Lưới điện trên địa bàn CNĐ Núi Thành quản lý bị thiệt hại nặng do bão số 9
“Chiến trận” trên Cửa Lở - Trường Giang
Sự cố vào loại nan giải nhất của Chi nhánh là đứt đường dây trung áp 22 kV khoảng vượt Cửa Lở sông Trường Giang cấp điện cho xã Tam Hải (Núi Thành - Quảng Nam). Anh Trần Minh Lập – Phó Chi nhánh điện Núi Thành, quần xắn quá gối, tất tả đưa chúng tôi lên chiếc ghe máy ngược ra sông để nhìn lại những hoang tàn sau trận “đại chiến” không cân sức với thiên tai…
Xã Tam Hải nhìn ra biển, sau lưng là tròng trành sông ấy, hiện ra trước mắt chúng tôi như một hòn đảo đơn độc giữa bốn bề sóng nước. Người dân nơi đây vừa trải qua một trận bão kinh hoàng, cửa nhà, vườn tược xác xơ. Đường dây điện 22 kV khoảng vượt Cửa Lở được xây dựng từ năm 2004 cấp điện cho xã biển đã bị tàn phá, dây đứt, chỉ còn những cột thép trơ trọi…
Ngay sau khi bão còn rơi rớt, Chi nhánh điện Núi Thành đã khẩn trương triển khai các phương án khắc phục hậu quả. Ưu tiên cho phụ tải các cơ quan hành chính phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của địa phương và phụ tải công nghiệp, nhưng Chi nhánh cũng xác định, điện cho nhân dân xã biển Tam Hải cần được quan tâm và triển khai xử lý sự cố nhanh chóng, bởi người dân nơi đây phải sống trong điều kiện bị chia cắt với đất liền mà lại mất điện thì khó khăn sẽ càng chồng chất.
Trước yêu cầu khẩn trương khôi phục lưới điện trong điều kiện nhân lực của đơn vị phải trải mỏng trên khắp địa bàn, Chi nhánh điện Núi Thành đã thuê Công ty TNHH Xây lắp điện Tân Bình thực hiện thi công. Công ty này đã huy động hơn 30 công nhân khẩn trương vào cuộc. Khoảng vượt dài đến 670 mét qua 3 khoảng cột, cột cao nhất đến 39 mét, 2 cột néo cao 26 mét - vượt sông Trường Giang đang cuộn trào trong mùa lũ. Trong khi đó, cáp điện vượt sông này là loại cáp AC kπ120, dây liền, yêu cầu nghiêm ngặt trong thi công là không được để rơi xuống nước là bài toán khó với Chi nhánh và đơn vị thi công. Giải pháp được đưa ra, Chi nhánh điện Núi Thành đã kêu gọi nhân dân địa phương hỗ trợ hơn 20 chiếc ghe thuyền, kết lại với nhau giữa khoảng vượt, tạo thành một chiếc cầu nổi để kéo dây vượt sông. Giải pháp này khá hiệu quả, các ghe thuyền được kết lại với nhau bằng những sợi thừng to như cổ tay, tạo thành một khối liên kết đã trụ vững trước dòng nước đang chảy xiết của sông Trường Giang. Những ngư dân vốn quen tay chài tay lưới cũng đã “nhập vai” công nhân điện khá thành thạo . Họ tình nguyện đưa ghe thuyền đến và ở lại luôn để giúp công nhân chi nhánh kéo dây vượt sông. Anh Trần Bách (người dân Thôn 5, xã Tam Hải) chia sẻ: “Mất điện mấy ngày rồi cực quá! Bây giờ thấy anh em ngành Điện ra sông kéo dây, tôi rất phấn khởi! Bà con ai giúp được gì cũng sẵn sàng, mong sớm có điện về xã…”. Có lẽ đấy cũng là ước nguyện chung của tất cả những người trong “thế trận” liên hoàn vượt sông ấy. Mỗi người góp một phần sức lực, hàng chục con người trong thế liên hoàn, vững chãi trên sông nước, không chỉ liên hoàn về cơ học giữa những ghe thuyền, mà là sự kết nối đầy nghĩa tình và nhiệt huyết giữa những con người cùng chung một mục đích, khiến chúng tôi liên tưởng đến một “chiến trận” trên dòng Trường Giang. Bên này chiến tuyến là bàn tay khối óc con người, là khát vọng dựng xây – bên kia là thiên tai mưa lũ, là nguy hiểm, bất trắc khôn lường…
