Lãnh đạo EVN kiểm tra công tác vận hành TBA 110kV không người trực tại Quảng Ngãi.
Mục tiêu nhằm xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành năm 2022. Chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành được số hóa; các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động, áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn.
Để hoàn thành mục tiêu trên, giải pháp Đảng ủy Tập đoàn đưa ra là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác chuyển đổi số. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, các đoàn thể chính trị-xã hội về mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đối với sự phát triển của Tập đoàn và đơn vị; xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức.
Thường xuyên tuyên truyền, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về CMCN 4.0, chuyển đổi số; động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị cũng như trong cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn và của đất nước.
Sửa đổi, ban hành mới và thực hiện các quy trình, quy định phù hợp với chuyển đổi số. Rà soát các quy định, quy trình trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn để xem xét sửa đổi phù hợp với xu thế chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của CMCN4.0. Nghiên cứu ban hành các quy định, quy trình và cơ chế để khuyến khích các đơn vị, cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như khởi nghiệp sáng tạo.
Tập trung nguồn lực xác định nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực. Trong đó, tập trung lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất (phát điện, truyền tải điện và phân phối); Lĩnh vực, kinh doanh và dịch vụ khách hàng; Lĩnh vực đầu tư xây dựng; Lĩnh vực quản trị; Lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa.
Tập đoàn và các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trên nguyên tắc: Tập đoàn xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số tổng thể trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số tổng thể, các đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau: Thống nhất các mục tiêu/chỉ tiêu trong toàn Tập đoàn; Quy trình nghiệp vụ thống nhất trong toàn Tập đoàn, hạn chế phát sinh đặc thù của riêng đơn vị; Thống nhất giải pháp công nghệ, kiến trúc hệ thống công nghệ…v.v trong toàn Tập đoàn; Một giải pháp, sản phẩm công nghệ chỉ một đơn vị thực hiện và áp dụng chung toàn Tập đoàn.
Xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được vào năm 2022, đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Trong đó, trong giai đoạn đến năm 2022 đưa ra chỉ tiêu thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong các năm tiếp theo bổ sung các chỉ tiêu hiệu quả từ công tác chuyển đổi số. Các mục tiêu và chỉ tiêu cần được rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính phấn đấu và tính khả thi.
Lựa chọn các sáng kiến chuyển đổi số có hiệu quả và xây dựng kế hoạch triển khai diện rộng để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Xây dựng các chương trình, kế hoạch chi tiết triển khai cho Chủ đề năm 2021.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn giao Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn giao Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn chỉ đạo các ban tham mưu, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết.
Giao Ban Truyền thông phối hợp các Ban chuyên môn của Tập đoàn theo dõi, tổng hợp, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị để chỉ đạo kịp thời.