Trạm 220kV Cai Lậy (Tiền Giang) là một trong những công trình điện đầu tiên do công ty vừa thiết kế, vừa thi công và hoàn thành trong vòng 46 ngày đêm, vượt tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, công ty thi công công trình kéo dây mạch 2 đường dây 220kV Long Bình-Bà Rịa dài 64km trong điều kiện mạch 1 đang vận hành ở cấp điện áp 220kV trên cùng một trụ điện. Công trình đã giải quyết được những trăn trở của NPT là phải thi công mà vẫn đảm bảo sản lượng và công suất điện cung cấp lên lưới điện quốc gia từ Nhà máy điện Bà Rịa.
Công ty Truyền tải Điện 4 cho biết, trong 21 công trình tăng cường công suất cho các trạm phía Nam vay vốn Ngân hàng Thế giới, công ty được giao nhiệm vụ thi công 7 trạm là Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Gía, Sa Đéc, Tháp Chàm, Long Bình và Hóc Môn. Riêng công trình tăng cường công suất các trạm 220kV Long Bình và Hóc Môn có khối lượng thi công rất lớn và phức tạp trong khi điều kiện cắt điện rất hạn chế, phải thi công qua nhiều giai đoạn và kéo dài trong 2 năm. Đây cũng là công trình đầu tiên ở Việt Nam công ty đã thi công lắp đặt máy biến áp 3 pha cấp điện 220kV, công suất 250MVA. Ngoài ra, qua việc thi công lắp đặt và đưa vào vận hành trạm biến áp 220kV Vĩnh Long với thời gian kỷ lục là 5 tháng đã giúp công ty giải quyết được tình trạng quá tải đường dây 110kV Trà Nóc-Sa Đéc-Vĩnh Long, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ. Đây là công trình sử dụng mạng cáp quang điều khiến bằng kỹ thuật vi xử lý lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty còn thi công vượt tiến độ 1 tháng công trình lắp đặt trạm biến áp 220kV Bạc Liêu 2, giải quyết cơ bản việc quá tải trên đường dây 110kV Trà Nóc-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau, góp phần cung cấp điện ổn định, đảm bảo chất lượng điện năng cho các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và khu vực.
Mặt khác, công ty còn lắp đặt và đưa vào vận hành trạm biến áp 500kV Phú Mỹ công suất 900MVA theo đúng quy trình của nhà chế tạo chỉ trong vòng 4 tuần. Đây là công trọng điểm của NPT để nhận nguồn công suất của nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 lên lưới điện quốc gia thông qua cấp điện áp 500kV. Đặc biệt, công trình đấu nối tạm đường dây 500kV Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải công suất từ các nhà máy điện ở Phú Mỹ phục vụ miền Bắc, miền Trung trong thời gian các nhà máy thủy điện bị thiếu nước. Tổng công suất truyền tải từ cụm nhà máy điện Phú Mỹ hiện nay đã lên đến hơn 2000 MW./.
Mai Phương