Diễn đàn năng lượng

Một số yếu tố tác động đến giá trị doanh nghiệp

Thứ sáu, 2/1/2009 | 15:57 GMT+7
Có nhiều yếu tố tác động đến giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau chúng tôi giới thiệu đến các bạn 4 yếu tố chính tác động đến giá trị doanh nghiệp gồm: Khả năng sinh lợi của DN và xu thế tăng tưởng trong tương lai; Tình hình tài chính; Tài sản hữu hình và tài sản vô hình của DN; Yếu tố con người.

1. Khả năng sinh lợi của DN và xu thế tăng trưởng trong tương lai: đầu tư có nghĩa là mua tương lai và là hoạt động có tính rủi ro. Chỉ có xu thế tăng trưởng của lợi nhuận mà DN tạo ra trong tương lai cao hơn mức lợi tức hiện tại mới hấp dẫn được nhà đầu tư. Nói cách khác, khi định giá trị tài sản DN để đầu tư, thực chất nhà đầu tư không mua tài sản đó mà muốn sở hữu dòng thu nhập do tài sản đó mang lại cho họ trong tương lai. Tuy nhiên, một trong những đặc tính khó đo lường và mô tả nhất của DN là khả năng sinh lợi. Tất nhiên, nhà đầu tư có thể đo lường khả năng sinh lợi dựa trên số liệu kế toán trong quá khứ và hiện tại, nhưng rất nhiều cơ hội kinh doanh đòi hỏi việc hy sinh lợi nhuận hiện tại để nhận được mức lợi nhuận lớn hơn rất nhiều trong tương lai. Do vậy, lợi nhuận hiện tại có thể là một sự phản ánh sai lệch của khả năng sinh lợi trong tương lai. Mặt khác, sẽ là sai lầm nếu kết luận hai DN có mức lợi nhuận hiện tại bằng nhau sẽ có khả năng sinh sinh lợi như nhau, nếu hoạt động kinh doanh của một DN có mức rủi ro cao hơn.

2. Tình hình tài chính: một DN có tình hình tài chính lành mạnh sẽ làm giảm rủi ro của đồng vốn đầu tư, hay nói cách khác, nhà đầu tư đánh giá cao các cơ hội đầu tư tương đối an toàn. Trái lại, những DN có tiềm lực tài chính yếu thường gắn với rủi ro cao, nhất là khi DN muốn mở rộng phát triển hoặc triển khai các dự án đầu tư. Nhà đầu tư trả giá thấp để có thể đạt được một tỷ suất lợi nhuận cao bù đắp cho mức rủi ro mà họ có thể phải gánh chịu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân biệt rõ tình hình tài chính của DN mới thành lập khác biệt với DN đã hoạt động lâu năm.

3. Tài sản hữu hình và tài sản vô hình của DN: tài sản hữu hình của DN bao gồm nhà xưởng, máy móc, cơ sở hạ tầng… Như vậy, máy móc, trang thiết bị cũ hay mới, trình độ công nghệ hiện đại hay lạc hậu… đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ hiện tại và tương lai, cũng như khả năng cạnh tranh sản phẩm của DN trên thị trường. Điều này sẽ quyết định thị phần của DN và trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư.

Song song với tài sản hữu hình là tài sản vô hình. Thương hiệu, bản quyền, bí quyết kỹ thuật, uy tín... là những tài sản vô hình phổ biến của DN. Mặc dù tài sản vô hình không có hình thái vật chất cụ thể như các trang thiết bị máy móc nhà xưởng khác của DN, nhưng nó lại rất có giá trị và có thể trở thành yếu tố quan trọng trong sự thành công hay thất bại của DN. Nếu như trước đây, tài sản hữu hình thường được coi là thước đo giá trị và tính cạnh tranh của DN trên thị trường thì hiện nay, cách hiểu này đã thay đổi đáng kể và tài sản vô hình đang dần trở thành yếu tố quyết định giá trị của DN.

4. Yếu tố con người: mặc dù, trong thời đại ngày nay, công nghệ đã trở thành một trợ thủ đắc lực trong quản lý trên mọi phương diện. Tuy nhiên, công nghệ dù có hữu dụng đến mấy cũng không đem lại những biến đổi tích cực, nếu con người không sẵn sàng hoặc không có khả năng ứng dụng một cách hiệu quả. Con người chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định giá trị DN. Đặc biệt, các nhà quản trị DN trở thành một trong những yếu tố rất đáng quan tâm khi xem xét đầu tư vào một cổ phiếu của DN. Một ban lãnh đạo tài năng được xem như là xương sống của bất kỳ DN thành công nào. Lãnh đạo có tài có thể đưa DN vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu được xã hội ghi nhận và ngược lại. Thế nhưng, vấn đề định giá ban lãnh đạo DN thật sự là việc làm rất khó, bởi có thể nói rằng, yếu tố con người, nhất là các vị trí quản trị cấp cao được xem là tài sản vô hình lớn nhất của DN, mà việc định giá tài sản vô hình luôn luôn là một việc không hề đơn giản.

Theo: HSSC