Công nhân đang xử lý tổ ong trên các cột điện.
Khác hẳn với các cuộc diễn tập khác, cuộc diễn tập lần này là những việc làm thật, phải thực hiện một cách hoàn chỉnh, không được phép xảy ra sai sót, dù đó là một sai sót nhỏ. Ban chỉ huy PCLB Công ty lấy việc “sửa chữa lớn đường dây cho khách hàng” làm nội dung diễn tập PCLB năm 2012. Với khối lượng công việc nhiều, tính chất cấp điện nghiêm ngặt, Công ty phải huy động trên 300 CBCNV của các chi nhánh thuộc Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc tham gia tại đường dây 171, 172 nhánh rẽ trạm 110 kV, E4.2 cấp điện cho Nhà máy Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, Phú Thọ. Lần đầu tiên được đầu quân ra tuyến, lại được tham gia cuộc diễn tập lớn nên đối với tôi là “lính mới” không tránh khỏi háo hức và mong đợi. Bởi đây không chỉ là một chuyến đi thực tế, một trải nghiệm thú vị mà còn là cơ hội cho tôi có những góc nhìn và cảm nhận về người công nhân đường dây.
Kiêm luôn nhiệm vụ đảm bảo công tác hậu cần cho mọi người, tôi tranh thủ quan sát công việc cụ thể của những người thợ điện. Khó khăn bắt đầu bởi không đơn giản như tôi nghĩ là xe chạy ù một cái là tới nơi. Xe không thể leo được những đoạn đường đồi núi, dốc đá lởm chởm và nguy hiểm. Tất cả mọi người xuống xe cuốc bộ tiếp tục chặng đường. Cột điện nằm rải rác trên nhiều địa hình: đồng ruộng, bãi nghĩa địa, trên đỉnh đồi. Mặc cỏ may dính đầy quần, đến chân cột tôi đã thở hổn hển. Tôi nhanh tay với lấy chiếc dây từ trên cột thả xuống để tiếp nước cho anh em đang làm việc trên cao. Đứng dưới chân cột, tôi như một đứa trẻ ngước hết cổ, nhìn lên với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Hình ảnh người công nhân đang treo mình trên cột điện cao chót vót trông thật ấn tượng. Tôi cứ nghĩ, khi ra tuyến công việc sẽ được cả nhóm đông người cùng làm. Thực tế thì mỗi người làm một vị trí. Những người công nhân điện vắt vẻo trên cao, mong manh trong chiếc áo vàng cam ngành Điện. Một niềm cảm thương dâng trào. Thời tiết đang vào mùa lạnh, đứng dưới này tôi đã run theo những đợt gió rồi, còn các anh đang treo mình trên những cột điện trống trải. Hướng tầm mắt ra xa, tôi ngạc nhiên khi thấy một đốm lửa lơ lửng trên đỉnh cột. Hỏi anh Nguyễn Việt Hải (Chi nhánh Lưới điện Phú Thọ) đứng kề bên mới biết: Có một số cột, ong vò vẽ làm tổ khuất trong mặt bích nên phải dùng thuốc diệt muỗi, giẻ tẩm dầu đốt đuổi ong mới có thể thực hiện tiếp công việc. Qua tìm hiểu, tôi còn biết thêm là không chỉ trên đỉnh cột mà các tuyến ngang qua núi rừng cây cối rậm rạp, nếu không để ý, công nhân bị ong đốt là chuyện thường tình. Đồng nghiệp anh là Phạm Văn Hùng (Chi nhánh Lưới điện Phú Thọ) cũng đã phải nhập viện vì bị ong đốt, đó là chưa kể gặp phải rắn, rết và bao thứ hiểm nguy khác... Bất giác tôi rùng mình. Quả thật công việc đi tuyến không hề đơn giản.
Sợi dây điện dài chùng xuống ao. Cho dù nước ao bẩn, thời tiết lạnh lẽo, anh Lò Văn Tươi (Chi nhánh Lưới điện Hà Giang) vẫn dầm mình xuống để nâng dây lên cho đồng nghiệp kéo. Ướt sũng, lấm lem bùn đất, anh không khác gì một nông dân thứ thiệt. Nếu không có bộ quần áo da cam để trên bờ, chắc tôi lại tưởng đây là ông Hai lúa. Ghi vội tấm hình người công nhân hai tay giơ dây điện lên cao mà trong tôi biết bao cảm xúc. Đưa anh chai nước tôi lo lắng “Chân anh bị chảy máu kìa!”. Anh khua tay: “Chẳng hề chi, đỉa cắn ấy mà...”. Mọi người xung quanh cười: “Thợ điện phải sông nước cho quen, phải thích nghi với mọi hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ”. Nhìn các anh miệt mài và hăng say làm việc từ tờ mờ sáng đến trưa, người dân xung quanh tò mò:
- Thế các chú thợ điện không nghỉ ăn cơm à?
- Dạ! Bọn cháu tranh thủ làm luôn để đảm bảo đóng điện kịp thời bác ạ!
- Các anh thợ điện giỏi ghê hì!
Tôi thấy anh giám sát kỹ thuật cười. Công nhân thợ điện cũng là người, dù là trưa nắng nóng của mùa hè hay cái lạnh của mùa đông, ai cũng muốn được nghỉ ngơi nhưng tất cả vì công việc. Âm thầm trong những luồng gió mùa thổi từng hơi thở lạnh lẽo, các anh vẫn khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ được giao với mong muốn trả lưới đúng giờ.
Chừng giờ tan tầm buổi trưa, một cô gái thợ điện vẫn đang đứng vẫy cờ làm nhân viên cảnh giới. Công việc như quá tầm kiểm soát đối với cô gái nhỏ bé khi người đi lại quá đông. Thì ra, công việc cảnh giới cũng chẳng hề đơn giản. Bất chấp những lời cảnh báo, một số xe máy vẫn muốn vượt. Nhìn người đi đường khăn mũ, áo phủ kín cả người, tôi càng cảm phục cô thợ điện nhỏ, không khẩu trang, không ngại nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người đi đường…
Bữa trưa muộn lúc 4h chiều khi công việc đã hoàn tất. Bụng tôi réo rắt mạnh hơn trong cái lành lạnh của chiều cuối năm. Vậy mà nụ cười vẫn rạng ngời trên những khuôn mặt trẻ, anh Nguyễn Văn Thắng (Chi nhánh Lưới điện Lạng Sơn) chia sẻ “Lúc đầu mới vào thì không quen, nhưng giờ thì quen với giờ giấc thất thường này rồi, với người thợ điện thì khi nào trả lưới xong đúng giờ thì mới đến giờ ăn cơm vậy”. Thế nên dù vất vả, mệt mỏi nhưng tôi thấy nét mặt, ánh mắt từng người lấp lánh niềm vui bởi hoàn thành xong nhiệm vụ. Có lẽ với những thợ điện đi tuyến, đây là công việc quá đỗi bình thường, nhưng với tôi – một công nhân điện mới vào nghề thì đây là một chuyến đi đáng nhớ.