Tin thế giới

Mỹ lo nguy cơ bị tấn công lưới điện

Thứ hai, 11/5/2020 | 15:12 GMT+7
Chính phủ Mỹ được cho là sẽ loại những thiết bị do Trung Quốc sản xuất nhằm đề phòng nguy cơ lưới điện bị tấn công.
Chính phủ Mỹ đang đề phòng nguy cơ lưới điện bị tấn công. ẢNH: AFP
 
Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng này đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm sử dụng các thiết bị “do đối thủ nước ngoài sản xuất” trong lưới điện Mỹ. Quyết định nhằm bảo vệ hệ thống điện Mỹ khỏi các đợt tấn công mạng và những vụ tấn công khác. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette nhấn mạnh: “Hệ thống điện cần phải được bảo vệ trước mối đe dọa từ nước ngoài. Sắc lệnh này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ đó”.
 
Thay thế thiết bị
 
Trong sắc lệnh, Tổng thống Trump tuyên bố mối đe dọa đối với hệ thống điện Mỹ là tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo Reuters. Điều này cho phép chính phủ đưa ra các biện pháp như thành lập một đơn vị chuyên trách về chính sách mua sắm thiết bị phục vụ lưới điện quốc gia do Bộ trưởng Brouillette đứng đầu.
 
Sắc lệnh cho phép ông Brouillette phối hợp với các bộ trưởng khác để ra quyết định cấm mua, nhập khẩu, chuyển giao hoặc lắp đặt thiết bị điện từ “đối thủ” được xác định có nguy cơ phá hoại hệ thống điện. Cụ thể là các thiết bị trong trạm biến áp, phòng điều khiển hoặc nhà máy điện, lò phản ứng hạt nhân, tụ điện, máy biến áp công suất lớn...
 
Bộ Năng lượng Mỹ lưu ý theo quy định hiện hành, các hợp đồng mua sắm thiết bị cho lưới điện được trao cho công ty đấu giá thấp nhất, vô tình tạo ra “lỗ hổng để những người có mục đích xấu khai thác”, theo trang Politico. Chính vì thế, Bộ Thương mại Mỹ hôm 4.5 thông báo sẽ bắt đầu cuộc điều tra để xác định số lượng máy biến áp nhập khẩu cùng những thiết bị khác có đe dọa an ninh quốc gia hay không để dần thay thế.
 
Nga, Trung Quốc là mối đe dọa với Mỹ ?
 
Sắc lệnh của Tổng thống Trump không nêu quốc gia cụ thể nhưng báo cáo Đánh giá mối đe dọa toàn cầu năm 2019 của Giám đốc Tình báo quốc gia lúc bấy giờ là ông Dan Coats kết luận Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác đang sử dụng các công nghệ mạng nhằm theo dõi và thâm nhập cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, bao gồm lưới điện. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc này.
 
Trước đó, báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ năm 2014 cho biết có khoảng 30 công ty ở Trung Quốc có thể sản xuất máy biến áp từ 220 KV trở lên và Trung Quốc xuất khẩu nhiều máy biến áp cỡ lớn sang Mỹ với giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, các hãng lớn như công ty đa quốc gia ABB (trụ sở ở Thụy Sĩ) mở nhà máy ở Trung Quốc. Hồi năm 2019, ông Charles Durant, Phó giám đốc Văn phòng Phản gián thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, từng cảnh báo: “Trong một thập niên qua, hơn 200 máy biến áp công suất lớn của Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống điện của Mỹ. Trước đó, con số này bằng 0”.
 
Hồi năm 2018, chính phủ Mỹ cáo buộc tin tặc Nga kể từ năm 2016 tiến hành chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào các công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân, nhà máy xử lý nước, ngành hàng không và những cơ sở hạ tầng nhạy cảm khác. Đó là lần đầu tiên Washington công khai cáo buộc Moscow cố xâm nhập cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ. Trước đó, báo cáo của Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra liên bang Mỹ năm 2017 cảnh báo tin tặc nhắm vào ngành năng lượng với nhiều mục đích khác nhau từ trộm bí mật thương mại và công nghệ đến phá hoại lưới điện.
 
Đến tháng 8.2019, các chuyên gia thuộc Công ty an ninh mạng Proofpoint (Mỹ) cảnh báo nguy cơ tin tặc Trung Quốc đang nhắm vào các công ty vận hành nhà máy điện ở Mỹ, theo tờ The Wall Street Journal. Cụ thể, Proofpoint phát hiện nhóm tin tặc APT10 từ Trung Quốc đã gửi email chứa mã độc nhắm vào nhân viên của những công ty này hồi tháng 7.2019. Tuy nhiên, Proofpoint xác định những đợt tấn công mạng này không thành công.
 
Chuyên gia David Lochbaum thuộc Tổ chức Nghiên cứu Union of Concerned Scientists cảnh báo: “Tin tặc có thể thông qua máy tính hành chính để trộm thông tin về sơ đồ, thiết kế nhà máy điện hạt nhân, lịch làm việc, để từ đó lên kế hoạch tấn công thật sự”. Một số chuyên gia khác cho rằng nguy cơ lớn nhất là tin tặc có thể phá hoại, dẫn đến gây nổ nhà máy và làm rò rỉ phóng xạ. Khi đó sẽ là một thảm họa quy mô lớn với hậu quả không thể đo lường.
 
Đến nay, vẫn chưa có thông tin cho thấy tin tặc Nga hay Trung Quốc có thể ngắt điện ở Mỹ bằng những đợt tấn công mạng. Sự cố mất điện duy nhất được xác nhận do tin tặc Nga gây ra là ở Ukraine hồi năm 2015 và 2016, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người. Năm ngoái, các thượng nghị sĩ Philippines đã bày tỏ lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc sở hữu quá nhiều cổ phần trong công ty điện lực quốc gia, có thể kiểm soát, ngắt lưới điện bất cứ lúc nào.

Link gốc
Theo: Thanh niên