Anh Trần Minh Lập cho biết, giải pháp này đã được áp dụng trong lần thi công xây dựng đường dây này năm 2004. Hồi đó, ngoài “liên hoàn kế” để kéo dây trên thuyền, anh em Chi nhánh cũng đã lợi dụng sức mạnh thiên nhiên trong việc vận chuyển các cột bê tông từ Tam Hoà sang Tam Hải xây dựng lưới điện hạ áp. Lúc thuỷ triều rút cạn, các cột bê tông được xếp xuống lòng sông, buộc hai đầu vào các thùng phuy rỗng. Khi thuỷ triều lên, các cột điện được nước nâng nổi trên mặt nước và có thể kéo đi dễ dàng. Một người công nhân có thể “túm mũi” kéo một lúc 3 cột điện như thế sang sông - Một cách hành xử khôn khéo và thân thiện với thiên nhiên, để sức mạnh thiên nhiên chuyển hoá thành sức mạnh con người…
Đã xế trưa, nhóm công tác vẫn làm việc không nghỉ. Suất ăn trưa là bánh mỳ và nước đóng chai được phát ngay tại các ghe thuyền. Tuy vất vả, nhưng mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm khi từng đường dây nhanh chóng được căng lên trụ.
Kết thuyền kéo dây vượt sông Trường Giang - khôi phục cấp điện xã Tam Hải
…Và trên nhiều “trận tuyến” khác
Chiều tối, theo xuất tuyến ĐZ 22 kV 473 E154 nhánh rẽ Tam Mỹ ra hiện trường sự cố lưới điện, chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Nghĩa - Trưởng Chi nhánh điện Núi Thành đang cùng anh em xử lý sự cố khôi phục cấp điện cho các xã Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây. Anh cho biết, những ngày này anh em công nhân Chi nhánh không quản ngày đêm “bám” hiện trường cùng với ngổn ngang những cột đổ, cột nghiêng, sứ vỡ… để khôi phục sớm hệ thống điện trên địa bàn. Nhiều anh em mà gia đình bị thiệt hại do bão vẫn chưa kịp khắc phục, cũng phải tạm gác việc nhà, hằng ngày tích cực thực hiện nhiệm vụ đơn vị phân công đến đêm khuya… Với khối lượng thiệt hại rất lớn do thiên tai, Chi nhánh điện đã phải huy động toàn lực với cường độ cao để khắc phục sự cố, khôi phục lưới điện càng sớm càng tốt, cấp điện lại cho khách hàng.
Bên cạnh sự cố đứt dây vượt sông Trường Giang được đánh giá là rất khó khăn, sự cố đổ 12 trụ trung áp ĐZ 22 kV XT 473 nhánh rẽ Kỳ Hà tại xã Tam Quan cũng khiến anh em Chi nhánh “đau đầu” khi triển khai xử lý. Các cột điện này bị gãy đổ trong lòng các hồ tôm, bùn lầy ngập đầy hồ. Các trụ gãy bị cuốn trôi, gốc trụ lìa khỏi hố móng. Không thể tiến hành thao tác dựng lại trụ như trên nền đất cứng, công nhân Chi nhánh đã phải lặn xuống lòng hồ, đào bớt bùn và dùng bao cát “ghim” cố định gốc trụ xuống đáy hồ, sau đó mới có thể tiến hành kéo tời dựng trụ. Những công việc này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Minh Lập cho biết, với sự nỗ lực và quyết tâm của anh em, xuất tuyến này sẽ nhanh chóng được đóng điện trở lại.
Cứ như thế, lực lượng CNĐ Núi Thành được phân bổ và điều chuyển liên tục trên khắp các “trận tuyến”, từ vùng biển Tam Hoà, Tam Hải cho đến vùng núi Tam Trà, Tam Sơn. Với tất cả trí tuệ, mồ hôi và sức lực của những người thợ điện, lưới điện cũng từng bước được “hồi sinh”, dòng điện quý giá được khôi phục để đưa đến phục vụ khách hàng.