Tự hào ngành điện Việt Nam

Tự vệ Nhà máy Điện Yên Phụ bắn rơi máy bay Mỹ

Thứ tư, 27/11/2019 | 14:34 GMT+7
Nhà máy điện Yên Phụ được xây dựng năm 1925 dưới thời Pháp thuộc. 

Nhà máy điện Yên Phụ. Ảnh: Internet.
 
Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (1965-1972), Nhà máy được coi là nơi sản xuất điện chủ lực nằm ở trung tâm lưới điện miền Bắc và được mệnh danh là “trái tim lớn” của công nghiệp Thủ đô.

Sau trận đánh phá đầu tiên của máy bay Mỹ vào Nhà máy (19-5-1976), mọi người phán đoán chúng sẽ còn đánh leo thang tiếp. Một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại Nhà máy. Mọi người đã ký tên lên lá cờ Tổ quốc và tuyên thệ “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh, giữ vững dòng điện trong mọi tình huống”. Ngay sau đó là một chiến dịch đào hầm hào, công sự bổ sung và gia cố chân đế các tượng bằng đá hộc quanh Nhà máy, tạo thành những lũy thép khổng lồ cao tới 13m, đồng thời, tiếp tục sơ tán vật tư, tài sản, thiết bị sản xuất điện dự phòng quan trọng đến nơi an toàn. Các nhà trẻ, mẫu giáo được sơ tán cách Hà Nội 60km. Các lớp văn hóa – kỹ thuật được di chuyển đến gần nơi CBVC trú ẩn sau ca. Cuộc chiến tranh leo thang của Đế quốc Mỹ càng ác liệt, số lượng Đội viên cảm tử bảo vệ dòng điện càng tăng thì tinh thần đánh giặc Mỹ và bảo vệ Nhà máy càng tăng cao. Từ người thợ lò, thợ máy, thợ điện đến các chiến sĩ từ vệ “Sao vuông” đều phối hợp giúp nhau thực hiện “Đi ca sản xuất giỏi, sau ca trực chiến tốt”. Nhà máy đã tách ra một đội tự vệ trực chiến với 2 khẩu súng máy bộ binh 14,5 ly để ngày đêm bám sát trận địa tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nội, trong đó có Nhà máy Điện Yê Phụ.
 
Nhiều lần máy bay Mỹ đã lọt vào vùng trời Hà Nội, đánh phá dữ dội cầu Long Biên, Nhà máy Điện Yên Phụ, tàn phá lưới điện Thủ đô. Công suất điện tăng giảm đột ngột, các cỗ máy tuabin có lúc gầm réo nặng nề vì phải mang tải quá sức. Kim đồng hồ các máy vượt quá trị số an toàn. Điện nhảy. Mạch chập. Gian lò, gian máy rung chuyển. Tấm “tum” thép khổng lồ che nóc các máy phát điện, cánh cửa thép vừa dày, vừa nặng bảo vệ cho người và thiết bị của phòng trung tâm rung lên bần bật vì sức em của bom. Một mệnh lệnh được ban hành khẩn cấp: “Tách lưới”. Ngay tức khắc, những người thợ lò, thợ máy tuabin, trực chính, trực phụ bảng điện đều khẩn trương làm việc như những con thoi. Người leo lên tầng cao cheo leo nguy hiểm để thao tác các van hơi lò, hơi máy; người chạy xuống đóng cắt các cầu dao, tiếp thêm than, tăng nhiệt độ buồng lửa duy trì áp suất hơi lò, đảm bảo nhiệt độ hơi thoát của máy theo quy trình để Nhà máy vận hành độc lập được an toàn khi tách lưới. Giữa những giây phút căng thẳng tột độ ấy, khi khắp mặt đất, vùng trời phía Bắc Thủ đô Hà Nội đạn bay đan vào nhau, nổ vang trời dậy đất, bỗng một vệt đỏ lừ từ phía Hồ Tây láo thẳng vào giữa gian máy tuabin số 3 nổ xé trời, phá vỡ một khung tường kéo theo một lới bụi mù khói bom lẫn bụi than đen ngòm. Điện mất toàn bộ. Buồng máy, gian lò tối om như mực. Toàn bộ khu trung tâm Nhà máy bị trúng bom tia laze, đổ nát hoang tàn. Hai người đã hy sinh là các đông chí: Đặng Đức Thọ và Nguyễn Xuân Hòa.
 
Cũng vào thời điểm lịch sử này, 11 giờ 45 phút ngày 26-10-1967, một máy bay A4 từ hạm đội 7 vào đánh phá Thủ đô và Nhà máy điện bị trúng đạn chúc dầu đâm thẳng xuống bể xỉ than của Nhà máy, bốc cháy ngùn ngụt. Viên thiếu tá phi công Jôn Mac Kên được vớt lên từ hồ Trúc Bạch. Chiến công này có các chiến sĩ tự vệ Nhà máy Điện Yên Phụ góp lửa.
 
Cuộc chiến tranh leo thang vẫn tiếp diễn và gây nhiều đau thương mất mát cho nhân dân Hà Nội. Nhà máy điện còn hoạt động thì máy bay sẽ còn tiếp tục đánh phá ác liệt hơn. Bởi mục tiêu của Đế quốc Mỹ là đánh san phẳng những cơ sở sản xuất điện và các cơ sở hạ tầng khác, thậm chí cả khu dân cư.
 
Đúng như dự đoán, vào lúc 9 giờ 41 phút ngày 10-5-1972, hàng tốp máy bay Mỹ gầm rít, hùng hổ lao vào đánh phá cầu Long Biên và Nhà máy Điện Yên Phụ. Lực lượng Phòng không quốc gia và tự vệ Nhà máy đã sẵn sàng đón đánh. Các trận địa khẩn trương, hối hả, quyết “chia lửa” lập công bắn rơi máy bay Mỹ. Khẩu đội trưởng Nguyễn Trọng Khải với lá cờ lệnh đỏ sẫm trong tay, đanh thép hô lớn: “Đón chiếc đi đầu, bắn”. Ngay lập tức, chiếc F4H loạng choạng, mang theo vệt khói đen rồi bốc cháy dữ dội, chúc đầu đâm thẳng theo hướng Tây Nam rơi xuống.
 
Cả trận địa xôn xao, hào hứng, bừng bừng khí thế chiến thắng. Trinh sát viên – nữ thợ tiện trẻ Lê Thị Huế, thợ điện Nguyễn Trọng Bình, thợ sửa chữa máy tuabin Đoàn Trịnh Bình reo vui quên cả bản thân đang đứng dưới tầm bom đạn của hàng đàn máy bay Mỹ.
 
Sau một hồi đánh phá và bị ta giáng trả thích đáng, máy bay Mỹ vội trút bôm bừa bãi rồi chuồn thẳng.
 
Chiến thắng oanh liệt này đã ghi lại kỳ tích anh hùng của những người thợ điện Thủ đô lập công trực tiếp bắn rơi máy bay F4. Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng Ba cho Đội tự vệ Nhà máy Điện Yên Phụ (1972) và Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất cho Nhà máy Điện Yên Phụ (1973) và vinh dự lớn hơn nữa là Nhà máy được phong tặng Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.
Mai Linh/Icon.com.vn