Nam Phát Group “bắt tay” CME Solar, VINCI E&C đón đầu tiêu chí xanh hóa trong ngành thép

Thứ bảy, 20/1/2024 | 10:24 GMT+7
Dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà nhằm phục vụ mục tiêu sản xuất thép, do lĩnh vực này khi xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong thời gian tới.

Sự hợp tác 3 bên chặt chẽ sẽ giúp toàn bộ quá trình thực hiện hợp đồng để bảo đảm các Dự án điện mặt trời thuộc hệ thống Nhà máy của Nam Phát được đưa vào vận hành đúng tiến độ trong thời gian tới.

Thép là sản phẩm thuộc một trong bốn nhóm hàng bao gồm (sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón) của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong thời gian tới. Đáng chú ý, các sản phẩm từ sắt thép sẽ chiếm khoảng 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu trên.

Do đó để đón đầu tiêu chí xanh hóa, giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất Tập đoàn Nam Phát Group đã nhanh chóng hợp tác cùng Quỹ đầu tư CME Solar và VINCI E&C nhằm sở hữu một sản lượng lớn điện năng lượng tái tạo cho sản xuất thép trong năm 2024.

Thực hiện phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà cho Nam Phát Group là Công ty VINCI E&C, Quỹ đầu tư CME Solar rót vốn để thực hiện các dự án này.

Tháng 8/2023, CME Solar được Quỹ responsibility (Thụy Sỹ) rót vốn 20 triệu USD dưới hình thức nợ dài hạn có bảo đảm cho CME Solar Investments (CME Solar).

Khoản đầu tư này được ghi nhận là gói hỗ trợ vốn lớn nhất của Quỹ responsAbility vào các tổ chức phi tài chính tại Việt Nam tính đến năm 2023, nâng tổng số tiền đầu tư vào CME Solar cho đến nay lên đến 32 triệu USD.

Nhờ việc sử dụng hiệu quả của gói vay vốn đầu tiên (năm 2021) từ Quỹ responsaAbility, CME Solar đạt thành công trong việc duy trì cam kết với các nhà đầu tư của mình. Điển hình là dự án năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy Foxconn (công suất 31,5 MWp) tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Khoản vốn vay đó, giúp CME Solar tiếp tục triển khai một loạt dự án. Trọng tâm là tăng đầu tư năng lượng mặt trời thương mại và công nghiệp (C&I) trên nhiều lĩnh vực ở Việt Nam bao gồm: sản xuất, điện tử, thực phẩm, đồ uống và dệt may.

Ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành CME Solar cho rằng, nhu cầu lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà ngày càng tăng trong các lĩnh vực sản xuất FDI, nhất là trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, dệt may và tiêu dùng đa quốc gia.


CME Solar lắp đặt công suất lên tới 100 MWp vào giữa năm 2023 và đặt mục tiêu tăng thêm 150 MWp vào năm 2024.

Trong khi đó, ở thị trường miền Bắc, năm 2022, VINCI E&C đã tư vấn, thi công cho nhiều dự án của các doanh nghiệp sản xuất, như Dự án Dệt tỉnh Hà Nam có công suất 7,022 MWh; Dự án Lam Giang có công suất 3,213 MWh và Dự án The City Thanh Hóa, công suất 693 kWh (năm 2023)…

Trong năm 2024 ngoài dự án ở Mê Linh Plaza có công suất 1,412 MWh thì VINCI E&C sẽ thi công, lắp đặt cho một loạt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các doanh nghiệp sản xuất thép và may mặc ở thị trường miền Bắc.

VINCI E&C cung cấp dịch vụ năng lượng theo chuỗi từ thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, quản lý rủi ro, chuyển giao thiết bị sau thời hạn hợp đồng cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, VINCI E&C sẽ “bắt tay” với các quỹ đầu tư nước ngoài để cung cấp những giải pháp toàn diện về công nghệ và tài chính cho doanh nghiệp có nhu cầu chuyển dịch sang năng lượng điện mặt trời mái nhà, mà không phải bỏ ra chi phí đầu tư và chi phí vận hành khai thác.

Theo ông Lương Duy Linh, Tổng giám đốc VINCI E&C, công ty bảo đảm các dự án điện mặt trời thuộc hệ thống nhà máy của Nam Phát được đưa vào vận hành đúng tiến độ theo hợp đồng và vận hành đưa hệ thống điện mặt trời vào hoạt động được đảm bảo chất lượng.

Bà Phạm Ngọc Lan, Tổng giám đốc Nam Phát Group chia sẻ, Nam Phát kinh doanh chính trong ngành thép và Inox, đây là ngành sử dụng nhiều năng lượng và là 1 trong 4 sản phẩm (thép, nhôm, xi măng, phân bón) của Việt Nam trong lộ trình sẽ chịu tác động của thuế carbon khi xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu và sắp tới có thể là các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản…

Sau khi hệ thống điện mặt trời mái nhà hoạt động, Nam Phát sẽ mua lại sản lượng điện từ hệ thống này tạo ra theo hợp đồng trong vòng 15 năm 6 tháng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của tập đoàn. Dự kiến, công suất lắp đặt từ hợp tác này sẽ lên tới 10 MW.

Đây là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp không phải bỏ chi phí đầu tư mà còn được thực hiện mục tiêu giảm phát thải thông qua phương án sử dụng năng lượng xanh cho sản xuất.

Đặc biệt bài toán chuyển dịch năng lượng này còn giúp tập đoàn giành lợi thế cạnh tranh vào các thị trường lớn, đồng thời giảm áp lực chịu thuế về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong giai đoạn tới và tiết kiệm được chi phí tiền điện hàng tháng từ 15-20%.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện xanh hóa, có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu thì các khu công nghiệp cũng đang dần hoàn thiện và chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Link gốc

Theo: Báo Đầu tư