Huyện đảo Lý Sơn với nghề trồng tỏi
Hôm nay, cảng Sa Kỳ không có tàu cao tốc, chuyến cao tốc cuối cùng đã ra ngày hôm qua. Chúng tôi đi bằng tàu gỗ. Trên tàu khách rất đông, có cả những người buôn chuyến với hàng hóa lỉnh kỉnh. Dù đã đôi lần đi biển, nhưng quả thật, chúng tôi vẫn thấp thỏm lo bị say sóng. Thời tiết hôm nay rất đẹp, biển lặng và xanh biếc, những đàn cá chuồn vụt lướt lên không trung khoe những vây trắng bạc lấp lánh. Sau gần 2 giờ đồng hồ, tàu cập bến. Thế là chúng tôi đã cách đất liền một khoảng mênh mông bằng 20 hải lý.
Lý Sơn thứ gì cũng có, nhưng...
Mấy anh em công nhân Chi nhánh điện Lý Sơn đã có mặt từ khi nào tại bến, hồ hởi đón chúng tôi. Dù đây là lần đầu tiên ra đảo, nhưng sự nhiệt tình, chu đáo của họ đã đem đến cho chúng tôi cảm giác thật thân thuộc. Chúng tôi thầm nghĩ: Vượt qua cả một khoảng mây trời sóng nước, thương hiệu Công ty Điện lực 3 vươn tới tận nơi đầu sóng ngọn gió này quả là điều kỳ diệu.
Lý Sơn sầm uất hơn chúng tôi hình dung nhiều lắm. Nhà cửa san sát, đường ngang lối dọc, chợ búa, xe cộ không kém gì đất liền. Huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10 km2, dân số khoảng 20 ngàn người với hơn 4000 hộ, phân bố tập trung ở 2 xã An Hải và An Vĩnh. Càng đi sâu vào phố huyện, chúng tôi càng ít nhận thấy sự khác biệt so với đất liền. Dạo qua trụ sở một chi nhánh ngân hàng, ngôi trường trung học và một bưu điện, qua một khu chợ đông đúc, những dãy hàng quán, nhà hàng, có cả những điểm dịch vụ truy cập Internet, chúng tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên thích thú. Anh công nhân Chi nhánh điện đi cùng chúng tôi cho biết: “Lý Sơn bây giờ thứ gì cũng có, nhưng đắt đỏ. Sự đắt đỏ ở đây xuất phát từ một khó khăn cơ bản của huyện đảo: Mức chi phí vận chuyển vượt biển rất cao. Từ một cục xà phòng, một lít xăng đến một bao xi măng hay một khối cát xây dựng, tất cả đều phải chở từ đất liền ra. Anh công nhân chỉ tay vào ngôi nhà cấp bốn rất bình thường và bảo: “Để xây ngôi nhà như vậy, chủ nhà tốn hơn trăm triệu là cái chắc. Nhìn đời sống đang từng ngày “thay da đổi thịt”, chúng tôi thấy cảm phục sự nỗ lực của người dân nơi đây. Dân huyện đảo sống chủ yếu bằng nghề đi biển và trồng tỏi. Dù cuộc mưu sinh nơi đây còn lắm gian nan, nhưng nhờ người dân cần cù, chắt chiu dành dụm nên đời sống đã từng ngày khá hơn.
Giếng khoan 80 mét, những cục đá rất nhanh tan và...
Một điều rất thú vị là trong lòng hòn đảo xa xôi này vẫn nuôi dưỡng một nguồn nước ngọt phục vụ con người, tuy nguồn nước không dồi dào như trong đất liền. Anh em Chi nhánh điện và bà con quanh đây phải mua nước sinh hoạt từ các giếng cách khá xa. Anh công nhân Chi nhánh cho biết: Có một công ty chuyên khoan giếng từ trong Nam ra đảo “tác nghiệp”, đem rất nhiều đồ nghề thiện nghệ với mục tiêu sẽ khoan cho bằng có nước phục vụ bà con, tiền công chưa cần bàn tới. Nhưng một ngày rồi nhiều ngày trôi qua, các mũi khoan đưa sâu vào lòng đất đến 80 mét vẫn chưa thấy nước đâu. Góc sân Chi nhánh điện vẫn còn một vết khoan dở, một trong những điểm đội thi công đành bất lực bỏ dở. Đảo Lý Sơn có cấu trúc bán sơn địa, những vạt đất lọt giữa các mảng đồi được ưu tiên dùng để trồng trọt. Khu dân cư gần như lại lấn lên các mỏm cao, nên việc bà con khó tìm thấy nước là điều dễ hiểu. Chỉ có một số nhà ở dưới thấp thì có thể khoan thấy nước. Do đó cả đảo đều trông vào nguồn nước ngọt quý giá ấy.
