Tự hào ngành điện Việt Nam

Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình: Biểu tượng của tinh thần quốc tế vô sản và niềm tự hào của ngành Điện Việt Nam

Thứ năm, 14/11/2019 | 10:34 GMT+7
Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình được khởi công vào ngày 6-11-1979, tính đến nay vừa tròn 40 năm. 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Tuy nhiên, để đi đến quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện trên dòng sông Đà là cả một chuỗi năm tháng trăn trở và dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu ngành Điện và Nhà nước.
 
Nghe kể lại, sư trưởng đại đoàn 350 Hà Kế Tấn là người dẫn đầu một cánh quân về tiếp quản và bảo vệ  Thủ đô vào ngày 10-10-1954. Đến tháng 10-1958, ông được Trung ương giao nhiệm vụ là Trưởng ban xây dựng công trình đại thủy nông Bắc – Hưng - Hải (công trình trị thủy đầu tiên tại miền Bắc). Khi được giao nhiệm vụ  mới, ông Hà Kế Tấn xin được gặp Bác Hồ: “Thưa Bác, cháu không biết làm thủy lợi”, Bác cười giải thích: “Chú làm khắc biết, biết đánh giặc là biết làm thủy lợi”. Ngày 1-10-1958, công trình đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải được khởi công và hoàn thành sau 7 tháng thi công. Nước sông Hồng được tưới cho hàng ngàn héc-ta ruộng 2 vụ của tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Sau đó, ông Hà Kế Tấn được Trung ương điều về làm Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban trị thủy và khai thác sông Hồng, trực tiếp phụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng nghiên cứu vấn đề trị thủy sông Hồng, rồi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi kiêm Chủ nhiệm Ủy ban trị thủy và khai thác sông Hồng.
 
Là người con được sinh ra ở một làng quê huyện Phúc Thọ- Hà Nội thuộc đồng bằng sông Hồng, ông Hà Kế Tấn thấu hiểu được nguyện vọng lâu đời của người dân vùng hạ lưu là làm sao trị thủy được sông Hồng, con thủy quái hung dữ vào mùa lũ hàng năm. Và hơn ai hết, ông cũng hiểu được chỉ có trị thủy được sông Hồng thì mới ngăn chặn được hiểm họa lũ lụt hàng năm, mới đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng.
 
Sau nhiều năm nghiên cứu khảo sát đã xác định được: Lũ sông Hồng do nước sông Đà đổ vào 49%, nước sông Lô-Gâm đổ vào 29% và bản thân sông Hồng chỉ có 22%, cho nên muốn trị thủy sông Hồng phải trị thủy sông Đà.
 
Nghiên cứu tài liệu của Pháp để lại cũng xác định: Muốn trị thủy sông Hồng, phải trị thủy sông Đà, phải xây dựng một đập nước lớn trên sông Đà, tạo ra một hồ chứa nước rất lớn có dung tích khoảng 10 tỉ m3 nước để cắt lũ. Nhưng dưới lòng sông Đà có lớp cát sỏi phù sa dày 60m nên không thể xây dựng đập được. Vì vậy, không thể chế ngự được sông Đà. Để có thêm căn cứ trước khi quyết định phương án trị thủy sông Hồng, Đảng và Nhà nước đã mời đoàn chuyên gia Trung Quốc sang nghiên cứu khảo sát và cũng đưa ra kết luận tương tự: “Đà Giang bất trị”. Các chuyên gia Trung Quốc khuyên Việt Nam nên xây dựng công trình thủy điện trên sông Lô-Gâm để phù hợp với khả năng thực tế.
 
Sau đó, Chính phủ cử một đoàn cán bộ trị thủy sông Hồng do Bộ trưởng Hà Kế Tấn làm trưởng đoàn sang Bắc Kinh để trao đổi về việc xây dựng công trình thủy điện trên sông Lô-Gâm. Kết thúc Hội nghị tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Hà Kế Tấn đưa ra quan điểm: Ý kiến của bạn rất hay, rất hấp dẫn nhưng đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, có liên quan đến sự phát triển của đất nước, nên phải lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện của đất nước và trào lưu phát triển của khoa học kỹ thuật thế giới, không thể chủ quan mà tùy tiện được.
 
Bộ Trưởng Hà kế Tấn đã trình bày quan điểm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước và xin được tổ chức các hội nghị, hội thảo về trị thủy sông Hồng gồm các cán bộ chính trị, quản lý và các nhà khoa học về thủy lợi và điện lực nhằm tập trung trí tuệ ở tầm cao để có quyết định đúng đắn.
 
Đa số ý kiến cho rằng, trị thủy sông Hồng là vấn đề cần thiết nhưng nước lũ từ sông Hồng chỉ chiếm 22%. Các khảo sát dòng chảy sông Hồng cho thấy không có địa thế nào phù hợp để xây dựng đập nước nên việc xây dựng đập lớn trên sông Hồng là không khả thi.
 
