NPT đang gặp khó khăn lớn về huy động vốn. Ảnh: Ngọc Loan
Điều đó đã đặt NPT trước những khó khăn rất lớn trong việc đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề huy động vốn.
Thiếu vốn trầm trọng
Theo số liệu từ NPT, năm 2011, NPT đã hoàn thành đóng điện hàng trăm công trình lưới điện với tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm 8.841 MVA, tổng chiều dài đường dây xây mới và cải tạo nâng cấp là 1.426 km. Đã có 25 công trình lưới điện 500 – 220 kV được khởi công, nhiều công trình quan trọng đi vào vận hành đã giải quyết tình trạng quá tải lưới điện tại các khu vực. Mặc dù lưới điện truyền tải thường xuyên bị quá tải công suất và áp lực sản lượng nhưng hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam vẫn luôn vận hành ổn định. Công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện được duy trì thường xuyên và hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương.
Mục tiêu của NPT trong năm 2012 là đảm bảo vận hành lưới điện an toàn với sản lượng điện truyền tải: 99 - 100 tỷ kWh, tăng 9,4%-10,5% so năm 2011; Giá trị sửa chữa lớn đạt 249 tỷ đồng; Hoàn thành và đưa vào vận hành 42 công trình lưới điện từ 110-500 kV. Tuy nhiên, ông Đặng Phan Tường, chủ tịch Hội đồng thành viên NPT cho biết, hiện NPT đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn. Quy hoạch điện VI mới thực hiện được 60% chỉ tiêu về lưới điện khiến cho lưới điện quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện. Thời kỳ cao điểm, một số đường dây và trạm biến áp quan trọng phải vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, gây nguy cơ sự cố cao đã gây áp lực lớn cho công tác quản lý vận hành. Riêng năm 2011, sản lượng điện truyền tải thực tế thấp hơn 4,7 tỷ kWh so với kế hoạch, trong khi giá truyền tải điện hiện nay chỉ có 77,5 đồng/kWh là quá thấp, chiếm khoảng 6% giá bán điện bình quân toàn EVN khiến bức tranh tài chính của NPT càng thêm ảm đạm. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt chi tiêu ngân sách của Chính phủ dẫn đến việc thu xếp các nguồn vay mới từ các tổ chức tài chính trong nước không đạt kế hoạch. Các ngân hàng bị hạn chế tín dụng, điều kiện cho vay với NPT đã vượt quá giới hạn cho phép. Trầm trọng hơn nữa, từ 15/4/2011 gần như tất cả các hợp đồng vay đã được ký kết của NPT bị dừng giải ngân để xem xét lại các điều kiện cho vay.
Cũng theo ông Tường, năm 2011, NPT tiếp tục không đạt đủ tỷ lệ vốn đối ứng cần thiết tối thiểu 15% cho đầu tư, nguồn thu từ khấu hao không đảm bảo cho trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động, đến việc mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động SXKD từ quỹ đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc NPT cũng cho biết, năm qua, nhu cầu tổng vốn đầu tư thuần của NPT cần khoảng 6.000 tỷ đồng nhưng NPT chỉ ký được hợp đồng vay vốn 400 tỷ đồng.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc NPT, để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo thông suốt dòng điện cho đất nước, bên cạnh nỗ lực bản thân, NPT rất cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trong việc giúp đỡ thu xếp vốn. Cụ thể, NPT kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành sớm thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Tổng Công ty nhằm tăng khả năng huy động vốn. Hiện nay, giá truyền tải điện quá thấp chính là nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu tài chính xấu, không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn và quy định của Bộ Tài chính. Hậu quả là NPT đang đứng trước nguy cơ các tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước ngừng cho NPT vay vốn. Theo ông Hùng, truyền tải điện cần được tăng thêm khoảng 50 đồng, tức là vào khoảng trên 120 đ/kWh để NPT khắc phục phần nào khó khăn về tài chính.
