Phan Tấn Đức về nhận công tác tại Chi nhánh điện Buôn Ma Thuột, đến nay được hơn 20 năm. Là người công nhân thường xuyên trực tiếp vận hành, thao tác trên hệ thống điện, anh hiểu rất rõ những nguyên nhân thường gây ra sự cố, anh đã nhiều đêm thức trắng bên những trang tài liệu về điện để nghiên cứu cải tiến các thiết bị trên lưới, làm giảm bớt những nguyên nhân gây ra sự cố mất điện. Với những bước đầu thành công ấy đã giúp cho anh có thêm sự tự tin và bản lĩnh vững vàng của người thợ trẻ để bước vào những khó khăn, thử thách mới. Sau một thời gian làm việc trên lưới với những thao tác chuyên môn để thực hiện các khâu cắt điện phục vụ cho việc sửa chữa trên đường dây trung áp, Đức nhận thấy bộ tiếp địa lưu động của đơn vị vừa cồng kềnh, không tiện lợi cho việc mang vác, hiệu quả sử dụng không cao mà giá tới 6 triệu động 1 bộ. Đồng thời, dùng bộ tiếp địa này, điều độ viên không thể điều hành nhiều nơi trong khoảng thời gian gần nửa giờ đồng hồ. Nhất là những ngày có nhiều chi nhánh đề nghị cắt điện để xử lý sự cố thì khó khăn tăng lên gấp bội, thời gian mất điện kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh của đơn vị. Chính vì vậy, sau những trăn trở, anh đã quyết tâm tìm ra giải pháp tốt nhất cho “Dao nối đất kiểu treo”.
Bản thiết kế “dao nối đất” được anh vẽ đi vẽ lại trong nhiều đêm. Anh muốn có một bộ dao nối đất hoàn chỉnh với chất lượng tốt nhất, sử dụng tiện lợi nhất, thời gian thao tác ngắn nhất và giá thành rẻ nhất. Bằng sự sáng tạo và quyết tâm của mình, chỉ trong vòng gần 3 tháng, anh Đức đã cho “ra lò” sản phẩm dao nối đất của mình với các tiêu chí như anh đã đặt ra. Chiếc dao nối đất mẫu đầu tiên anh hoàn thành đã được các đồng nghiệp hết sức quan tâm, việc còn lại là phải qua “vòng đấu” của Xưởng thí nghiệm tại đơn vị, nếu tất cả các chỉ số đạt yêu cầu thì mới thành công. Và ước mong của anh đã đến, khi Biên bản thí nghiệm “dao nối đất” ghi các chỉ số kỹ thuật đều đạt theo tiêu chuẩn quy định. Thành công bước đầu về “dao nối đất” đã thúc giục Phan Tấn Đức bắt tay ngay vào “sản xuất” tiếp 12 bộ nữa. Lần này được sự cổ vũ, ủng hộ của anh em đơn vị và lãnh đạo Chi nhánh, anh về thành phố Hồ Chí Minh để đặt đúc một số bộ phận chính của dao như móc thao tác, tấm chống rơi, tấm định vị móc thao tác và tìm mua những chi tiết sẵn có như lò so bằng Inox, ống đồng, bu long. Sau nửa tháng cùng các đồng nghiệp say sưa làm việc, ngày 4/7/2006, 12 bộ “dao nối đất” đã được hoàn thành, tất cả số dao này đã được thí nghiệm với các chỉ số kỹ thuật đều đạt tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Tấn Nhụy - Trưởng Chi nhánh điện Buôn Ma Thuột cho biết: “ Phan Tấn Đức là “cây” sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đơn vị, 3 năm liền đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” cơ sở, được Bộ Công nghiệp tặng Bằng khen. Đến nay, anh đã có gần chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các khâu vận hành lưới điện. Sáng kiến cải tiến “dao nối đất” lần này của anh đã được đưa vào áp dụng trên lưới của Điện lực Đắk Lắk với số lượng 52 bộ. Gần 1 năm trên lưới vận hành, dao nối đất vẫn đảm bảo hoạt động tốt. So với dao nối đất trước đây thì dao nối đất do anh Đức cải tiến có ưu điểm vượt trội là thời gian thao tác chỉ hết 3 - 5 phút, không phải mang vác các dụng cụ, dây dẫn vì đã được lắp đặt cố định trên lưới, công nhân thao tác không phải treo mình lâu trên cao, chỉ cần sào cắt điện là thao tác tốt, giá 2 triệu đồng/bộ, chỉ bằng 1/3 dao cũ. Điều đặc biệt là khi thao tác, “dao nối đất” của Phan Tấn Đức đảm bảo an toàn tuyệt đối vì không phải sử dụng hệ thống dây dẫn nối từ lưới xuống đất như các bộ dao cũ”. Hiện nay, Điện lực Đắk Lắk đang tiếp tục tạo điều kiện cho Phan Tấn Đức sản xuất “dao nối đất” để lắp đặt trên toàn hệ thống lưới điện của tỉnh”.
Theo Bản tin CĐ T11/07