Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngày 1-5-1930, lần đầu tiên ở Việt Nam, giai cấp công nhân, nhân dân chính thức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại Hà Nội. Trong ngày đó đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân và công nhân, nông dân tham gia biểu dương sức mạnh to lớn của quần chúng công nông. Trong đội ngũ hùng hậu đó, hầu hết đại biểu công nhân các nhà máy điện ở Việt Nam đều tham dự.
Những ngày tháng tiếp theo của năm 1930, với tinh thần bất diệt của Xô viết Nghệ Tĩnh, trong công nhân ngành điện đã sục sôi không khí đấu tranh với nhiều hình thức, nội dung rất phong phú và đa dạng. Có một sự kiện mà nhân dân Hải Phòng, Hà Nội thời bấy giờ đều biết là ngày 6-11-1930, công nhân hai nhà máy điện Cửa Cấm và Yên Phụ đã cắt điện để phản đối tên toàn quyền Pasquier đến Hải Phòng để bàn với tên toàn quyền Inđônêxia hình thành liên minh chống Cộng ở khu vực Thái Bình Dương.
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ tháng 12/1954.
Từ năm 1931 đến năm 1935, Đế quốc Pháp và bọn tay sai đàn áp khốc liệt cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân. Hoạt động của công nhân điện phải rút vào bí mật, nhưng ngọn lửa đấu tranh vẫn âm ỉ cháy, ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính chất đấu tranh giai cấp thôi thúc hàng ngàn trái tim người thợ điện quyết tâm chống áp bức, bóc lột và giải phóng Tổ quốc.
Thời kỳ 1936-1945, phong trào của công nhân điện đã đi vào bước phát triển mới về chất, gắn chặt với phong trào rộng lớn của nhân dân và giai cấp. Đã có hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân điện tổ chức hoặc tham gia vào cuộc đấu tranh chung của giai cấp công nhân, nhân dân lao động.
Bài học kinh nghiệm từ những cuộc chiến đấu máu lửa đã tôi luyện đội ngũ và tích tụ biến thành sức mạnh để đội ngũ công nhân ngành điện cùng toàn dân thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng 8, xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương.
Trong phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân ngành điện đã xuất hiện nhiều chiến sĩ ưu tú của nhân dân, của Đảng. Nhiều người đã trở thành lãnh tụ của Đảng, của Công đoàn Việt Nam như các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Đoàn (Nhà máy điện Cửa Cấm), Lê Hồng Phong (Nhà máy điện Vinh), Lê Thanh Nghị, Phan Kết (Nhà máy điện Hòn Gai), Trần Bảo, Trần Văn Lan (Nhà máy điện Nam Định)…
Che chắn, bảo vệ máy móc, con người ở Nhà máy điện Vinh (1966) - Ảnh: Trần Nguyên Hợi
Trong những ngày Cách mạng Tháng 8, lực lượng công nhân ngành điện là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Người công nhân điện Bờ Hồ trong ngày 19-8-1945 đã treo lên hạ cờ của chính phủ bù nhìn và treo lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam độc lập lên nóc nhà phủ khâm sai ở Thủ đô Hà Nội.
Từ ngày đó cho đến ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 và ngày 19-12-1946 toàn quốc kháng chiến đã có bao nhiêu người con ưu tú của ngành điện tham gia vào đội tự vệ vũ trang hoặc đội quân Nam tiến, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Ròng rã hơn 9 năm kháng chiến, trong máu xương của nhân dân và giai cấp công nhân đổ xuống có máu xương người thợ điện Việt Nam. Những ngày đầu kháng chiến ở Thủ đô và tất cả các thành phố lớn, Nhà máy điện là pháo đài chiến đấu kiên cường, làm kinh hãi đội quân lê dương xâm lược.
Những người thợ điện còn phải sống và làm việc trong lòng địch, mặc dù bị đàn áp khủng bố vẫn giữ gìn được truyền thống đấu tranh bất khuất, bí mật tham gia kháng chiến bằng mọi hình thức.
