Chỉ tiêu lợi nhuận
Thu nhập dòng hay lợi nhuận sau thuế có thể được xem xét bằng tổng lợi nhuận hay xét trên một đơn vị CP (EPS). Một Cty có sự gia tăng về tốc độ tăng trưởng thu nhập khi tốc độ tăng trưởng thu nhập của quý sau cao hơn quý trước.
Một CP tốt có tốc độ gia tăng về tăng trưởng thu nhập cao hơn so với 3 hay 4 quý trước liền kề. Tăng trưởng của chỉ số thu nhập ít nhất là 25% so với cùng quý của năm trước. EPS hàng năm của CP tốt ít nhất phải tăng trưởng 25% so với 3 năm trước đó.
Theo cách nghĩ thông thường thì nên chọn mua những CP có P/E thấp (P/E: Chỉ số giá chia cho thu nhập của mỗi CP), và cho rằng những CP có chỉ số này cao là đắt và không nên mua.
Thực tế cho thấy, những CP tốt nhất thường có chỉ số này cao. Nên chọn CP của những Cty thua lỗ trước khi Cty đó trở lại trạng thái có lãi khi các nhà đầu tư khác phát hiện ra nó.
Một số tiêu chí chọn lựa CP căn cứ vào chỉ tiêu lợi nhuận bao gồm: Dựa vào thực hiện thu nhập quan trọng hơn thu nhập dự kiến; lựa chọn những Công ty có tốc độ tăng trưởng thu nhập ít nhất 25% ở quý gần nhất; lựa chọn Cty có sự gia tăng về tốc độ tăng trưởng thu nhập ở 3 hay 4 quý gần nhất; lựa chọn Công ty có thu nhập hàng năm tăng trưởng ít nhất 25% so với mỗi năm của 3 năm trước.
Lượng hàng bán (doanh thu)
Lượng hàng bán là chỉ tiêu quan trọng nhất để đo lường một Công ty có sức mạnh hay không và là nhân tố chính của tăng trưởng. Khi chọn lựa CP tốt hãy tìm Công ty có tốc độ bán hàng mạnh để làm tiền đề cho tăng trưởng thu nhập.
Một số biểu hiện có thể xem xét khi một Công ty gia tăng lượng hàng bán như nhiều khách hàng hơn, khách hàng tăng lượng mua, Công ty giới thiệu sản phẩm mới hoặc thâm nhập vào thị trường mới, Công ty cải thiện sản phẩm cũ.
Tiêu chí để xác định Công ty có tăng trưởng bán hàng tốt nếu 3 quý gần nhất có sự tăng lượng hàng bán lớn hơn hoặc bằng 25% so với quý gần nhất trước đó.
Cần xem xét kỹ chỉ tiêu doanh thu vì đôi khi lượng hàng bán vẫn ẩn chứa những vấn đề. Công ty có thể quá phụ thuộc vào một số khách hàng, phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng hay quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.
Với những nhà bán lẻ, nếu mở thêm một cửa hàng mới cũng làm tăng thêm lượng hàng bán ngay cả khi lượng hàng bán ở những cửa hàng cũ đang xấu đi.
Cũng cần lưu ý đến việc Công ty thêm vào lượng hàng bán được mà thực tế nó chưa xảy ra, hay các đơn đặt hàng mà không được chuyển đi hay chưa thu được tiền bán đã được hạch toán làm gia tăng lượng hàng bán.
Chỉ tiêu lợi nhuận/doanh thu
Lợi nhuận dòng đánh giá tỉ lệ chuyển doanh thu thành thu nhập. Trên quan điểm của nhà đầu tư, nên tìm những Công ty có sự tăng về tỉ lệ lợi nhuận dòng/doanh thu. Con số này càng lớn thì Công ty có sự tốt lên về quản lý và có sự tốt lên trong các hoạt động.
Lợi nhuận dòng có thể là đầu mối chủ yếu tìm CP để mua và nên so sánh chỉ số này giữa các Công ty có ngành nghề tương đồng. Tiêu chí để xác định cho chỉ tiêu này là lợi nhuận trước thuế ít nhất đạt 18% doanh thu. Yêu cầu lợi nhuận sau thuế luôn đạt 10% trở lên.
Tuy nhiên, cũng cần phải xét cả những chỉ tiêu cơ bản khác như tăng truởng thu nhập. Mức tăng về lợi nhuận dòng sẽ ít đi nếu doanh thu giảm, ngoại trừ có sự thay đổi về chiến lược của Công ty khi cắt giảm những dây chuyền sản xuất không hiệu quả. Nếu lợi nhuận có xu hướng giảm, đó có thể là tín hiệu cho thấy Công ty đang đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Đây là chỉ tiêu phổ biến nhất để đánh giá sự hiệu quả của hoạt động tài chính đóng góp cho sự phát triển của Công ty. ROE cho biết Cty sử dụng tiền của cổ đông có tốt hay không. Chỉ số này tăng cao hàng năm phản ánh tiềm năng tăng lợi nhuận và quản lý hiệu quả.
Nói chung, nên tránh những Công ty có chỉ số này nhỏ hơn 17%. Hầu hết mọi ngành, chỉ số này của những Cty hàng đầu thường đạt trong khoảng 20% đến 30%, cá biệt có những Công ty đạt trên 40%. Chỉ số này có xu hướng cao lên theo thời gian do việc áp dụng những công nghệ mới đã cắt giảm chi phí và nâng cao năng suất.