Tưng bừng trong ngày khởi công Thị trấn Phiêng Lanh
Ông Tòng Văn ọc, người dân tộc Thái, Chủ tịch UBND xã Mường Giàng có cách kể chuyện cởi mở và hón hỉnh:
“Mường Giàng là cái mỏ con chim đại bàng ngó xuống sông Đà. Quỳnh Nhai là huyện dọc sông nên nóng lắm, mùa hè có khi tới 39-40oC, cũng là Quỳnh Nhai, nhưng Mường Giàng quanh năm mát mẻ, vì nó được bao bọc bởi những dãy núi đá và rừng quanh năm xanh tốt. Mấy năm trước, tỉnh nói là xây dựng Thủy điện Sơn La sẽ đưa trung tâm huyện về đây, chúng tôi chờ mãi, bây giờ thì đúng rồi…!”
Nói tới đây, ông ọc ngó qua cửa sổ, trỏ tay xuống dải đất phía xa khu đang hình thành thị trấn Phiêng Lanh. Nơi ấy tiếp giáp với quốc lộ 279, những chiếc máy ủi, máy xúc đang cần mẫn làm việc, san ủi mặt bằng xây dựng huyện mới, đánh thức cả một vùng rừng núi yên tĩnh. Câu chuyện về xã Mường Giàng cứ tự nhiên như thế, giản dị và cuốn hút.
Xã Mường Giàng có 17 bản, 695 hộ, 3641 nhân khẩu, gồm ba dân tộc anh em: Thái, Mông, La Ha chung sống. Là xã đặc biệt khó khăn, tiềm năng đất đai màu mỡ, tương đối bằng phẳng, nhiệt độ ôn hòa, nhưng đời sống của bà con các dân tộc ở đây vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo, bởi phương thức canh tác lạc hậu, tự cấp tự túc. Xã có diện tích 5.460 ha, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có khoảng 500 ha, đất ruộng 74 ha, còn lại là rừng và đất lâm nghiệp.
Điều đáng quan tâm là Mường Giàng có vị trí đắc địa của huyện Quỳnh Nhai và tỉnh Sơn La. Trước đây, đến Mường Giàng, Quỳnh Nhai như con đường cụt, giao thông cách trở. Cách đây 3 năm, quốc lộ 279 là con đường vành đai chiến lược được cải tạo, nâng cấp nối các tỉnh Điện Biên, Lai Châu với Lào Cai đi qua Mường Giàng. Điểm thú vị là Mường Giàng được ví như cái nút nối nhau của quốc lộ 279, quốc lộ 6 và sông Đà. Trong quy hoạch xây dựng huyện lỵ Quỳnh Nhai tại Thị trấn Phiêng Lanh (thuộc địa phận xã Mường Giàng) rộng hơn 300 ha, Mường Giàng sẽ là khu vành đai, tiếp nối cho sự phát triển. Từ ngã ba Mường Giàng xuống bến phà Pắc Uôn dài 6 km, nơi có cây cầu đẹp nhất trên dòng sông Đà, với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng đang được xây dựng. Trước đây, từ Sơn La, du khách muốn du lịch sang Sa Pa phải đi đường vòng dài hơn 400 km thì nay đi qua Mường Giàng, trên quốc lộ 279 đoạn đường chưa đầy 200 km. Địa phận xã Mường Giang có 31 km quốc lộ 279 và 15 km đường107 tỉnh lộ đi qua, cùng với hệ thống giao thông xã, bản sẽ tạo thế và lực cho vùng đất này phát triển mạnh mẽ những năm tới đây.
Việc xây dựng Thủy điện Sơn La, tổ chức di dân TĐC, Quỳnh Nhai là huyện có số hộ di dân TĐC lớn nhất ở tỉnh Sơn La. Xã Mường Giàng tuy không có hộ dân nào phải di chuyển dưới cao trình 218 mét, nhưng phải quy hoạch, tiếp nhận, bố trí lại dân cư cho 260 hộ nội xã, trong đó 41 hộ thuộc diện di chuyển giải phóng mặt bằng thị trấn Phiêng Lanh mới. Ngoài ra, xã Mường Bằng phải tiến hành làm tốt công tác quy hoạch, phân bố lại dân cư, tiếp nhận thêm trên 1.100 hộ dân của các bản Chẩu Quân, Nghe Toỏng và cả thị trấn huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ. Như vậy, về lâu dài, xã Mường Giàng sẽ phát triển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch, nông lâm nghiệp và kinh tế nông thôn. Để làm tốt trọng tâm công tác quy hoạch, di dân TĐC đảng ủy, HĐND,UBND xã Mường Giàng đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông Ngần Văn Mún, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2002, khi triển khai chủ trương xây huyện mới, Đảng ủy xã đã sớm có Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng phương án di dân. Trước hết, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, giao trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cán bộ bản nên mọi việc triển khai đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đến thăm xã Mường Giàng, đúng vào ngày chợ phiên, không khí đông vui náo nhiệt. Nơi đây, quốc lộ 279 tiếp giáp với trung tâm xã. Con đường như dải lụa uốn quanh sườn núi, rập rờn cành hoa ban trước gió làm cho bức tranh miền núi thêm gợi cảm. Trụ sở xã nằm trên một khu đất khá bằng phẳng, phía trước là chợ, bên phải là trường tiểu học, trung học cơ sở đã được xây dựng khang trang. Hôm nay, cán bộ xã, trưởng bản, các đoàn thể đều có mặt, vì là ngày giao ban hàng tháng. Được biết, tháng nào cũng vậy, giao ban được tổ chức đều đặn vào mùng 10 hằng tháng. Tôi nghĩ, ở huyện, tỉnh chưa chắc duy trì được đúng lịch như vậy. Nội dung tháng này xã đang tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng các hộ dân khu trung tâm, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết. Trong quá trình triển khai, một số hộ chưa nhất trí, cán bộ xã, bản vận động, giải thích, thông qua vợ con, anh em họ hàng thuyết phục, cuối cùng cũng đã cam kết di chuyển. Gia đình nào tích cực, được Hội đồng đền bù và xã ưu tiên cho chọn vị trí TĐC, từ đó mọi việc được triển khai thuận lợi, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Điều ngạc nhiên nữa ở xã miền núi vùng sâu vùng xa này là đội ngũ cán bộ xã, bản ở đây đều được lựa chọn, đào tạo khá tốt. Vấn đề không phải là trình độ lớp mấy, bằng loại gì. Theo đồng chí Bí thư đảng ủy xã, tiêu chí chọn cán bộ ở Mường Giàng là: Biết việc, nhiệt tình, được dân tin và được đào tạo. Chứng minh cho việc này, một chi tiết đáng lưu tâm là phòng làm việc của đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã đều có máy vi tính, photocopy, văn bản giấy tờ, công văn được sắp xếp gọn gàng. Trong số các địa phương miền núi, cách thức làm việc như xã Mường Giàng ở Sơn La chắc không nhiều.
Những điều tai nghe, mắt thấy và cảm nhận về xã Mường Giàng ngày hôm qua, hôm nay và mai sau đáng để các địa phương khác học tập. Một địa bàn vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn như Mường Giàng đang đứng trước thời cơ lớn. Thời cơ ấy hội đủ cả ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa; cùng với công cuộc di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Mường Giàng chắc chắn sẽ nhanh chóng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, trở thành điểm sáng ở vùng Tây Bắc.