Công trình Thủy điện Sơn La - đêm trước ngày khánh thành. Ảnh: Ngọc Hà
Hành trình về đích
Bảy năm trôi qua, kể từ ngày ngày khởi công xây dựng công trình, Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á có tổng công suất lắp đặt 2.400MW đã đi vào vận hành và chính thức khánh thành vào ngày 23-12-2012 và cũng là 7 năm Tập đoàn điện lực Việt Nam luôn sát cánh cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân của các nhà thầu Tập đoàn Sông Đà, LICOGI, LILAMA, Tổng công tư xây dựng Trường Sơn, tư vấn thiết kế…thi công các hạng mục công trình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, 6 tổ máy phát điện đều vượt tiến độ đề ra. Dự án được về đích trước 3 năm so với yêu cầu của Quốc hội, làm lợi hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước.
Thành công của dự án là sự kết tinh của tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo và sức mạnh trí tuệ của người Việt Nam. Thủy điện Sơn La là dự án do người Việt Nam làm chủ tất cả các khâu từ chỉ đạo, thiết kế, thi công, quản lý đến vận hành, với sự trợ giúp rất ít chuyên gia nước ngoài ở khâu thiết kế và tổ chức thi công. Nếu như ở công trình thủy điện Hòa Bình, lúc cao điểm gần 900 chuyên gia nước ngoài thì ở công trình thủy điện Sơn La chưa đến 30 chuyên gia nước ngoài.
Nguồn vốn đầu tư dự án do trong nước tự thu xếp; thiết bị cơ khí thủy công, cầu trục gian máy với sức nâng hơn 560 tấn và một số thiết bị công nghệ khác đã được các doanh nghiệp trong nước chế tạo. Công trình thủy điện Sơn La thành công đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ, công nhân thủy điện nói riêng. Kinh nghiệm thành công từ thủy điện Sơn La đang được tiếp tục phát huy ở công trình thủy điện Lai Châu và các công trình quan trọng khác.
Sông Đà - con sông lớn nhất miền Bắc Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng kinh tế lớn nhất. Chỉ riêng về mặt năng lượng của dòng chính và các nhánh chủ yếu, chưa tính các thủy điện như (công suất lắp dặt nhỏ hơn 30MW) thực tế đã và đang khai thác sản lượng điện 27,6 tỷ kWh với 6.778MW công suất đặt, chiếm gần 50% trữ năng kinh tế thủy điện cả nước. Vì vậy, thủy điện Sơn La cùng với thủy điện Hòa Bình, Nậm Chiến 2 đang vận hành và năm 2016, khi thủy điện Lai Châu vào vận hành, sẽ hoàn thành khai thác toàn bộ bậc thang với tổng điện năng là 27.674 triệu kWh, vượt so với mức năng lượng bậc thang được duyệt là 1.212 triệu kWh.
Qua nghiên cứu tính toán cho thấy, khi chưa có các hồ chứa Sơn La và Tuyên Quang, hai hồ chứa Hòa Bình và Thác Bà chỉ đảm bảo chống lũ tần suất 300 năm và chỉ khi có hồ chứa Sơn La với dung tích phòng chống lũ 2 hồ Hòa Bình và Sơn La là 7 tỷ m3 thì mới đảm bảo chống lũ tần suất 500 năm xuất hiện một lần tại tuyến Sơn Tây. Nhiệm vụ điều tiết nước, cấp nước cho đồng bằng Bắc bộ vào mùa kiệt được coi như cơ bản thực hiện theo quy hoạch bậc thang đã duyệt. Tổng dung tích hữu ích các hồ chứa lớn đã xây dựng đến nay là 13.806.106 m3, vượt 2.252 m3 (gần 20%) so với dung tích hữu ích các hồ bậc thang đã được duyệt.
