Tin trong nước

Niềm vui xóm Ba Cày

Thứ sáu, 13/11/2009 | 11:17 GMT+7


“Có điện rồi bà con ơi, bà con ơi có điện rồi!”.

Tiếng hò reo vang dội một vùng quê vốn tĩnh lặng. Đúng 16 giờ ngày 28 tháng 10 năm 2009, điện lưới quốc gia đã về với “xóm mồ côi” Ba Cày.

Ngày hôm đó thật sự là ngày “lịch sử” của xóm. Đường điện kéo về tận nơi, cột điện mới tinh dẫn điện vào từng nhà. Tổng công trình hết gần năm trăm triệu đồng do Điện lực Tây Ninh đầu tư, mỗi hộ dân chỉ bỏ ra 370.000 đồng mua dây điện kéo vào nhà.

Chưa bao giờ xóm Ba Cày vui đến như vậy. 27 nóc gia sáng đèn suốt đêm, nhà nào cũng mở đèn to đèn nhỏ- “chuồng bò cũng mở đèn luôn”, bà con cười hết cỡ! Anh Tình, Giám đốc Chi nhánh Điện lực Dương Minh Châu, người trực tiếp lo từ đầu đến cuối việc kéo điện cho xóm Ba Cày, phải căn dặn với chị Năm Phối, tổ trưởng phụ nữ: “Chị dặn bà con phải tiết kiệm điện nghen!”.

Cán bộ tỉnh, huyện, xã cùng “mừng điện” với nhân dân xóm Ba Cày

“Mồ côi” tội lắm…

Cái tên xóm Ba Cày bây giờ ít ai nhớ, chỉ có lớp người già hơn bảy mươi như bà Tư Tính, ông Út Xuống là còn nhớ loáng thoáng: cái tên đó có từ trước giải phóng. Hồi đó, ấp này vắng ngắt, toàn là rừng. Có một ông thứ ba, không biết tên gì nhưng làm thợ cày nên gọi là Ba Cày đến đây khai hoang vỡ đất. Về sau, người ta theo chân ông đến đây rồi dần dần lập xóm, lấy luôn tên Ba Cày. Không biết ông Ba Cày sau đó đi đâu nhưng tên xóm vẫn còn dù bây giờ trên giấy tờ người ta gọi là tổ 4, ấp Thuận Tân, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu.

Hiện xóm Ba Cày có  29 nóc gia, cuộc sống kinh tế không đến nỗi nào vì có nước kênh Đông để làm lúa ba vụ, lại có nghề làm bánh tráng xuất khẩu nên thu nhập tương đối ổn định. Dân trong xóm hiền lành chất phác, ít rượu chè, không mê cờ bạc. Chỉ hiềm nỗi xa vắng, không đường, thiếu điện nên xóm Ba Cày nhiều năm liền bị gọi là “xóm mồ côi”. “Xóm mồ côi” ấy có đến “bốn không”- không điện, không đường, không trường, không trạm! Chỉ chuyện đường sá thôi thì đã đáng gọi là “mồ côi” vì từ xã vào xóm khoảng 5km đường chim bay nhưng phải mất đến cả tiếng đồng hồ băng qua mấy đoạn đường rừng, lội qua mấy bờ ruộng, nếu trời mưa thì vừa dò dẫm vừa… chụp ếch mới vào được xóm.

Cũng vì thiếu điện nên xưa rày trong xóm không ai học quá lớp chín, nói gì đến chuyện cao đẳng đại học. Chị Năm Phối rầu rầu: “Học gì nổi, ngoài xã có trường cấp I, cấp II nhưng đường ra xã đã khó, tối về lại không có điện cho tụi nó ôn bài nên học không theo kịp chúng bạn, riết nghỉ học hết trơn”.

Cả xóm cùng vui 

Tui sẽ sắm cho tụi nhỏ cái máy vi tính, nối mạng In-tẹc-net đàng hoàng để tụi nó giao lưu với bên ngoài- một nông dân “đặc ruột” hào hứng nói.

Chị Năm Phối cũng thực tế không kém: “Có điện rồi, họp tổ, họp nhóm phụ nữ sẽ dễ dàng hơn, vui hơn!”.

Xóm Ba Cày heo hút nhưng được thiên nhiên ưu đãi. Trước mặt là cánh đồng lúa hàng mấy chục mẫu, xa xa là rừng cao su xanh mút mắt, bao xung quanh là kênh Đông dẫn nước từ lòng hồ Dầu Tiếng. Giờ có điện rồi, nghĩa là rồi sẽ có đường chạy thẳng từ xã vào, không còn cảnh bà bầu đẻ giữa đường, không còn cảnh trẻ con bỏ học giữa chừng vì thiếu ánh sáng, vì thiếu đường đi, không còn cảnh bị thương lái ép giá nông sản, bà con trong xóm hy vọng sẽ mở rộng nghề bánh tráng xuất khẩu truyền thống, phát triển thêm nghề chăn nuôi…

“Có điện rồi bà con ơi!”, 29 nóc gia (kể  cả hai hộ chưa vào điện) hoà chung một tiếng reo hò rồi cùng nhau “ai có gì hùn nấy” tổ chức liên hoan mừng… điện.

“Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…” cánh thanh niên hát rùm trời. Từ già đến trẻ, từ trai đến gái cười hớn hở. Cán bộ tỉnh, huyện, xã đến chung vui cũng không chúc tụng chi dài dòng, chỉ nói được hai từ “mừng quá”!

Những người thích lo “bao đồng”

Người mừng nhiều nhất chính là chị Năm Phối, tổ trưởng tổ phụ nữ của xóm. Chị Năm về làm dâu xóm Ba Cày từ hồi mới mười chín tuổi, nay chị đã bốn bốn. Chị nói mình cầm tinh con ngựa nên suốt ngày phải chạy. Mà chắc là ngựa chiến nên phải “tả xung hữu đột” hết việc nhà đến việc xóm làng, việc nào chị cũng điều hành răm rắp. Chị kể: “Hồi trước xóm Ba Cày, có biết gì về “phụ nữ phụ nơ”, tự nhiên mới năm ngoái đây, ngoài ấp mời bà con đến họp, nói thành lập tổ phụ nữ. Chị em kéo đến họp đông đủ, bàn tới bàn lui rồi bầu luôn chị làm tổ trưởng. Chức vụ tưởng oai nhưng chẳng có đồng bồi dưỡng nào. Nếu chỉ cần lập danh sách báo lên xã là có tổ phụ nữ này nọ thì cũng được, nhưng mà làm vậy mang tiếng, đã không làm thì thôi chớ đã làm là chị quyết phải làm cho ngon.

Nhưng mà làm sao cho ngon? Trước hết, phải xem chị em mình cần gì đã. Dân xóm Ba Cày toàn nông dân chính hiệu, chịu thương chịu khó, tình làng nghĩa xóm luôn chan hoà, bà con có nghề nghiệp ổn định nhưng nhiều hộ còn nhà tranh vách đất, trong nhà ít của để dành. Nhận thấy điều đó, chị Năm bắt đầu vận động chị em vào tổ “giúp vốn xoay vòng”. Chị tập hợp được 21 chị tham gia tổ góp vốn. Mỗi tháng, mỗi người góp 100.000 đồng. Hằng tháng, đến kỳ sinh hoạt tổ, các chị lại, xét chọn cho chị em nào khó khăn nhất được vay làm vốn để làm ăn hoặc xoay xở chuyện trong nhà. Khi chị em đã bắt đầu tích cực tham gia sinh hoạt, chị Năm Phối mới bàn đến chuyện thành lập tổ “góp xi măng xây nhà”. Tổ này dành cho chị em chưa có nhà tường. Cách làm cũng giống như tổ xoay vòng vốn. Mỗi tháng, mỗi chị góp 10 bao xi măng cho một chị xây trước, tháng sau lại đến nhà khác. Cứ như vậy, chưa đầy một năm, xóm Ba Cày đã có 7 căn nhà tường. Đến tết này, thêm 2 căn nữa là 9. “Khi nào cất nhà tường hết thì tụi chị lại hùn nhau tô xi măng (hiện mới xây gạch, chưa tô), năm sau em mà đến Ba Cày, chắc chắn không nhận ra đâu vì lúc đó xóm này sẽ đẹp hơn bây giờ nhiều- Chị Năm khẳng định chắc nịch!

Chị Năm Phối cười hớn hở bên cây cột điện đầu tiên của xóm Ba Cày.

Bây giờ đến xóm Ba Cày, đường sá vẫn còn khó đi nhưng không còn nhà tranh vách đất. Nhiều căn còn bóng màu gạch, thơm mùi xi măng. Có nhà đang đổ đất chuẩn bị xây, không thấy dấu hiệu của sự nghèo nàn, lạc hậu như trong tưởng tượng về “xóm mồ côi”!

“Công của các bà đó, không có mấy bả chắt chiu thì làm sao có nhà tường vậy!”- một anh nông dân nhìn vợ âu yếm.

Chị Năm chân tình: “Có đường dây điện này thiệt tụi tui cảm ơn mấy anh chị từ xã đến huyện, tỉnh nhiều lắm, nhứt là anh Tư Hùng, anh Thạch, chú Tình điện lực chạy đôn chạy đáo”…

Anh Thạch, HĐND huyện chắc lưỡi: “cái đường dây điện này mà có được cũng nhờ công chị Phối với mấy chị phụ nữ không ít. Mấy lần họp HĐND đều có mặt mấy chị. Mà hễ có mặt là mấy chị nhắc chuyện điện, chuyện đường. Lời lẽ có lý, có tình, bảo sao chính quyền không lo cho được!”.

Nghe anh Thạch kể, cả xóm lại cười lớn, tiếng cười xao động, khiến một đàn chim vụt bay lên từ cánh đồng trước mặt, một con ghé đậu xuống đường dây điện trông như một nốt nhạc vui.

Theo: Báo ĐT Tây Ninh