Ngồi nghỉ trong một quán nước, chúng tôi phát hiện thêm một “hiện tượng” rất lý thú: Đá lạnh tan rất nhanh. Anh bạn ngồi bên cạnh phì cười trước vẻ mặt băn khoăn của chúng tôi. Đá non quá đấy mà - Anh giải thích - Hiện tượng này liên quan đến mấy ông “nhà đèn” đó. Tôi tìm hiểu thêm thì được biết: Chi nhánh điện Lý Sơn chỉ phát điện 6 giờ /ngày (18h - 24h) và theo chế độ 1 có - 1 không (nay xã này, mai xã kia), nên điện trở thành “món hàng” rất quí giá. Nhiều gia đình tự sắm máy phát điện, nhưng làm sao bù đắp được sự thiếu hụt. Thiếu thì đành phải tiết kiệm. “Hiện tượng đá non” chỉ là một hệ quả nhỏ thôi. Chúng tôi hiểu rằng, chỉ cần đủ điện, Lý Sơn có thể làm được nhiều điều hơn. Nhưng hoàn cảnh buộc Lý Sơn phải chắt chiu từng kW. Việc Chi nhánh điện Lý Sơn duy trì được hoạt động cung ứng điện phục vụ huyện đảo đã là một nhiệm vụ rất khó khăn rồi.
Việc Công ty Điện lực 3 tiếp nhận quản lý cung ứng điện phục vụ huyện đảo phản ánh tinh thần chia sẻ khó khăn với địa phương và mong muốn cùng góp sức cải thiện dần đời sống kinh tế xã hội huyện đảo. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hước - Phó chủ tịch phụ trách kinh tế huyện Lý Sơn ghi nhận và thấu hiểu sâu sắc những nỗ lực khắc phục khó khăn của PC3 trong việc cấp điện phục vụ huyện đảo.
Một số anh em của Chi nhánh là người địa phương, số khác từ đất liền ra đây công tác. Khó khăn thiếu thốn nhiều bề, nhưng ai cũng lạc quan và gắn bó với huyện đảo. Mỗi tuần một chuyến vào - ra, nếu trời yên bể lặng thì không sao, vào mùa mưa bão thì nguy hiểm luôn rình rập. “Tàu nó đi thế này, thế này” - anh công nhân Chi nhánh đưa tay kẻ trong không trung một đường ngang ngực, chúi mạnh xuống rồi hất ngược lên. Anh cười rất hồn nhiên, dù năm trước chính anh đã gặp tình huống nguy kịch trên biển khi tàu gặp gió xoáy bất ngờ. Những kinh nghiệm đầy ấn tượng của các anh có lẽ rất nhiều và họ cũng đã quen với nó và gắn bó với công việc và hòn đảo này.
Chia tay huyện đảo, từ trên tàu về đất liền, ngắm nhìn những ngọn đồi cao thấp, những vạt rừng dương xanh thắm đang dần lùi xa, chúng tôi dấy lên một niềm hy vọng được trở lại Lý Sơn vào một ngày không xa.
Năm 1999, trạm điện Lý Sơn trực thuộc UBND Huyện được thành lập với qui mô cấp điện vẫn là 01 tổ máy phát điện 304 kW và 02 TBA phụ tải 160 kVA. Từ năm 2002, địa phương bàn giao cho ngành Điện quản lý trạm điện Lý Sơn trực thuộc ĐL Quảng Ngãi.
Năm 2004, Chi nhánh điện Lý Sơn được thành lập, qui mô được nâng dần lên, cải thiện từng bước năng lực cấp điện phục vụ đời sống huyện đảo.
Đến nay, hệ thống nguồn và lưới Chi nhánh quản lý gồm có 07 tổ máy diesel phát điện với tổng công suất lắp đặt 2.812 kW, công suất phát cao nhất 1.400 kW; 8,786 m ĐZ 22 kV; 17, 5m ĐZ 0,4 kV; 11 TBA có tổng dung lượng 1910 kVA, cấp điện cho 3540 hộ. Điện cấp thuần túy là điện phát từ diesel, suất tiêu hao khoảng 0,262 kg/kWh. Giá bán bình quân khoảng 700 đ/kWh.