Xây dựng hệ thống điện cho dân di cư tự do xã Chư Krey, huyện Kông Chro
Việc di cư tự do này làm tỷ lệ hộ nghèo gia tăng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn… Trong đó, có cả việc ngành điện phải chạy đua cấp điện cho việc phát sinh các khu dân cư mới- hệ lụy của vấn đề di dân tự do. Tuy nhiên, thời gian qua, PC Gia Lai nỗ lực góp phần giải quyết việc cung cấp điện cho các hộ di dân tự do nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân.
Tỉnh Gia Lai có diện tích rất rộng với 15.536,9 km2 (rộng thứ 02/64 tỉnh thành cả nước), dân số gần 1,38 triệu người, trong đó có tới 46% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống rải rác ở vùng sâu vùng xa, địa hình phức tạp. Việc cấp điện cho những vùng dân cư này đã là một thách thức lớn đối với PC Gia Lai.
Nhưng với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ công nhân viên ngành Điện, đến nay, lưới điện phân phối đã phủ khắp địa bàn, toàn tỉnh Gia Lai có 222/222 xã, phường, thị trấn có điện, 2508/2508 trung tâm thôn làng có điện đạt 100%; 330.520/ 332.319 hộ dân có điện, đạt 99,46%, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành tiêu chí điện theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2018-2020. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Song vẫn còn gần 1% hộ dân chưa có điện, đó là những hộ dân di cư tự do. Và, PC Gia Lai đã kịp thời lên kế hoạch xây dựng các công trình để “xóa trắng” về điện cho các đối tượng này.
Đó là 22 hộ dân “xóm mới” ở làng Bui, xã Ia Ka, huyện Chư Pah. Hiện công trình đang thi công với khối lượng 1,2 km đường dây 22kV, 0,7km đường dây 0,4kV và 01 trạm biến áp dung lượng 3P-50kVA, dự kiến sẽ đóng điện trong quý 3 năm 2018.
Đó là 43 hộ dân ở xã Chư Krey, huyện Kông Chro với dự án có tổng kinh phí 566 triệu đồng để xây dựng mới mới 01TBA với công suất 50kVA, 0,502km đường dây hạ thế…
Mới đây nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói về làng “5 không” trên đỉnh núi Cheng Leng thuộc địa phận xã H’bông, huyện Chư Sê, giáp ranh huyện Phú Thiện. Tuy nhiên, các hộ dân ở đây đã quyết định sẽ di dời về lại chỗ cũ là làng Hek, xã Chư A Thai khi được các cán bộ trong đoàn công tác của huyện Phú Thiện do ông Đỗ Ngọc Thành- Bí thư Huyện ủy Phú Thiện làm trưởng đoàn tuyên truyền, vận động…
Nhằm hoàn thiện lưới điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đảm bảo 100% người dân có điện để sản xuất và sinh hoạt, thời gian qua, hàng loạt dự án quan trọng đã được PC Gia Lai triển khai thực hiện như: dự án năng lượng nông thôn 1 hoàn thành và đóng điện năm 2005 với tổng vốn đầu tư 212,5 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp lưới điện thành phố Plei Ku, điện khí hóa xã Ya Ma và Biển Hồ (ADB) hoàn thành và đóng điện năm 2005 với tổng vốn đầu tư 223,7 tỷ đồng; dự án cấp điện cho các thôn, buôn tại Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2010 với tổng vốn đầu tư là 310 tỷ đồng; dự án vốn vay JIBIC đóng điện năm 2010, tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng; dự án ADB tỉnh Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2014 có tổng vốn đầu tư lên tới 357 tỷ đồng; dự án KFW 2 tỉnh Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2017 có tổng vốn đầu tư lên tới 179 tỷ đồng....
Tiếp tục hoàn thiện và mở rộng lưới điện nông thôn tỉnh Gia Lai đến những vùng sâu, vùng xa cuối cùng của tỉnh, trong thời gian đến, PC Gia Lai tiếp tục triển khai các dự án cấp điện như dự án KFW3 gồm: 192,1 km đường dây trung áp; 213 km đường dây hạ áp; 86 Trạm biến áp với tổng dung lượng 15.740KVA; 864 công tơ; 47 thiết bị đóng cắt. Tổng giá trị đầu tư 150 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019.
Đồng thời, PC Gia Lai chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương trong việc xin cấp vốn ngân sách Dự án 2018 để sớm triển khai xây dựng, cải tạo lưới điện vùng sâu vùng xa với khối lượng dự kiến đầu tư gồm đường dây trung áp 355,34 km, đường dây hạ áp 1.277,4 km, 564 TBA với tổng dung lượng 51.750kVA, tổng giá trị đầu tư 966,844 tỷ đồng.
Để xóa “vùng trắng” về điện ở Gia Lai thì sự nỗ lực của ngành điện vẫn chưa đủ, mà cần sự chung tay góp sức của các cấp của địa phương trong việc quy hoạch kết cấu hạ tầng, bố trí dân cư và đặc biệt là vận động, tuyên truyền người dân hiểu được những hệ lụy của việc “Di dân tự do và tập quán sống du canh du cư” như hiện nay.