lực khảo sát và thỏa thuận đấu nối (kiểm tra vị trí có đáp ứng đấu nối vào lưới không).
 
- Đầu tư lắp đặt điện mặt trời.
 
- Gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án điện mặt trời mái nhà
 
- Điện lực kiểm tra thông số kỹ thuật của dự án xem đủ điều kiện nối lưới chưa, có cần khắc phục gì không?
 
- Điện lực lắp đặt công tơ 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư
 
Các bước thanh toán điện của điện lực cho chủ đầu tư:
 
- Ghi số công tơ
 
- Thông báo chỉ số công tơ cho chủ đầu tư
 
- Chủ đầu tư xác nhận thông tin (xuất hóa đơn nếu là công ty).
 
- Điện lực in bản kê thanh toán tiền điện và lấy chữ ký xác nhận của chủ đầu tư 
 
- Điện lực chuyển khoản tiền điện cho chủ đầu tư.
 
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Link gốc
Theo: CPC