Trước tình hình đó, chuyên môn và Công đoàn các xí nghiệp ngành Điện đã phải tổ chức mở các lớp học chính trị, văn hoá, chuyên môn cho CNVC. Các lớp học Bình dân học vụ (BDHV), Bổ túc văn hoá (BTVH) và các lớp kèm cặp tay nghề được CNVC tham gia đông đảo. Với các lớp BDHV, Công đoàn có thể vận động hoặc phân công một số đoàn viên có trình độ văn hoá nhất định đến giảng dạy, giúp đỡ học tập ngoài giờ làm việc ngay tại xưởng thợ hoặc ở một địa điểm nào đó thuận tiện nhất; cá biệt có thể đến tận nhà riêng của công nhân để giảng dạy nếu vướng bận con thơ, neo bấn... Mỗi lớp vài ba học viên nhưng các thày, cô vẫn nhiệt tình đến giảng dạy. Những lớp đông người có cùng trình độ thì dành riêng một góc hội trường hay phòng họp nào đó của xí nghiệp để anh chị em công nhân có chỗ ngồi học và cử giáo viên phụ trách giảng dạy. Nhiều thày, cô còn vận dụng những hình thức thơ ca để truyền đạt kiến thức cho các học viên tiếp thu được nhanh chóng. Chẳng hạn: “ i, tờ (t) có móc cả hai; i ngắn có chấm, tờ (t) dài có ngang” hoặc “o, a hai chữ khác nhau; chữ a khác bởi có móc câu bên mình”...
Các lớp BTVH thường được tổ chức chính quy, chặt chẽ hơn. Ví dụ, có điểm danh, sổ điểm, ra bài ôn tập, kiểm tra và có phụ đạo những học viên yếu kém... Chương trình của các lớp BTVH được Sở hoặc Ty giáo dục lập ra và chỉ đạo, giúp đỡ cụ thể. Có nơi còn cử ra giáo viên về để giảng dạy theo một chương trình chung của ngành giáo dục – đào tạo. Học tập tay nghề thường có 2 hình thức: Một là, kèm cặp theo nhóm, theo tổ do một “thợ cả” (bậc cao) hoặc một cán bộ kỹ thuật đảm nhận, định kỳ mỗi tuần từ 2 – 3 buổi trực tiếp chỉ dẫn, kèm cặp, lên lớp chuyên môn kỹ thuật tay nghề. Hàng năm có kiểm tra, sát hạch, xác nhận ngạch bậc để sắp xếp lương. Hai là, kèm cặp theo cách bổ túc tay nghề thực tế hàng ngày giữa cá nhân 1 thợ bậc cao với 1 hoặc 2 thợ bậc thấp theo hạn định 6 tháng đến 1 năm. Loại thứ hai này đơn giản hơn tuy nhiên cũng phải có “giao kèo” bằng văn bản (hợp đồng), 2 bên cùng ký. Nếu hoàn thành xuất sắc sẽ được khen thưởng và có thể được đề nghị nâng bậc sớm hơn. Không ít những công nhân học tập theo lối kèm cặp tại chức đã được tuyển chọn đi học các lớp chính quy, dài hạn (thoát ly) và trở thành những cán bộ chuyên môn, quản lý sản xuất – kinh doanh xuất sắc của ngành Điện sau này. Nhiều công nhân, cán bộ thuộc dạng nói trên được cử đi xây dựng các nhà máy điện mới trên miền Bắc như: Vinh (Nghệ An), Lào Cai, Thanh Hoá, Việt Trì, Thái Nguyên, Uông Bí... những năm đầu xây dựng và phát triển kinh tế (1961 – 1965).
Phương thức đào tạo trên dần được bổ sung, sửa đổi, ngày một chính quy, hoàn chỉnh hơn. Từ sau những năm 1961 - 1965 hầu hết được đào tạo cơ bản cả về trình độ văn hoá đến trình độ chuyên môn theo hệ Trung cao kỹ thuật, nghiệp vụ và đều qua các trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế – tài chính..., sau đó được phân công, bổ nhiệm về làm việc tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh của ngành Điện. Những sinh viên mới tốt nghiệp và lớp thợ trẻ được đào tạo chính quy ra trường đã phối hợp chặt chẽ với công nhân có tay nghề tốt ở các đơn vị cơ sở đã phát huy tác dụng tốt, hỗ trợ lẫn nhau và đã lập nên nhiều chiến công kỳ diệu trong sản xuất – kinh doanh, xây dựng và phát triển ngành Điện trong suốt nửa thế kỷ qua. Ngày nay, nhiều kỹ sư có trình độ cao về kinh tế – kỹ thuật đã và đang là những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh điện năng, sẵn sàng đảm đương các trọng trách lớn lao của một ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước. Với hàng chục ngàn cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ trung cấp, trên 20.000 người có trình độ cao đẳng, đại học và trên 400 người có trình độ trên đại học, bình quân tay nghề của công nhân điện đạt 3/7 trở lên, nhiều công nhân ưu tú được trưởng thành, có nhiều hứa hẹn lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện cho hôm nay và mai sau!