Logo Uniper tại trụ sở chính ở Duesseldorf, Đức ngày 8/7. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gần đây tiết lộ về kế hoạch cứu trợ một số công ty năng lượng bằng cách thu phụ phí khí đốt. Biện pháp này có thể khiến một hộ gia đình bốn người phải trả thêm trung bình 480 euro (480 USD) mỗi năm. Đây là một phần trong loạt các biện pháp can thiệp của chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo ông Habeck, khoản thu này là cần thiết để cứu các công ty năng lượng như Uniper hoặc Sefe Group. Họ đang phải đối mặt với thiệt hại hàng tỷ USD do Nga siết cung khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng, các công ty này phải bù đắp thiếu hụt bằng cách mua nhiên liệu với giá đắt đỏ trên thị trường giao ngay.
Trên thực tế, những công ty khó khăn nhất chính là các đơn vị phụ thuộc trực tiếp vào khí đốt từ Nga. Uniper - hãng nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất châu Âu - đã hợp tác suôn sẻ với Gazprom trong hơn 40 năm. Nhưng từ tháng 6, Gazprom đã cắt giảm 80% sản lượng giao cho Uniper.
Hồi tháng 7, Uniper báo cáo lỗ 12,3 tỷ euro trong nửa đầu năm 2022. Chính phủ đã Đức đồng ý mua 30% cổ phần và cung cấp 15 tỷ euro viện trợ khẩn cấp cho hãng này. Dù vậy, theo tính toán của Wanda Serwinowska - chuyên gia phân tích hàng hóa của Credit Suisse, Uniper vẫn tiếp tục lỗ 130 triệu euro mỗi ngày.
Là nhà cung cấp hơn 25% khí đốt cho Đức, thất bại của Uniper là quá lớn với ngành năng lượng. Ngày 29/8, họ đề nghị ngân hàng quốc doanh Kfw, tăng hạn mức tín dụng thêm 4 tỷ euro, từ 9 tỷ euro đã có.
Vào ngày 31/8, Wien Energie - một công ty năng lượng hàng đầu khu vực của Áo, cũng nhận được hạn mức tín dụng 2 tỷ euro. Wien Energie cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Nga và đang đàm phán với giới chức về gói cứu trợ 6 tỷ euro.
Tính đến ngày 4/9, Thụy Điển và Phần Lan thông báo sẵn sàng cung cấp 33 tỷ USD cho các công ty năng lượng Bắc Âu đang gặp khó. Biến động trên thị trường điện khiến các công ty này bị yêu cầu tài sản thế chấp cao hơn để đảm bảo hoạt động.
Ngược lại, những công ty năng lượng không phụ thuộc vào nguồn cung của Nga vẫn hoạt động tốt trong tình trạng hỗn loạn hiện nay. Gunvor - hãng kinh doanh năng lượng trụ sở tại Thụy Sĩ - ghi nhận lợi nhuận ròng tăng gần 4 lần trong nửa đầu năm. RWE (Đức) báo cáo lợi nhuận gộp 2,9 tỷ euro trong nửa đầu năm 2022 , tăng so với 1,8 tỷ euro cùng kỳ 2021.
Hôm 7/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng các công ty này đang nhận được "mức doanh thu mà họ không bao giờ tính đến và chưa bao giờ mơ tới". Thậm chí, vì cùng thuộc ngành năng lượng, những công ty đang ăn nên làm ra cũng có thể hưởng lợi từ kế hoạch tăng phụ phí khí đốt của chính phủ Đức. Vì vậy, ông Habeck tuyên bố sẽ tìm cách điều chỉnh thuế để tránh mang lại lợi ích cho các công ty không bị thiệt hại.
Các chuyên gia cho biết, các công ty điện không phụ thuộc vào khí đốt đang hoạt động tốt hơn đáng kể. Theo Alberto Gandolfi, Giám đốc nghiên cứu về cổ phần tại Goldman Sachs, hầu hết các công ty này tự bảo hiểm và bán các hợp đồng điện có kỳ hạn, nên lợi nhuận thường phản ánh giá hàng hóa vài năm trước.
Tuy nhiên, do nhiều biến động, tổng thu nhập ròng của các công ty năng lượng châu Âu năm nay dự báo khoảng 17 tỷ euro, giảm so với mức 30 tỷ euro vào năm 2021. Và nếu các chính phủ không can thiệp, con số này sẽ trở lại gần như mức của năm ngoái trong vài năm tới.
Ngay cả khi các chính phủ quyết định đánh thuế thêm cho phần lợi nhuận vượt mức - khoảng 150 tỷ euro cho giai đoạn 2020 - 2024, đây cũng chỉ là một phần nhỏ so với số tiền mà người châu Âu phải trả cho năng lượng giai đoạn 2021 - 2023 nếu giá không giảm, theo tính toán của Goldman Sachs.
Chuyên gia phân tích Sam Arie của UBS cảnh báo không nên thu thêm thuế các công ty năng lượng đang khấm khá, vì điều này sẽ không khuyến khích họ thực hiện các khoản đầu tư cần thiết. Ví dụ, thuế tăng có thể làm họ nghĩ lại về việc có nên đầu tư thêm cho năng lượng tái tạo hay không. Nó cũng sẽ khiến các công ty bị giảm số tiền lẽ ra để xây dựng cơ sở hạ tầng đưa khí đốt từ các nhà ga ở phía tây lục địa châu Âu đến vùng trung tâm đang thiếu thốn.
Dù vậy, The Economist nhận định nhà đầu tư vào các công ty điện niêm yết tại châu Âu vẫn tỏ ra bình thản, vì giá trị của những công ty lớn nhất vẫn ổn định. Thị trường có thể đã chuẩn bị tâm lý cho việc những doanh nghiệp có lợi nhuận vượt mức sẽ bị đánh thuế, hoặc đơn giản là kế hoạch này sẽ không thành hiện thực.