PC Đồng Tháp: Chú trọng đầu tư cho lưới điện

Thứ sáu, 7/9/2018 | 15:50 GMT+7
Không chỉ là vựa nông sản của cả nước, Đồng Tháp còn là một trong những trung tâm chế biến thực phẩm, gia công cơ khí của Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vậy, các doanh nghiệp nơi đây có nhu cầu rất lớn về nguồn điện ổn định, đảm bảo an toàn cho sản xuất.  
Tháng 7/2018, ngành điện Đồng Tháp sản xuất 195.919.278 kWh, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2017
 
Trước nhu cầu cấp thiết đó, ngành điện phía Nam đã không ngừng sửa chữa, nâng cấp hệ thống lưới điện. Tiêu biểu, công trình về điện vừa mới hoàn thành là trạm biến áp 220kV Khu công nghiệp Sa Đéc (TP. Sa Đéc – Đồng Tháp) và đường dây đầu nối tại tỉnh Đồng Tháp vừa được gắn biển hoàn thành giữa tháng 8/2018. Đây là công trình cấp điện áp 220kV thứ hai được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đầu tư, đóng điện thành công.
 
Chia sẻ với phóng viên Chuyên đề Kinh tế Việt Nam (Báo Công Thương), Tổng giám đốc EVN SPC Nguyễn Văn Hợp cho biết, công trình Trạm biến áp 220kV Sa Đéc và đường dây đấu nối tỉnh Đồng Tháp được đầu tư với mục đích đảm bảo khả năng cung cấp điện khu vực phía Nam tỉnh Đồng Tháp.
 
Công trình này vận hành sẽ giúp giảm tải và tăng độ tin cậy cho các đường dây 110kV như Sa Đéc - An Hòa - Thạnh Hưng, Sa Đéc - Vĩnh Long, Sa Đéc – Khu công nghiệp Sông Hậu, góp phần cải thiện chất lượng điện áp, các đường dây 110kV nhận nguồn từ trạm 220kV Vĩnh Long 2, Cao Lãnh 2 và Ô Môn 2 qua việc khép kín mạch trong vận hành.
 
“Công trình cũng sẽ giúp giảm tổn thất điện năng, cung cấp điện ổn định hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Sa Đéc và các địa phương lân cận của tỉnh Đồng Tháp”- ông Hợp khẳng định.
 
Theo Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Đồng Tháp (PC Đồng Tháp) Phạm Hữu Khải, công trình Trạm biến áp 220kV Sa Đéc và đường dây đấu nối của tỉnh Đồng Tháp có mức đầu tư là 218,831 tỷ đồng, với quy mô xây dựng đường dây đấu nối 2 mạch 220kV, chiều dài 199,2m; đường dây đấu nối 110kV, 4 mạch có chiều dài 476 m; Trạm 220kV với tổng công suất 2 máy biến áp 220kV/110kV x 250 MVA và 2 máy biến áp 110/22kV x 63 MVA. Giai đoạn đầu lắp 1 máy biến áp - 250MVA và 1 máy biến áp - 63MVA.
 
Doanh nghiệp yên tâm hoạt động nhờ lưới điện ổn định
 
Theo đánh giá của ông Phạm Hữu Khải, trạm biến áp 220kV Khu công nghiệp Sa Đéc và đường dây đầu nối tỉnh Đồng Tháp khi vận hành ngoài giúp cho hệ thống điện hoạt động ổn định còn góp phần để cộng đồng doanh nghiệp tại đại phương yên tâm đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh Đồng Tháp phát triển.
 
Ông Huỳnh Văn Bảy - chủ nhà máy xay xát gạo ở TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) - chia sẻ, trước đây nguồn điện thiếu ổn định, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất. Vài năm gần đây, nhờ ngành điện nâng cấp hệ thống mạng lưới điện, đầu tư thêm nhiều công trình điện với số vốn lớn giúp cho các doanh nghiệp giải tỏa được nỗi lo về điện.
 
Nhờ lưới điện ổn định, các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Đồng Tháp là một trong những địa phương tiêu biểu về chú trọng đầu tư cho lưới điện của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo PC Đồng Tháp, trong tháng 7/2018, ngành điện nơi đây đã sản xuất 195.919.278 kWh, tăng 11,6 % so với cùng kỳ năm 2017, sản lượng điện bình quân ngày là 6.295.936 kWh/ngày. Trong đó, điện thương phẩm đạt 183.163.516 kWh, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ riêng trong tháng 7/2018, PC Đồng Tháp đã phát triển thêm 1.162 khách hàng dùng điện, trong đó có 869 khách hàng sinh hoạt và 293 khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt. Như vậy đến nay, tổng số khách hàng sử dụng điện toàn tỉnh đạt 546.600 khách hàng.
 
Trong lĩnh vực đầu tư, năm 2018, EVN SPC giao cho 13 công trình với giá trị là 25,151 tỷ đồng. Hiện tại, theo ông Khải, ngành điện Đồng Tháp đã thực hiện với giá trị 18,527 tỷ đồng, đạt 74% so với kế hoạch, trong đó đã nghiệm thu hoàn thành 12 công trình, 1 công trình sẽ nghiệm thu trong tháng 8/2018.
 
“Ngoài những dự án do ngành điện Đồng Tháp trực tiếp thực hiện, EVN SPC còn triển khai dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp” – ông Phạm Hữu Khải cho biết thêm.
Theo: Kinh tế Việt Nam