Nhờ sự điều tiết nước linh hoạt của hồ Hòa Bình và Sơn La đã tạo điều kiện vận chuyển bằng đường thủy hàng hóa có trọng tải lớn với trọng lượng tới 280 tấn từ cảng Hải Phòng đến Sơn La. Điều này cho thấy năng lực vận tải thủy chưa từng có trên sông Đà.
Đường lên Tây Bắc hôm nay…
Thuở nhỏ, mỗi lần nghe bài “Đường lên Tây Bắc” qua giọng hát các ca sĩ, những luống cày, nương lúa… lại hiện ra trong tâm trí non trẻ của tôi. Những câu ca trầm hùng càng thôi thúc tôi trong cuộc hành trình gặp lại dấu chân cha ông, “Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng; Đằng xa tiếng hát dân quân tiếng reo lưng đồi nương” và lần đầu tiên tôi đặt chân Tây Bắc là chuyến đi theo anh em khảo sát dự án thủy điện Sơn La và như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tôi gắn bó với công trình này từ những ngày ấy, tính đến nay đã hơn 10 năm.
Đứng giữa đất trời mênh mông, mây trắng bồng bềnh vùng Tây Bắc, với cảm xúc của một người gắn bó với công trình thế kỷ này, trong ngày lễ trọng đại khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La, mọi thứ ở nơi đây như được tỏa sáng, một ánh sáng mộc mạc và bình dị.
Cuối tháng 12, ruộng bậc thang vẫn còn nét duyên khi lúa đã gặt, vài mái nhà cheo leo trên vách núi, hiện ra bình yên giữa núi rừng. Một bức tranh chỉ cảm nhận bằng trái tim. Những công trình kiến trúc kỳ vĩ của vùng núi phía Bắc do những nông dân vô danh đã tạc vào sườn đồi từ hàng trăm năm nay và hôm nay, những người công nhân thủy điện lại tiếp tục tạo lên cho Tây Bắc sự kỳ vĩ từ công trình thế kỷ- thủy điện Sơn La.
Khu tái định cư Phiên Luông đã có trường học, nhà mẫu giáo, trạm y tế, nhà nào cũng có điện và nước sạch…Người dân Phiên Luông đã ổn định sản xuất và đang chuẩn bị vụ mùa. Từ một tẩm cao, nhìn về những khu tái định cư của công trình thủy điện Sơn La có thể nhìn thấy những vạt nắng, sáng một phía bên sườn đồi. Cũng vạt nắng đó, tiếp tục sáng cả vùng ruộng bậc thang ở tầm thấp hơn, để có thể nhìn thấy mái nhà khi ẩn khi hiện dưới làn khói lam. Gió đầu đông se se lạnh, nghe như là hơi thở của núi đồi.
Khu tái định cư thị xã Mường Lay hiện ra như trong huyền thoại. Ở đây không có những ngôi nhà xây cùng một mẫu như thường thấy ở các bản tái định cư khác. Người ta gọi là “tái định cư theo chiều thẳng đứng” là bởi phải bạt núi, vận chuyển đất đá, nâng độ cao của vùng lên 20-30m so với nền thị xã cũ đã chìm trong lòng hồ. Có thể hiểu đơn giản, thay vì chuyển đến nơi ở khác, người dân ở đây “nhấc” ngôi nhà cũ của mình lên vị trí cao hơn. Ý tưởng của lãnh đạo hợp với lòng dân, nên từ 450 hộ ban đầu, nay số hộ tái định cư ở đây đã lên hơn 2.000 hộ. Tôi như hòa mình vào cuộc sống nơi này. Con đường mòn uốn mình ẩn mình bên dãy núi. Nhìn từ xa, những con người nhỏ xíu, những trang phục, những khăn choàng đầu đa sắc. Ven đường, những đứa trẻ theo mẹ chơi đùa bên chiếc gùi, nồi cơm và cả mớ rau để chuẩn bị bữa ăn tại chỗ.
Chào nhé Tây Bắc, chào những người công nhân thủy điện làm lên kỳ tích dân tộc, viết lên bản hùng ca để Tây Bắc mãi vang khúc mến yêu./