Ông Đặng Phan Tường, chủ tịch Hội đồng thành viên NPT cũng cho biết, NPT đang đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện giá điện hai thành phần (giá công suất và giá điện năng) để khách hàng có trách nhiệm trong việc đăng ký và sử dụng điện hợp lý, giảm áp lực cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đề nghị Chính phủ xem xét cho các dự án lưới điện truyền tải được sử dụng các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu nhà nước và nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong nước để đầu tư, miễn thẩm định cho vay đối với tất cả các dự án lưới điện truyền tải đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, sớm tăng phí truyền tải lên 120 đồng/kWh để Tổng Công ty đạt các chỉ tiêu tài chính theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho đầu tư và phát triển lưới điện truyền tải.
Để chủ động trong kế hoạch cân đối các hoạt động của năm 2012, NPT kiến nghị Bộ Công Thương cho cho phép doanh thu NPT không phụ thuộc vào sản lượng điện truyền tải. Đề nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù đối với các giải pháp về đền bù và huy động vốn cho các dự án lưới điện. Cho phép chỉ định các đơn vị tư vấn có năng lực thực hiện công tác cắm mốc hành lang tuyến, được chỉ định các đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chỉ định thầu đối với các dự án/gói thầu mà các nhà thầu có khả năng tự thu xếp vốn. Thống nhất phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư công trình lưới điện truyền tải để thuận lợi trong việc thu xếp vốn. NPT cũng rất mong muốn được các ngân hàng hỗ trợ trong việc thu xếp vốn cho các dự án để đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam sau năm 2013...
Truyền tải điện phải được ưu tiên số 1
Tại buổi làm việc với NPT ngày 31/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, truyền tải điện là lĩnh vực rất quan trọng, việc cung ứng điện chỉ có thể thực hiện được khi phát triển lưới đồng bộ với nguồn. Vì vậy, năm 2012 phải tập trung mạnh vào việc đầu tư lưới truyền tải nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện, đáp ứng tốt nhiệm vụ cung ứng điện cho sản xuất sinh hoạt. Về nguyên tắc, Bộ hoàn toàn ủng hộ những kiến nghị hợp lý của NPT như vấn đề huy động vốn, giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu... Bộ trưởng giao cho Tổng cục năng lượng và Cục Điều tiết điện lực tổng hợp các kiến nghị. Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức cuộc họp xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các Bộ, ngành, kiến nghị lên Chính phủ giải quyết.
Được biết, trong chuyến thăm Trạm biến áp 500 kV Nho Quan dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, những năm tới ngành điện còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức do tín hiệu giá điện chưa đủ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm. Bởi vậy, 10 năm qua tăng trưởng điện đạt tới 4,43 lần vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, tình trạng quá tải vẫn xảy ra trong khi huy động vốn đầu tư vào ngành điện rất khó khăn. Đặc biệt, lưới điện đang thuộc độc quyền nhà nước nên rất khó kêu gọi đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng cho các công trình lưới điện lại rất nan giải, mất nhiều thời gian, công sức, trong khi yêu cầu lượng vốn cho truyền tải rất cao, cần tới 20.000 tỷ đồng/năm mới đáp ứng yêu cầu và có dự phòng. Phó Thủ tướng chỉ đạo: thời gian tới phải ưu tiên số 1 cho truyền tải, sau đó mới đến nguồn điện. Theo Phó Thủ tướng, đây là thời điểm thuận lợi để phát triển lưới điện khi nhu cầu phụ tải còn đang thấp. Muốn thế, EVN và NPT phải làm tốt công tác quy hoạch, kiên quyết xem xét và đánh giá lại toàn bộ quy hoạch lưới điện phân phối để vận hành tối ưu. Trong quá trình triển khai các dự án truyền tải, NPT hết sức tiết kiệm hành lang tuyến, thay thế bằng nhiều cấp điện áp. Tiếp tục áp dụng công nghệ mới, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng truyền tải. Chỉ khi phát triển đồng bộ giữa lưới và nguồn thì mới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý.
Ông Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2012 sẽ được coi là năm của truyền tải, theo đó, EVN sẽ đặc biệt quan tâm đầu tư cho truyền tải nhằm đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, an toàn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.