Lũ sông Hồng là do nước sông Đà đổ vào đến gần 50% nên muốn trị thủy sông Hồng phải trị thủy sông Đà là phương án tối ưu nhất, nhưng do quy mô công trình quá lớn và kỹ thuật quá phức tạp nên trước mắt không thể triển khai được.
 
Lũ sông Hồng do nước sông Lô, sông Gâm và sông Chảy đổ vào gần 30% lưu lượng, nên chọn phương án xây dựng công trình thủy điện Lô-Gâm với quy mô vừa phải, giúp chống lũ cho sông Hồng được gần 1/3 và xây dựng một nhà máy thủy điện có công suất 400.000kW trên sông Chảy. Phương án này vừa phù hợp với khả năng và trình độ của Việt Nam, lại được Trung Quốc nhiệt tình giúp đỡ.
 
Theo phương án này, một lực lượng khá lớn cán bộ của Bộ Thủy lợi được điều động tiến hành khảo sát tại ngã ba Lô-Gâm phía trên tỉnh lỵ Tuyên Quang khoảng 10km. Nhưng sau khi khảo sát, đoàn công tác kiến nghị không nên xây dựng công trình thủy điện Lô-Gâm vội vì hiệu quả chống lũ thấp mà diện tích bị ngập nước quá lớn (diện tích ngập nước rộng hơn vị trí xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình) và nhiều ý kiến lại quay về phương án xây dựng công trình thủy điện trên sông Đà với với lý do: Có trị thủy sông Đà mới có thể cơ bản trị thủy được sông Hồng; có điều kiện xây dựng được Nhà máy thủy điện lớn có công suất khoảng 2 triệu ki-lô-oát; trình độ khoa học kỹ thuật thế giới đã có bước tiến bộ vượt bậc để xử lý được lớp cát sỏi phù sa rất dày để xây dựng được những đập nước lớn vững chắc. Tuy rằng mới có vài nước ít ỏi nghiên cứu thành công, trong đó có Liên Xô (cũ) đã giúp đỡ Ai Cập xây dựng đập A- Xuân và nhà máy thủy điện có công suất 2 triệu ki-lô-oát trên sông Nin mà lòng sông này cũng có lớp sỏi cát phù sa như sông Đà ở Việt Nam.
 
Mùa thu năm 1971, miền Bắc trải qua trận đại hồng thủy "250 năm mới gặp một lần"; 400 km đê vỡ, 500 nghìn ha lúa mất trắng. Nước sông Hồng dâng xấp xỉ mặt cầu Long Biên. Ngành giao thông phải điều một đoàn tàu chở đá hộc lên trấn giữ mặt cầu để không bị lũ cuốn phăng. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng khi đó đưa đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô do ông Pốt-Goóc-Nưi – Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đi thị sát lụt ở Hà Bắc. Đứng trên triền đê nhìn ra mênh mông nước, Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng mong muốn Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng một công trình để cắt lũ cho đồng bằng sông Hồng.
 
Cũng chính từ đây, công trình Thủy điện Hòa Bình manh nha hình thành và dần đi vào hiện thực. Có thể nói rằng, lịch sử  rất công tâm, nếu không có người Nga thì Việt Nam có lẽ chưa biết bao giờ có dòng điện quốc gia đầu tiên của cả nước, chưa nói đến trị thủy sông Hồng, công việc mà trước đó người Pháp từng tuyên bố "Sông Đà bất trị".
 
Khởi công năm 1979, năm 1988, tổ máy số 1 được đưa vào vận hành và lần lượt bình quân mỗi năm đưa một tổ máy vào sản xuất, tổ máy số 8 được kết thúc vào năm 1994. Công trình thủy điện Hòa Bình được hoàn thành sau 15 năm với vô vàn khó khăn phải vượt qua, nhất là từ khi Liên Xô sụp đổ.
 
Công trình thủy điện Hòa Bình là chiến công vĩ đại của cả nước, mà trực tiếp là của hàng vạn cán bộ, công nhân, chiến sĩ Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô đã lao động dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, bền bỉ trên công trường. Trong đó, yếu tố quan trọng là sự giúp đỡ to lớn trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả của Liên Xô.
 
Trong 40 năm qua, công trình thủy điện Hòa Bình đã mang lại hiệu quả to lớn cho phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam và ai cũng biết, thủy điện Hòa Bình hoàn thành chính là khởi nguồn cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam, thống nhất được hệ thống điện trong cả nước. Công trình thủy điện Hòa Bình không chỉ là biểu tượng cho tinh thần quốc tế vô sản mà còn là biểu tượng của niềm tự hào của ngành Điện Việt Nam.
Thanh Mai/Icon.com.vn