Sự kiện

Tăng giá điện để bù đắp chi phí

Thứ bảy, 22/12/2012 | 11:20 GMT+7
Ngày 20-12, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2012/TT-BCT Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 22-12-2012, giá bán điện bình quân là 1.437 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 68 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.369 đ/kWh). Việc điều chỉnh giá điện lần này là để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện. 


Việc tăng giá bán điện 5% so với giá bình quân đang áp dụng lần này cho thấy có tăng nhưng ở mức kiềm chế. Ảnh minh hoạ: Ngọc Hà

Cơ bản giải quyết các khoản nợ
 
Theo Thông tư số 17/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện, kể từ ngày 1-7-2012, thì các khoản chi phí còn treo lại chưa tính vào giá bán điện  gồm: 26.600 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá; tăng giá bán than 40% tương đương tăng chi phí sản xuất điện 900 tỷ đồng; tăng giá khí bao tiêu của mỏ Nam Côn Sơn và Bạch Hổ khoảng 3.800 tỷ đồng
 
Để thực hiện giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất từng bước tiến tới không thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện, giữ ổn định giá bán điện cho người sử dụng điện tiết kiệm bằng hoặc dưới 50kWh/tháng, hạn chế tác động giá điện đối với các hộ sử dụng đến 100kWh/tháng, tăng giá bán điện được áp dụng từ ngày 22-12-2012 điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện theo hướng tăng giá bán cho các ngành sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt từ nấc thang thứ 3 từ 101-150 kWh/tháng trở lên theo cơ cấu tối đa cho phép theo Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ so với giá bán bình quân, tăng ở mức thấp hơn vào nấc thang 0-100kWh. Cụ thể: tăng giá bán cho các ngành sản xuất 4,9%; tăng giá bán cho các cơ quan hành chính sự nghiệp 5%; tăng giá bán cho mục đích kinh doanh 5% và đối với giá bán điện sinh hoạt, giá bán buôn cho điện nông thôn, cho khu tập thể cụm dân cư, sinh hoạt chung cư cao tầng thì để không ảnh hưởng đến người nghèo, tiếp tục giữ nguyên như giá bán điện hiện hành đối với hộ sử dụng điện từ 0-50kWh.
 
Căn cứ vào dự báo sản lượng điện thương phẩm năm 2013 khoảng 115 tỷ kWh,  đánh giá tác động của việc tăng giá điện 5% so với giá bình quân đang áp dụng thì các ngành sản xuất sẽ tăng chi phí khoảng 3.000 tỷ đồng; cơ quan hành chính sự nghiệp tăng chi phí khoảng 100 tỷ đồng; các đơn vị kinh doanh dịch vụ tăng chi phí khoảng 200 tỷ đồng.
 
Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, hộ sử dụng 50kWh/tháng không bị tác động từ tăng giá điện lần này do ở tiêu thụ điện ở mức này được giữ nguyên giá bán điện là 993đ/kWh. Hộ sử dụng 100kWh tăng chi 6.600 đồng; hộ sử dụng 150kWh/tháng tăng chi 11.000 đồng; hộ sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 16.200 đồng; hộ sử dụng 300kWh/tháng tăng chi 27.000 đồng; hộ sử dụng 400 kWh/tháng  tăng chi 38.200 đồng.
 
Với việc tăng giá bán điện 5% so với giá bình quân đang áp dụng lần này cho thấy có tăng nhưng ở mức kiềm chế do chỉ phân bổ 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, bù đắp phần tăng chi phí do tăng giá than đợt 15-9 vừa qua khoảng 900 tỷ đồng, tăng giá khí vượt bao tiêu 3.800 tỷ đồng. Còn khoản 23.600 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá vẫn còn treo lại chưa được tính vào giá điện theo Thông tư số 38/2012/TT-BCT. Theo tính toán của các ngành chức năng giá điện bình quân của Việt Nam hiện là 6,5 cent; trong khi tính đúng, tính đủ chi phí, mức giá vào khoảng 8,5- 9 cent.
 
Đảm bảo điều kiện vay vốn 
 
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện Bộ Tài chính đang tính toán để tiếp tục điều chỉnh giá than cho điện trong thời gian tới, nhằm đảm bảo cho ngành than có nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất, đảm bảo than cho nền kinh tế và đảm bảo đời sống cho người lao động. Thêm vào đó, giá khí cho điện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh theo lộ trình, đảm bảo từ 1-3-2016 trở đi, giá khí vượt bao tiêu sẽ tăng thêm 2%/năm.
 
Với mức tăng trưởng phụ tải năm 2013 khoảng là 11%/năm (tương đương sản lượng điện thương phẩm 113 tỷ kWh) hay 13%/năm (tương đương sản lượng điện thương phẩm 115 tỷ kWh) mà ở miền Trung tiếp tục tình trạng không có mưa như hiện nay thì trong năm 2013, EVN có thể phải đổ dầu để phát khoảng 1,5 tỷ kWh điện phục vụ nền kinh tế và như vậy chi phí phát điện sẽ tăng từ 6.000-7.000 tỷ đồng.
 
Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII, từ nay đến năm 2030, mỗi năm sẽ đưa 5.000 MW nguồn mới vào vận hành và xây dựng các công trình trạm, đường dây đồng bộ với tổng vốn đầu tư cho tới năm 2020 là khoảng 5 tỷ USD, từ năm 2020 tới 2030 khoảng 60 tỷ USD. Vì vậy, nếu SXKD của EVN rơi vào tình trạng thua lỗ như năm 2010, 2011 sẽ khó khăn vay vốn để tiếp tục triển khai các dự án. EVN cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, hiện Tập đoàn chỉ thu xếp được đạt khoảng 60%.
 
 
Thanh Mai