Sau cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp thắng lợi, quân thù rút khỏi miền Bắc, công nhân ngành điện ở miền Bắc và nhất là Thủ đô Hà Nội đã kiên quyết đấu tranh không cho địch di chuyển thiết bị. Khi cách mạng về giải phóng Thủ đô và những ngày sau đó, công nhân điện đã phấn đấu hết sức mình giữ vững nguồn điện rực sáng chào đón nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trẻ tuổi ra đời, mở ra một trang sử mới cho dân tộc, một kỷ nguyên mới của ngành điện lực Việt Nam.
CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà. (Hà Nội tháng 6/1966). Ảnh: Trần Nguyên Hợi
Trong những ngày tháng hào hùng đó, một vinh dự to lớn đối với công nhân ngành điện Việt Nam là sự kiện Hồ Chủ tịch đến thăm công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ vào ngày 21-12-1954 và sự kiện đó đã trở thành ngày truyền thống của ngành điện Việt Nam.
Trong những năm đất nước còn bị chia cắt, cùng với nhân dân cả nước, đội ngũ công nhân ngành điện ở miền Bắc vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập và thống nhất Tổ quốc. Nhiều cán bộ công nhân ngành điện đã tham gia nhập ngũ lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Số còn lại tham gia vào cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Có thể nói, không có một nhà máy điện, trạm biến áp lớn nào không bị địch oanh kích, tàn phá. Có nơi bị đánh phá hàng chục, hàng trăm lần, nhưng với khí phách anh hùng và lòng quả cảm, công nhân ngành điện chấp nhận hy sinh, đương đầu với bom đạn, đánh trả quyết liệt để bảo vệ, không cho quân thù biến nhà máy điện, trạm biến áp thành tro bụi như âm mưu của chúng.
Sau mỗi cuộc chiến đấu, cán bộ công nhân ngành điện lại lao vào phục hồi, sửa chữa, che chắn để nhà máy tiếp tục nhả khói, dòng điện lại tỏa sáng phục vụ cho nền kinh tế quốc dân và sinh hoạt của nhân dân. Nhiều cán bộ công nhân đã hy sinh hoặc bị thương tật khi chiến đấu và làm nhiệm vụ. Nhiều đơn vị và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị anh hùng như: Nhà máy điện Uông Bí, Nhà máy điện Vinh và các cá nhân như: Đỗ Chanh, Phan Văn Diêm, Trần Văn Đường, Phạm Hoài, Lê Kim Hồng, Phạm Trọng Hiệp, Mai Tinh Kang, Trương Quang Thâm.
Ở miền Nam, từ năm 1954 đến 1975, công nhân ngành điện đã cùng nhân dân tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống Mỹ, Ngụy đòi dân sinh dân chủ, quyền lợi cho người thợ điện. Trong hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân điện ở các Nhà máy điện Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Chợ Quán (Sài Gòn)…đã diễn ra suốt thời kỳ ngụy quyền Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu, đòi tăng lương, tăng phụ cấp, chống khủng bố bắt bớ khiến cho Mỹ, Ngụy phải nhượng bộ. Nổi bật nhất là cuộc bãi công ngày 11-1-1968 tại Sài Gòn, có hơn 3.500 công nhân điện, nước tham gia góp phần làm suy yếu bộ máy thống trị của Mỹ và tay sai. Bọn chúng thẳng tay đàn áp nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Nhiều công nhân điện đã bí mật tham gia vào biệt động đội tiêu diệt sỹ quan, binh lính Mỹ và bọn ác ôn. Tiêu biểu nhất là sự hy sinh danh dũng, hiên ngang của người thợ điện anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi mà cái chết đã trở thành bất tử, làm rung động hàng trăm triệu trái tim trên thế giới, mãi mãi là niềm kiêu hãnh tự hào của công nhân ngành điện Việt Nam.