Diễn đàn năng lượng

Năng lượng – Cấu phần quan trọng trong hợp tác Việt Nam - Ấn Độ

Thứ hai, 27/5/2019 | 15:30 GMT+7
Ngày 27/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng”.
nang luong cau phan quan trong trong hop tac viet nam an do
Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng”

Cơ cấu năng lượng của Việt Nam và Ấn Độ đã có những chuyển dịch tích cực, từ chỗ chủ yếu khai thác các loại năng lượng hóa thạch truyền thống sang một cơ cấu năng lượng tổng hợp, có nhiều nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiềm năng hợp tác rất lớn.    
 
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế phát triển rất năng động tại châu Á. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng làm tăng nhanh mức tiêu thụ năng lượng ở hai nước, tạo ra sức ép lớn cho việc cân bằng quan hệ giữa cung và cầu năng lượng.
 
Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu những nguồn năng lượng đa dạng, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Hợp tác năng lượng giữa hai nước có nhiều tiềm năng phát triển và là cấu phần quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
 
Ngay từ năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2035, xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng, tăng cường khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phát triển các thị trường năng lượng có năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
Trong khi đó, những năm qua, Chính phủ Ấn Độ cũng đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách tìm kiếm, phát triển những nguồn năng lượng mới. Việc thành lập riêng Bộ Điện năng và Bộ Năng lượng mới và tái tạo cho thấy, Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng, đặc biệt là sản xuất năng lượng tái tạo cho mục tiêu phát triển bền vững.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đặng Hoàng An - cho biết, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại, quốc phòng và an ninh của Ấn Độ và Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt gần 14 tỷ USD, tăng trưởng 15,5% trong giai đoạn 2011 - 2018. Riêng năm 2018 đã tăng 38,8% so với năm 2017. Hai nước đang hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, hợp tác năng lượng đã bắt đầu từ nhiều năm trước trong ngành công nghiệp dầu khí.
 
Được biết, Ấn Độ là một trong những nước sớm có hợp tác với Việt Nam. Hai bên cũng đã ký nhiều biên bản thăm dò dầu khí chung. Bên cạnh đó, về lĩnh lực điện năng, từ năm 2007, Ấn Độ dành cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi trị giá 450 triệu USD để xây dự án thủy điện ở Nậm Trai tỉnh Sơn La, thủy điện Yan Tann Sien ở Lâm Đồng và thủy điện Nậm He tỉnh Điện Biên. Dự án hợp tác dầu khí gas giữa Công ty Roseft Ấn Độ và Petro Việt Nam cung cấp nguyên liệu cho sản xuất điện của Việt Nam đã đi vào vận hành. Ấn Độ cũng đã đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú II, tại Sóc Trăng.
 
Về năng lượng hạt nhân, Việt Nam và Ấn Độ đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác quan trọng. Chính phủ Ấn Độ đã viện trợ cho Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt; tặng cho Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thiết bị điều trị Bhabhatron II Telethrapy, cử chuyên gia Ấn Độ sang Việt Nam vận hành và đào tạo cán bộ chuyên môn cho Việt Nam cũng như mời cán bộ chuyên môn của Việt Nam sang đào tạo tại Ấn Độ. Việt Nam và Ấn Độ đã thực hiện thỏa thuận chuyển nguồn Coban-60 từ Ấn Độ sang Việt Nam, mở ra hướng hợp tác mới về lò phản ứng, y học, hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cho điều trị ung thư tại Việt Nam.
 
Trong năng lượng tái tạo, tính đến năm 2018, Ấn Độ đã có 176 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 814 triệu USD. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam như: dự án sản xuất điện mặt trời tại Bình Thuận của Tập đoàn TATA, dự án đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo công suất 1.000 MW của Tập đoàn Adani; Dự án đầu tư của Tập đoàn Suzlon để sản xuất thiết bị tuabin điện gió và xây dựng các cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Định…
 
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng còn khiêm tốn và tiềm năng còn rất lớn. “Việt Nam luôn hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp Ấn Độ tới tương lai của nguồn năng lượng, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh lâu dài tại Việt Nam” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định rằng, hợp tác năng lượng giữa hai nước thời gian qua đã đạt được những thành quả tích cực, đáng khích lệ, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng của mỗi nước. Cho đến nay, hai nước vẫn chưa có những hình thức tổng kết, đánh giá hiệu quả hợp tác, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản, phát huy tiềm năng và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này.
 
Theo đó, tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã phân tích và đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh hợp tác mới, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi nước, góp phần triển khai mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày một thiết thực, hiệu quả.
 
Tuyên bố chung của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ gần đây đều xác định rõ hợp tác năng lượng là trụ cột thứ ba trong năm trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Hợp tác hai nước về năng lượng được triển khai trên bốn lĩnh vực chính là: năng lượng hạt nhân, năng lượng điện, năng lượng tái tạo và dầu khí.
Theo: Báo Công Thương